Tháng Bảy - tháng tốt lành

GN - Dân gian quan niệm tháng Bảy là tháng cô hồn, tháng không may mắn, chẳng tốt lành, thậm chí là rất xấu. Đến tháng Bảy thì người ta nhắc nhở nhau làm gì cũng phải thận trọng và kiêng cữ đủ điều. Dù đó là niềm tin không có cơ sở và phi lý nhưng truyền từ đời này sang đời khác, phổ biến trong dân gian nên tác động, ảnh hưởng của nó không nhỏ.

muahieu.jpg
Dưỡng nuôi tâm hiếu - Ảnh minh họa của TT&VH

Từ đâu có quan niệm này?

Từ ngàn xưa, văn hóa Việt Nam ta ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, trong đó có quan niệm về Tam nguyên (hay Tam ngươn) - Tứ quý. Tứ quý là bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Tam nguyên là rằm tháng Giêng (Thượng nguyên), rằm tháng Bảy (Trung nguyên) và rằm tháng Mười (Hạ nguyên). Ngoài ra, trong lịch pháp xưa còn có khái niệm Tam nguyên gồm 180 năm (mỗi nguyên là 60 năm). Tín niệm dân gian (có thể bắt nguồn từ Đạo giáo) cho rằng lễ Thượng nguyên thì thiên quan giáng phước, lễ Trung nguyên thì địa quan xá tội hay ngày tội nhân ở địa ngục được thả ra cho nên gọi là ngày xá tội vong nhân, còn ngày lễ Hạ nguyên thì thủy quan giải tai ách.

Vì tin vào ngày rằm Trung nguyên các chúng sinh nơi địa ngục, chốn u huyền được xá tội, thả ra, cũng có nghĩa là ở chốn dương gian sẽ xuất hiện rất nhiều cô hồn ngạ quỷ nên người ta rất sợ, kiêng cữ nhiều điều, không dám khởi sự làm việc quan trọng, hạn chế đi lại v.v… Thêm vào đó, thời tiết tháng Bảy thuộc mùa thu, ở nước ta nhằm mùa mưa nên trời thường u ám, cảnh vật có lúc lờ mờ không tỏ rõ do thiếu ánh sáng mặt trời, tạo không gian âm u, buồn ảm đạm càng khiến người ta có cảm giác sợ. Vào ngày này, người ta cúng thí cô hồn và vong linh tổ tiên ông bà, cha mẹ vì nghĩ rằng họ được xá tội, trở về từ cõi âm.

Lễ Vu lan của Phật giáo đúng vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch, nhằm tiết Trung nguyên trong văn hóa dân gian nên bị hiểu nhầm là một lễ, chứ kỳ thực khác nhau, duy có điểm tương đồng là hướng về người đã khuất (tổ tiên ông bà, cha mẹ quá cố và các chúng sinh trong loài ngạ quỷ mà dân gian thường gọi là vong linh, cô hồn). Tuy nhiên ý nghĩa của lễ Vu lan rộng hơn là không chỉ tưởng nhớ về ông bà, cha mẹ nhiều đời hoặc vừa mới quá vãng, và hướng về chúng sinh cõi ngạ quỷ để bố thí, cứu độ mà còn là dịp con cháu nhắc nhở nhau về công đức, ơn nghĩa sinh thành của các bậc cha mẹ hiện tiền, làm những việc thiện lành để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn.

Căn cứ theo những gì Đức Phật dạy trong kinh điển thì các chúng sinh ngạ quỷ có thể thoát khỏi khổ cảnh nếu như họ thọ hưởng được phước báo từ người thân hồi hướng cho trong điều kiện họ và thân nhân phát khởi tâm lành, ở nơi họ có sự chuyển hóa tâm, họ hoan hỷ trước những việc thiện lành như tu tập, cúng dường, bố thí, phóng sinh… Khi tâm họ có sự thay đổi tích cực, hướng về Tam bảo, nhớ nghĩ Phật pháp, hướng về điều lành, không còn tham ái, chấp thủ, xả bỏ sân hận, oán giận, tham lam, nuối tiếc thì lập tức họ thoát khổ. Không cần phải đợi đến tiết Trung nguyên mới được cứu độ, và không địa quan hay vị thần linh nào ở cõi u minh giam cầm hay phóng thích. Tâm cực ác, bất thiện sẽ chiêu cảm cảnh giới cực ác, bất thiện, khổ đau. Tâm từ bi hỷ xả, không còn bị phiền não chi phối thì sẽ tương ưng cảnh giới an lành.

Tháng Bảy tuy thời tiết âm u, mưa gió gây trở ngại, bất tiện cho việc đi lại, kinh doanh mua bán và nhiều việc khác, nhưng xét kỹ thì đây là tháng tốt lành chứ không xấu như bấy lâu dân gian quan niệm. Bởi vì sao?

Rằm tháng Bảy là ngày chư Tăng mãn hạ, kết thúc kỳ an cư tu tập vốn là truyền thống quý báu có từ thời Đức Phật còn tại thế. Trong ba tháng an cư, chư Tăng tinh tấn tu học, trau dồi Giới-Định-Tuệ, tăng trưởng đạo hạnh và công đức phước báo, tăng thêm tuổi đạo (hạ lạp), có sức ảnh hưởng rất lớn và là ruộng phước màu mỡ cho chúng sinh. Đây là ngày mà hộ pháp, chư thiên, thiện thần vô cùng hoan hỷ, các chúng sinh ở những cảnh giới khác cũng hân hoan vui mừng vì được lợi lạc, nếu phát tâm cung kính, hướng về quy ngưỡng hoặc cúng dường hay làm bất cứ hạnh lành nào đều được nhiều phước báo. 

