Lễ hội đèn lồng Phật giáo thường niên rực sáng Seoul

Bài trên Báo Giác Ngộ số 11301 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 11301 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 26-4 vừa qua, hàng ngàn Phật tử và người dân đã đổ về trung tâm thủ đô Seoul để tham dự Lễ hội Đèn lồng ( 연등회 – Yeondeunghoe), một sự kiện văn hóa và tôn giáo trọng đại hàng năm nhằm kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật.

Dòng người rộn ràng, trong đó nhiều người khoác lên mình những bộ hanbok truyền thống, đã tạo nên một khung cảnh lung linh sắc màu khi cùng nhau rước những chiếc lồng đèn hình hoa sen rực rỡ đi qua các tuyến phố chính của thành phố.

Bắt nguồn từ truyền thống Phật giáo, Yeondeunghoe ngày nay đã phát triển thành một lễ hội văn hóa lớn và thu hút không chỉ người dân Hàn Quốc mà còn đông đảo du khách quốc tế tham gia. Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, mỗi năm có hơn 300.000 người tham dự lễ hội này. Điều đó cho thấy sức sống bền bỉ và ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo trong đời sống xã hội Hàn Quốc hiện đại, dù chỉ khoảng 16% dân số hiện nay của quốc gia này tự nhận mình là Phật tử (theo cuộc khảo sát của Chính phủ năm 2020).

Lễ hội đèn lồng có lịch sử hơn 1.200 năm, bắt nguồn từ thời kỳ Silla (57 trước Tây lịch - 935 Tây lịch), triều đại đã góp phần định hình nền văn hóa Phật giáo Hàn Quốc. Năm 2020, Yeondeunghoe đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại và trước đó đã được Hàn Quốc xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Với thông điệp “thắp sáng thế gian bằng ánh sáng giác ngộ của Đức Phật”, lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ Đấng Từ phụ, mà còn lan tỏa thông điệp hòa bình và từ bi đến với cộng đồng.

Năm nay, đoàn rước bắt đầu từ Cổng Đông (Dongdaemun – Heunginjimun) và di chuyển qua bốn trạm tàu điện ngầm lớn của Seoul, trước khi kết thúc tại chùa Jogyesa – cơ sở trung tâm của tông phái Jogye, tông phái Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc. Dọc tuyến đường diễu hành, hàng loạt chiếc đèn lồng thủ công do các chùa và tổ chức Phật giáo trên khắp đất nước chế tác đã làm sáng bừng màn đêm với hình tượng đa dạng như Đức Phật, rồng, voi, phượng hoàng và hoa sen.

Những người tham dự, từ chư Tăng Ni, Phật tử đến khách du lịch, đều mang theo những chiếc đèn nhỏ trên tay, trong khi các mô hình đèn lớn được bài trí trên xe diễu hành. Đường phố được trang trí công phu, ghế ngồi cho khán giả được bố trí dọc các tuyến phố, và toàn bộ giao thông bị cấm để nhường chỗ cho đoàn rước.

Ngoài cuộc diễu hành chính, các ngôi chùa như Jogyesa và nhiều chùa khác trên toàn quốc đều treo đèn hoa sen và tổ chức các sự kiện cầu nguyện. Dòng suối Cheonggyecheon, biểu tượng của sự hồi sinh đô thị Seoul, cũng được trang trí bằng hàng loạt đèn giấy công phu, tạo nên một không gian tâm linh nghệ thuật và tĩnh lặng giữa lòng thành phố hiện đại.

Một điểm nhấn đặc biệt là chương trình Daedong Hanmadang – buổi giao lưu văn hóa diễn ra dưới bầu trời đêm sau cuộc diễu hành. Tại đây, người tham dự được trải nghiệm các hoạt động truyền thống Hàn Quốc như múa vòng Ganggangsullae, làm đèn lồng, thưởng thức ẩm thực chay của chùa – tất cả đều nhằm giới thiệu nét đẹp Phật giáo đến thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế.

Ban Tổ chức nhấn mạnh rằng Yeondeunghoe không chỉ dành riêng cho người theo đạo Phật, mà mở rộng vòng tay đón chào mọi người không phân biệt tôn giáo, giới tính hay quốc tịch. Trên trang giới thiệu chính thức, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc khẳng định: “Bạn không cần là Phật tử để thưởng thức Yeondeunghoe. Đây là một lễ hội nơi tất cả mọi người có thể hòa làm một”.

Lễ hội đèn lồng cũng đánh dấu thời điểm chuẩn bị cho lễ Phật đản chính thức, sẽ được tổ chức vào ngày 5-5 năm nay theo lịch âm. Trong những ngày tới, hàng vạn Phật tử sẽ tiếp tục đổ về các chùa để dự lễ, tụng kinh và lan tỏa tinh thần tỉnh thức và từ bi mà Đức Phật đã truyền trao.

Yeondeunghoe không chỉ là một lễ hội tưởng niệm Đức Phật, mà còn là sự thể hiện sống động của di sản văn hóa, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa tôn giáo và đời sống cộng đồng. Trong ánh sáng lung linh của hàng ngàn chiếc đèn hoa sen, người ta không chỉ thấy sắc màu văn hóa Hàn Quốc, mà còn cảm nhận được khát vọng hòa bình, gắn kết và lòng từ bi lan tỏa đến khắp thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Dòng người đổ về chùa Quán Sứ chiêm bái xá-lợi Đức Phật xuyên đêm

Dòng người đổ về chùa Quán Sứ chiêm bái xá-lợi Đức Phật xuyên đêm

GNO - Xá-lợi Đức Phật thỉnh từ Ấn Độ về Việt Nam trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại TP.HCM, đã được cung rước tôn trí tại trụ sở Trung ương GHPGVN - chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Những ngày qua, dòng người các tỉnh thành miền Bắc đã đổ về chùa Quán Sứ để chiêm bái ngày càng đông.

Thông tin hàng ngày