GNO - Đầu năm con Rắn tôi quyết định "xông đất" một vòng đường phố Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn!
Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự: Trống trải! Đường phố như rộng ra, con người như thu nhỏ lại, trên các nẻo đường mật độ xe cộ lưu thông thưa thớt đến lạ thường, một không gian tĩnh lặng hiếm hoi ở cái đất Sài Gòn này, nó tạo thêm cho tôi chút "ngẫu hứng" trôi dài đó đây.
Dường như một năm chỉ có được bầu không khí này trong dăm ba ngày Tết. Tôi nghĩ, với bất cứ ai trong chúng ta hẳn cũng phải thừa nhận trong những thời khắc này, không gian này thật sự ta được ban phát tận hưởng một bầu không khí trong lành, dịu êm, nhẹ nhàng theo cảm xúc trân quí, thảnh thơi, theo đó tâm thức tôi lại nhớ câu thơ của Kahlil Gibram: "Cám ơn đời một sớm mai thức dậy/Cho tôi thêm ngày nữa để yêu thương".
Vâng, để có được một không gian thoáng đãng, tĩnh lặng giữa đất Sài Gòn, cho thấy một lí do là dân số ở Sài Gòn “quá đông” khoảng hơn tám triệu người. Nhưng thực tế có khoảng gần 10 triệu người đang lưu cư ở đây, bởi những người con tứ xứ khắp nơi trong cả nước tụ hội, bươn chải về đây "đất lành chim đậu" học tập, làm việc và tìm kế sinh nhai... Sau một năm họ miệt mài xa xứ với "nợ áo cơm đèn sách" những người con ly hương ấy lại cố gắng góp nhặt, chắt bóp, dành dụm một khoản tiền để quay về quê chốn cũ, trong ý thức sum họp, đoàn viên với gia đình, thân tộc trong 3 ngày Tết.
Ấy vậy, chính nó là nguyên nhân Sài Gòn được trả lại sự yên ắng, đằm thắm, cho người Sài Gòn được đi trên lối đi quen một cách thảnh thơi, như đang bông đùa rong chơi với sự "trống vắng" mà không lo sợ phải chen chúc, hối hả, tranh giành từng centimet đường hay phải leo lề vượt ẩu gặp lúc kẹt xe ở các giao lộ, hay bị ùn tắc giao thông vì nạn đào đường, dựng lô cốt, hay do một taxi nào đó quay đầu vượt ẩu nơi này, nơi kia, cũng là lí do để làm kẹt xe, kẹt đường thường nhật...
Qua hơn 40 năm tôi "gởi thân trú xứ" đón Tết ở Sài thành, ghi nhận một điều những ngày Tết ở đây đều rơi vào mùa nắng nóng, (chỉ có 2 mùa mưa nắng) họa hoằn lắm "ông trời thương" cho hưởng một tí nắng dịu và một làn gió se lạnh làm thay đổi dịu êm thân nhiệt một cách dễ chịu, tạo cho tâm hồn con người cảm giác bồng bềnh sảng khoái tựa như được khoác thêm tấm áo mới cho người Sài Gòn. Cho dù thời tiết ngày xuân có khô khốc khắc nghiệt thế nào chăng nữa, nhưng với người Sài Gòn vẫn luôn giữ và thể hiện được một nét đẹp Văn Hóa, đó là một tập quán văn hóa tín ngưỡng nhân văn ngày xuân: Đi Lễ Chùa đầu năm!
Có thể nói từ đêm giao thừa, đến sáng mùng 1, mùng 2, mãi đến hết tháng Giêng, các chùa trong thành phố đều đón khách thập phương đến lễ Phật cầu nguyện những điều "âm siêu dương thái" an vui, hạnh phước cho bản thân, gia đình, thân quyến... Thậm chí họ còn tổ chức từng nhóm,t ừng gia đình, từng đạo tràng đi chiêm bái "thập tự" (10 chùa) không những trong phạm vi thành phố mà họ còn tổ chức đi xa hơn đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, hay Cao nguyên lộng gió Đà Lạt, hay xuôi về miền Tây: An Giang, Châu Đốc...
Quả thật là một nét đẹp mang đậm chất văn hóa truyền thống, tâm linh của người dân Việt nói chung và với người dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn nói riêng! Họ luôn thể hiện một đức tin tuyệt đối hướng về Tam bảo, hướng về mùa xuân Di Lặc. Họ như gửi trọn niềm an vui trong cõi tịnh và bỏ lại sau lưng những lo toan, muộn phiền qua một năm dài vật lộn…
Họ tìm đến với Đức Phật để thấy sự thanh thản trong tâm hồn của mình và cảm nhận, hy vọng sự an lành trong cuộc sống cho một năm mới đã đến! Và Đi Lễ chùa đầu năm cũng là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp không thể thiếu của người dân Đất Việt trong mỗi độ Tết đến Xuân về!...