Thăng Long “xá-lợi”

GN - Ngày nay, dấu tích Thăng Long còn sót lại như những viên “xá-lợi” của mảnh đất thiêng còn lưu giữ trong lòng Hà Nội.

Doan mon.jpg

Đoan Môn - Thành Hà Nội - Ảnh: Tony Vu

Đó là những mảnh vỡ hoa văn Lý-Trần, những viên gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên chạm khắc lá bồ-đề hay hoa sen, là chiếc giếng Hoàng thành trong vắt cơn mưa cùng bóng ngàn xưa với vầng linh vân nguyên khôi như ngày Lý Thái Tổ dời đô bằng tầm nhìn ngàn năm, là thềm rồng không còn nghiêng nắng trong những buổi thiết triều… Đó có khi là nguyên vẹn công trình kiến trúc được trùng tu, có khi chỉ là nền móng còn sót lại nhưng vẫn đọng mãi cái thần khí thâm nghiêm và uyên ảo…

Cũng như thấy xá-lợi Phật là được diện kiến Phật, ta nhìn vào di chỉ Thăng Long là nhìn lại được Thăng Long trong một trạng thái khác. Xá-lợi Phật chính là hình ảnh của Đức Phật, còn di chỉ Thăng Long là hình ảnh tĩnh miên của Thăng Long còn lưu lại đến ngày nay. Nhiều nền văn minh đã hóa thành hư thinh, bị xóa sạch dấu tích cho dù đã trải qua một thời kỳ phát triển rực rỡ trong quá khứ. Còn văn hóa Thăng Long vẫn đang tỏa ra thứ ánh sáng riêng của mình trong thời đương đại.

Khi xưa, tôi đã từng suy tưởng về Thăng Long mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô: một Thăng Long hồn phách đẹp đến nao lòng trong câu thơ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương... phát lộ vẻ đẹp hổ phách như một cổ ngoạn; một Thăng Long thảo mặc với ngàn thu diệu đẹp, không cung đình triều đại, một Thăng Long của thảo dân cùng dấu chân ngựa trắng chạy quanh kinh thành; một Thăng Long kiêu tráng dáng rồng bay phiêu mãnh thăng vút vào đám mây thiêng trên thành Đại La ngàn năm trước; một Thăng Long Ngàn xưa hoài mặc cổ thành tựa vào núi Nùng mà vững chãi, nhìn ra sông Hồng cho rộng tầm nhìn, thênh thang mở lòng đón gió Nam, ngầm dưỡng những long mạch, tụ lại những tinh túy, có thần trấn giữ bốn phương, trên trời là rồng thiêng, dưới nước là rùa thần để ngàn sau vẫn hùng thiêng cùng đất, hào khí cùng trời, đắc linh cùng nước, thanh lịch cùng người Hà Nội; tôi đã từng viết Thư gửi cụ Rùa trong niềm trầm thức mật miên. Khi xưa, trước ngưỡng cửa đại lễ, tôi tản mạn về Thăng Long ngàn năm: Linh phiêu trong mắt rồng là tòa sen ngàn cánh viên mãn nở trong đời sống nhân gian, là ngọn lửa rực hồng qua bao phen chồn ngựa đá vẫn tràn hào khí Đông A, là ánh gương thiêng xuyên làn nước và ngọn bút tả thanh thiên, là giọt mồ hôi ngàn năm của ông cha Từ thuở mang gươm đi mở cõi, là pho sách thơm đầy nguyên khí quốc gia... Đó là những ánh xạ khác nhau từ các góc độ nhìn khác nhau của viên xá-lợi Thăng Long khi được ánh sáng của thời gian chiếu rọi.

Tôi cũng đã từng viết: Đất nước vóc rồng dáng tiên/ Đôi mắt ngàn trùng trông ra biển trong niềm thiên khải của mình. Nếu Đại Việt kiêu thăng dáng rồng bay thì Thăng Long chính là nhãn tinh rồng, nếu Việt Nam là yêu kiều dáng tiên nữ thướt tha tà áo dài thì Hà Nội chính là đôi mắt tiên ấy. Đất nước của xứ sở cha Rồng mẹ Tiên với kinh đô Thăng Long như thần nhãn ngàn năm với tầm nhìn phong thủy. Tầm nhìn mười năm thì trồng cây. Tầm nhìn trăm năm trồng người. Tầm nhìn ngàn năm chọn thế đất. Thế đất để cây và người mãi xanh tươi và phát triển. Đôi mắt rồng còn phóng chiếu tương lai về phía biển. Thăng Long chính là ánh thiên quang ngàn xưa còn đọng trong đôi mắt ấy.

Xưa, nếu dòng sông Hồng tấp nập trên bến dưới thuyền là động mạch chủ của tráng sĩ Thăng Long thì các con sông Thiên Phù, Kim Ngưu, Tô Lịch, Sét, Lừ… là những huyết mạch của trang nam nhi ấy. Và nay, hậu duệ Thăng Long trải qua bao vật đổi sao dời, biến thiên thời cuộc, đã mất đi dòng kinh mạch Thiên Phù nhưng lại được bồi đắp thêm bởi phù sa châu thổ các con sông Nhuệ, Đáy, Tích và Đà giang.