Kể từ đầu tháng Bảy đã có nhiều người phát tâm ăn chay giữ giới sát dù không phải là Phật tử, người nguyện ăn chay trọn tháng, người nguyện ăn chay nửa tháng, ba ngày, mười ngày v.v… Tháng Bảy là tháng có nhiều người phát tâm tu tập, hành thiện, tích cực làm các việc lành như cúng dường, bố thí, phóng sinh. Sau lễ Phật đản - rằm tháng Tư cho đến ngày lễ Tự tứ - rằm tháng Bảy, cư sĩ Phật tử và những người có tín tâm chăm lo việc ngoại hộ cho chư Tăng an cư kiết hạ. Người người phát tâm lành cúng dường trường hạ, các đạo tràng an cư, ấn tống kinh sách, cúng dường tứ sự (thực phẩm, y phục, phòng xá, thuốc men…), bố thí cứu trợ người nghèo và làm nhiều thiện sự khác. Tâm lành, hành động lành lan tỏa mang lại lợi lạc cho nhiều người, phước báo thiện duyên tăng trưởng. Theo nguyên lý cộng nghiệp thì một người làm lành, tạo phước thì nhiều người được nhờ, cũng như một cây trổ hoa thì những cây trong vườn đều ảnh hưởng, thơm lây. Nhiều người hướng thiện làm lành sẽ làm vơi đi rất nhiều nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời, góp phần xây dựng môi trường cộng đồng, xã hội an vui, hạnh phúc. Năng lượng an lành lan tỏa, người người hoan hỷ, như thế thì tháng Bảy thật sự là tháng tốt lành, đại cát đại lợi.

Tháng Bảy lại có ngày lễ Vu lan Báo hiếu, ngày nhắc nhở những người con về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, bày tỏ lòng tri ân báo ân đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ nhiều đời và cha mẹ trong hiện tại. 

Người con phải luôn ghi nhớ công ơn cha mẹ, đó là bổn phận, là trách nhiệm đạo đức, là đạo lý làm người, nhưng đôi khi vì hoàn cảnh gia đình, cuộc sống bộn bề lo toan mà vô tình quên lãng hoặc sơ suất trong bổn phận, nhờ ngày lễ Vu lan Báo hiếu nhắc nhở mà quay gót tìm về, hướng lòng về ân tình muôn thuở của mẹ cha. Bằng tấm lòng hiếu thảo, trong ngày lễ Vu lan, hoặc đáng quý hơn nữa là trọn tháng Bảy, những người con làm những việc thiện lành để hồi hướng phước báo cho cha mẹ, bày tỏ lòng biết ơn bằng nhiều hành động ý nghĩa và nguyện sống thiện lành để cha mẹ yên tâm, hãnh diện về mình.

Đối với người đã khuất như ông bà cha mẹ quá cố và các chúng sinh trong cảnh giới ngạ quỷ (dân gian thường gọi là vong linh, cô hồn), bằng tấm lòng thương tưởng, mọi người tổ chức trai đàn cúng dường Tam bảo, bố thí, phóng sinh, làm các việc thiện lành để tạo phước báo hồi hướng cho họ với nguyện vọng cứu họ thoát khỏi tam đồ ác đạo, những cảnh giới khổ đau. Những việc làm đó vừa có ích cho người khuất bóng lẫn người còn sinh tiền, vừa thể hiện những giá trị đạo đức, nhân văn mà con người cần giữ gìn và phát huy.

Tháng Bảy là tháng những giá trị đạo đức, tinh thần, những giá trị tâm linh được quan tâm hướng về, người người phát tâm thiện, người người làm việc thiện, các bậc tu hành tấn tu đạo nghiệp, đàn-việt và người tín tâm mộ đạo thì tăng trưởng niềm tin, trí tuệ, tăng trưởng công đức, phước báo nhờ tích cực tu học, hành trì giáo pháp và làm nhiều việc thiện. Nếu tâm ý nghĩ điều lành, miệng nói điều lành, thân làm điều lành, biết quan tâm trải rộng tình thương đến kẻ còn người mất, đến chúng sinh muôn loài trong mọi hình thái, ở các cảnh giới; sống có từ bi và trí tuệ, biết thương yêu, đùm bọc, sẻ chia, xây dựng những giá trị an lành, như thế thì hạnh phúc và bình yên có mặt. Vậy thì tháng Bảy sao lại đáng sợ?

Tháng Bảy chỉ thật sự đáng sợ khi chúng ta sống trong niềm tin mê lầm, tin vào những điều huyễn hoặc, tự dọa mình và người khác bằng niềm tin đó. Nếu tâm không trong sáng, không nghĩ đến điều thiện điều lành thì sẽ sinh ra điều bất thiện. Nếu nghĩ ác, nói ác, làm ác thì chắc chắn gặp chuyện không may, gặp tai họa, đó là nhân quả tất yếu, đâu phải do vong linh hay quỷ thần. Tâm thường nghĩ tưởng Phật, Bồ-tát thì mộng thấy Phật, Bồ-tát. Tâm thường nghĩ về người đã chết hoặc lo sợ vong linh, quỷ thần thì sẽ chiêm bao thấy họ. Đó là do tâm tưởng của mình mà ra. Còn chuyện bệnh tật, may rủi, ai lại không có lần mắc phải, và đâu phải chỉ tháng Bảy thì người ta mới gặp rủi ro; người quá nhạy cảm, liên tưởng quá nhiều đến những điều huyễn hoặc thì sinh hoang mang lo lắng, sợ sệt, trở thành nạn nhân của những điều hoang đường, không tưởng.  

* Bài liên quan: Tháng Bảy - mùa hiếu, không phải tháng cô hồn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày