GN - Cuối tuần qua, đông đảo các học giả và những người thực hành Phật giáo đến từ nhiều truyền thống khác nhau đã có mặt tại Trung tâm Shinnyo, khu đô thị của Manhattan (TP.New York, Mỹ) để cùng thảo luận về tương lai của Phật giáo và sự kết nối giới trẻ.
Với câu hỏi đặt ra là làm sao để Phật giáo có thể tiếp cận được những bạn trẻ có nhu cầu trải nghiệm đời sống tâm linh trọn vẹn, sự kiện nhận được sự thảo luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự với sự điều phối tổ chức bởi GPIW và Contemplative Alliance.
Quang cảnh buổi thảo luận giữa các đại biểu tham gia tọa đàm
Tất cả các phát biểu đều tập trung vào nội dung quan trọng: Giới trẻ hiện tại đang thiếu hẳn một đời sống mang tính trải nghiệm về tâm linh nhưng lại lẩn tránh tôn giáo, phương thức kết nối và hỗ trợ cho người tìm về nếp sống tâm linh mà không làm tổn hại đến niềm tin truyền thống của họ. Ngoài ra, tham dự viên cũng thảo luận về việc thế tục hóa đời sống tâm linh và thần thánh hóa công nghệ, bạo động trong giai đoạn hiện tại.
Qalvy Grainzvolt, giáo viên Thiền học tại Trung tâm Shinnyo, đã mở đầu cho phiên tọa đàm khi phát biểu và trích dẫn lại quan điểm của Muriel Rukeyser: “Vũ trụ này được tạo tác bởi những câu chuyện thần thánh chứ không phải là các nguyên tử”.
Phát biểu tiếp theo sau, sư Bhante Suddhaso tu học theo truyền thống Theravada, lại nhìn ở một khía cạnh khác khi đưa ra khái niệm về sự phân định rõ ràng giữa vũ trụ, con người và cả những nội hàm liên quan đến thần thánh hóa, thế tục hóa. “Cuộc sống tâm linh dẫn dắt con người đến chân trời của giác ngộ, giải thoát. Trong khi đời sống thế tục hóa không thể làm được như vậy. Với cách nghĩ truyền thống và phổ biến, những nội hàm của triết lý thế tục sẽ đưa đến những trải nghiệm tổng thể và đích đến cuối cùng là sự nguy hại, tất nhiên xa rời giá trị giải thoát”, sư Bhante Suddhaso khẳng định.
Trong khi đó, nhiều học giả và những vị thực tập Phật giáo khác lại nhấn mạnh rằng thế tục đang tiến rất gần với đời sống tâm linh và chính vì thế vấn đề đặt ra không phải là tìm cách để dung hòa hai phương diện này mà chính là sự tìm kiếm những điểm chung nhất.
Từ đó, các đại biểu đã đi đến một nội dung khá quan trọng là làm thế nào để chia sẻ Phật pháp đến với giới trẻ và làm sao để tạo dựng một tương lai tươi sáng của Phật giáo.
Để giải quyết câu hỏi này, các đại biểu cùng nhìn lại những biểu hiện thực tập suốt thời gian qua ở phương Tây và thấy nổi lên hiện tượng tìm về lối sống tỉnh thức. Qua đó, tất cả cùng đề xuất xem việc thực tập tỉnh thức là một phương diện hữu ích cho quá trình giải tỏa căng thẳng và buông bỏ những điều bất như ý.
Jessica Morey, một giáo viên chuyên về thực tập tỉnh thức dành cho giới trẻ cho biết, một khi tất cả những người mới đến với đạo Phật được hướng dẫn những phương thức thực tập gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ, chạm đến trái tim và phù hợp những truyền thống có sẵn thì chắc chắn hiệu quả sẽ hiển hiện. “Bởi vì đó là những biểu hiện thuộc về bản chất tự nhiên của con người. Những gì liên hệ với sự thật, đúng đắn sẽ giúp ngăn chặn bao điều xấu ác trong xã hội”, Jessica Morey khẳng định.
Buổi tọa đàm cũng đề cập đến vai trò của công nghệ và sự ảnh hưởng lên đời sống người trẻ. Nói về lĩnh vực này, Morey khẳng định người trẻ rồi sẽ dạy chúng ta làm thế nào có thể tỉnh thức trước sự phát triển và những tiện dụng của công nghệ.
Morey thường tổ chức các khóa tu dành cho giới trẻ và ở đó cô yêu cầu tất cả người tham dự tạm ngưng sử dụng điện thoại. Kết quả mang lại, theo Morey, là những người tham gia khóa tu, đặc biệt các bạn trẻ, cảm thấy khá hạnh phúc khi không lệ thuộc vào chiếc điện thoại.
Bổ sung cho quan điểm này, Matt Weiner hiện là Trưởng khoa Tôn giáo học tại Đại học Princeton và là một tín đồ Phật giáo thuần thành cho biết con người trở nên bận bịu sẽ giảm đi lòng yêu thương và công nghệ luôn đồng hành với sự bận rộn.
Tuy vậy, tất cả đại biểu đều đồng thuận, công nghệ tiên tiến tạo ra những giá trị về kinh tế, thương mại và kết nối cộng đồng trong xã hội. Vấn đề quan trọng là phải biến chúng trở thành công cụ thật sự hữu ích, phục vụ đời sống nhân loại mà không bị lệ thuộc.
Tọa đàm kết thúc bằng việc thống nhất các nội dung liên quan đến việc chấm dứt bạo lực và trách nhiệm của người tu Phật trên khắp thế giới, đồng thời khẳng định lời dạy của Đức Thế Tôn sẽ giữ vai trò dẫn dắt tất cả nhân loại được sống an lạc với nhau.
Bảo Thiên
(theo Lion’s Roar)