Xưa, nếu những ngôi chùa Trấn Quốc, Một Cột, Quán Sứ, đình Kim Liên, đền Ngọc Sơn, Bạch Mã, Voi Phục, Quán Thánh, phủ Tây Hồ… là hệ thống các huyệt vị của kinh thành Thăng Long thì Hà Nội giờ đây phải kể thêm các cổ tự chùa Hương, chùa Thầy, Tây Phương, đình Tây Đằng…

Xưa, Thăng Long nguy nga cung điện, có kẻ chợ tấp nập bán mua, có cửa ô nhộn nhịp ra vào và có nét thanh lịch của người Tràng An thì Hà Nội nay là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, vẫn phồn hoa đô hội, có còn thơm như thể hoa nhài trong quá trình hội nhập nhiều va đập của các dòng chảy văn hóa.

Xưa, Thăng Long mới chỉ có được 2 vị thánh trong Tứ bất tử của người Việt: Thánh Gióng ở Sóc Sơn và Mẫu Liễu Hạnh ở Hồ Tây. Giờ đây, khi Hà Tây đã sáp nhập vào thì Hà Nội đã có đầy đủ bộ tứ đó, thêm Chử Đồng Tử ở bãi Tự Nhiên, Thường Tín và vị thần Sơn Tinh trên đỉnh núi tối linh của người Việt. Vậy là Thăng Long đã vẹn tròn về mặt tâm linh. Nhìn bằng con mắt flycam, zoom trên bản đồ vệ tinh sẽ thấy rõ trục Thần đạo của đất đế đô nếu kẻ một đường thẳng từ đỉnh Tản Viên đến điểm chính tâm của Hồ Tây. Giờ Hà Nội có thêm đỉnh thiêng Ba Vì, có Nam Thiên Đệ Nhất động, có đất hai vua… bên cạnh Thăng Long tứ trấn, phủ Tây Hồ, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc vẫn ngàn năm soi bóng, là các huyệt vị của kinh thành.

Xưa, Thăng Long trong những khúc quanh của thời binh đao và tao đoạn của thái hòa, khi huyền thoại lúc lửa loạn, đều toát lên cái khói sương mây nước của sự hào hoa. Nay, Thăng Long thu mình lại tĩnh tại ngàn năm. Nâng niu viên “xá-lợi” trong lòng bàn tay, đưa ra xa và ngắm, ta thấy cả một giai đoạn rực rỡ lịch sử các triều đại; thấy ánh sáng của vầng mây vàng trong khoảnh khắc xuất hiện thành dáng rồng bay lên trên thành Đại La đón vua Lý Công Uẩn khi ngài cập bến và chọn nơi này để định đô; thấy rực lên màu căm uất vó ngựa Nguyên Mông của sơn hà xã tắc hiện lên trong đôi mắt Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn; thấy hương sen tỏa vào đời sống muôn dân từ cánh đồng trong lễ tịch điền; thấy phong vị tịnh thiền khi Đức vua Trần Nhân Tông bỏ lại ngai vàng, hoàng bào, quyền trượng sau lưng, khoác áo nâu, đi dép cỏ, chống gậy trúc lên Yên Tử tu hành thành Phật; thấy dòng chảy của tư tưởng đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo và dân vi bản trong những áng thiên cổ hùng văn bài thơ thần Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo; thấy giọt lệ nàng Kiều đẫm trang thơ Nguyễn Du; thấy tiếng trống rộn vang trong những ngày hội xuân của 36 phố phường và các làng nghề; thấy bóng trăng tình đôi lứa duyên trầu cau… Rồi khi ngắm thật lâu, đắm thật phiêu vào viên xá-lợi ấy lại chẳng thấy Thăng Long đâu, chỉ thấy cái tịch không thinh vân. Thấy hào khí linh thiêng của trời đất Thăng Long; thấy hào khí Đông A trào dâng lên vồng ngực Sát Thát; thấy nguyên khí quốc gia tỏa ra từ hoa bảo tiên trên văn bia Quốc Tử Giám; thấy vận khí hanh thông của Thăng Long trên hành trình phía trước của mình; thấy phách khí hiên ngang của lũy tre xung trận…

Xưa, Hà Nội là chủng tử rồng của vùng đất kinh kỳ trong thân thể tráng sĩ Thăng Long. Trải qua 1.008 năm, nay chủng tử đó đã thành cậu bé khôi ngô với những công trình hiện đại, vạm vỡ vút cao giữa trời xanh như đang muốn vươn vai trở thành trang tuấn kiệt…

Nay, Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ về cơ chế chính sách cho sự tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng, diện mạo và tầm vóc; kinh tế vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, đất đai, môi trường... vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển thủ đô văn minh, hiện đại. Hà Nội vẫn ngổn ngang những công trường, ùn tắc giao thông, ngập nước sau mưa, ô nhiễm môi trường; những đô thị vệ tinh vẫn chưa kéo giãn Hà Nội khỏi sự bức bối… Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan thử thách nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân, Hà Nội nghìn năm văn hiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại sẽ được dựng xây. Hãy soi vào “xá-lợi” Thăng Long để có thêm niềm tin và hy vọng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày