Kể từ khi cuộc nổi dậy gây chết người nổ ra ở khu vực Hồi giáo chiếm ưu thế bảy năm trước đây, quân đội đã trở nên sát cánh với tôn giáo trong khu vực, nơi mà binh sĩ và tu sĩ sống cạnh bên nhau trong các tu viện.
Nhà sư đi khất thực phải có quân đội bảo an - Ảnh: AFP
Tại chùa Lak Muang, cách trung tâm thành phố Pattani vài cây số, các binh sĩ được vũ trang đến tận răng đã trở lại từ tuần tra trong các xe tải nhỏ từ giờ này qua giờ khác.
Xung quanh vườn tháp, các doanh trại lắp ghép sẵn đã được dựng lên cho các binh lính trong khi xe bọc thép, xe vận tải thì đang đậu gần đó.
Tám nhà sư đang sống ở đó được bảo vệ bởi khoảng 100 binh sĩ - một hình ảnh tương phản với các ngôi chùa khác trong khu vực.
Quân đội cho biết đây chỉ là vấn đề bảo an thông thường thôi.
Thiếu tướng Acra Tiproach, Phó chỉ huy quân đội khu vực cho biết: "Binh lính ở cùng với các nhà sư không có nghĩa rằng đó là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Chúng tôi không phải ở đây để chiến đấu. Đây chỉ là một nơi đồn trú. Chúng tôi có thể trưng dụng bất cứ ngôi nhà nào để ở nhằm bảo đảm sự an toàn của người dân”.
Binh sĩ Thái Lan trong một cuộc họp tối tại căn cứ quân đội bên trong chùa Lak Muang - Ảnh: AFP
Từ năm 2004, ba tỉnh cực nam Thái Lan gồm Pattani, Yala và Narathiwat, gần biên giới với Malaysia, đã bị chia rẽ bởi một cuộc nổi dậy phức tạp của hơn 4.800 người.
Các nhà sư - một biểu tượng của nhà nước Thái Lan lại là một trong các mục tiêu bị bắn hoặc bị tấn công bằng bom khi đi khất thực ở bên ngoài.
Hơn bao giờ hết, các nghi thức tôn giáo hàng ngày diễn ra nơi đây đều dưới sự giám sát quân sự chặt chẽ.
Hình ảnh các nhà sư đi khất thực theo từng cặp hai người theo truyền thống khá quen thuộc ở xứ sở này. Nhưng nay, tại nơi này, còn có thêm hình ảnh những vệ sĩ có vũ trang theo sát các nhà sư, quan sát từng ô cửa, từng con phố.
Một người bán hàng địa phương đến lễ chùa cho biết: "Tình hình ở đây đang trở nên tồi tệ. Tôi không nghĩ rằng có gì lạ lẫm hay sai trái khi các binh sĩ đi cùng với các nhà sư".
Các nhà sư tỏ ra không phiền hà gì về sự hiện diện của binh lính tại những ngôi chùa.
Nhà sư & binh lính trong chùa - Ảnh: AFP
“Không sao cả bởi vì sư sống với sư, binh lính sống với binh lính. Chúng tôi sống tách biệt nhau” - sư Pipit Vavakam Koson, trụ trì chùa Tung Kha ở Narathiwat nói - "Có chùa bị đặt bom, một số chùa bị đốt cháy, một số tu sĩ bị sát hại. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc các binh sĩ ở đây với chúng tôi là một ý tưởng hay. Họ có thể bảo vệ dân làng và làm cho họ cảm thấy an tâm hơn”.
Tôn giáo là một trong ba trụ cột của Hiến pháp Thái Lan (tôn giáo, quốc gia và chế độ quân chủ). Phật giáo là tôn giáo chính thức của nhà nước Thái.
Bà Ophat Yenbut, 66 tuổi, sống cùng với chồng tại nhà đối diện với tu viện. Bà chỉ vào ngôi nhà của người hàng xóm và cho biết một cập vợ chồng đã bị giết trong một đồn điền cao su cách đây vài năm. Bà nói: "Bây giờ tôi ngủ ngon hơn vì tôi biết rằng những người lính có mặt ở đây là để bảo vệ cho chúng tôi”.