Thắp nén hương lòng

GN - LTS. Nhân tuần chung thất nhạc sĩ Văn Giảng - tác giả của “Từ Đàm quê hương tôi” và nhiều tác phẩm đã đi vào lòng người khác, Trung tâm VHPG Liễu Quán - Huế đã tổ chức đêm nhạc tưởng niệm vào ngày 26-6 vừa qua với sự tham dự của chư tôn đức Tăng Ni, quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và Phật tử.

Giác Ngộ giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Tâm Ấn - Nguyễn Văn Thịnh về nhạc sĩ Văn Giảng, những suy tư từ đêm nhạc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự này.

vangiang3.jpg

Những cung bậc trầm hùng, những giai điệu sâu lắng của đêm nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ Văn Giảng đã khép lại. Chúng tôi ngồi nán lại bên hiên Liễu Quán, tĩnh lặng bên tách trà và lắng nghe những dư âm như vẫn còn man mác, âm vọng…

Bên kia dòng Hương, cửa Thượng Tứ rêu phong vẫn đứng trầm mặc trong màn sương khuya như một chứng nhân bí ẩn. Nửa thế kỷ trước, phía sau cánh cổng ấy, trong một căn nhà nhỏ trên đường Ông Ích Khiêm chạy dọc bờ thành cổ (nay là Lâm Mộng Quang), có một tài nhân đã từng viết nên những dòng nhạc bất tử. Tối hôm nay có rất nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau cùng về Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán để dự đêm nhạc tưởng niệm, và nghe kể về cuộc đời của một con người, một nghệ sĩ tài hoa, lịch thiệp bằng âm nhạc mà chính con người ấy đã cống hiến. Đêm nhạc tưởng niệm với chủ đề “Từ Đàm quê hương tôi” đã làm sống dậy trong tâm thức mọi người biết bao kỷ niệm.

Văn Giảng sáng tác nhiều thể loại khác nhau, với nhiều bút danh khác nhau. Rất nhiều người, nhiều thế hệ yêu thích nhạc Văn Giảng qua từng ca khúc cụ thể. Ở bất kỳ thể loại nào ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ. Thế hệ của chúng tôi lúc học tiểu học đã biết Văn Giảng qua các ca khúc “Nhảy lửa”, “Tạm biệt”, “Trăng Trung thu” hoặc những ca khúc mang âm hưởng sử thi như “Đêm Mê Linh”, “Nam Quan hận khúc” và nhiều bài hành khúc khác; thời học trung học chúng tôi mê Thông Đạt - một trong những bút danh của nhạc sĩ Văn Giảng - qua các ca khúc “Ai về sông Tương”, “Đôi mắt huyền”, “Hoa cài mái tóc”; và đặc biệt các Phật tử đều biết Nguyên Thông - một bút danh khác của ông -  qua nhiều ca khúc Phật giáo như “Mừng ngày Đản sanh”, “Từ Đàm quê hương tôi”.

Đêm nhạc tưởng niệm diễn ra trong một không gian khiêm tốn nhưng thật ấm cúng. Tuy không thể chuyển tải hết các nội dung phong phú trong sáng tác của Văn Giảng, nhưng qua những nét chấm phá có chủ ý của những người thực hiện chương trình, đi từ Thiếu nhi ca đến Tình ca, Hùng ca, Đạo ca và cuối cùng là Tâm ca, đã phần nào phác họa được chân dung, con đường âm nhạc cũng như sự chuyển biến và thăng hoa về mặt tâm thức của cố nhạc sĩ. Đây không phải là một chương trình ca nhạc, mà đúng hơn là đêm tưởng niệm bằng âm nhạc, vì từ những người tổ chức, đến các nhạc công, ca sĩ và cả những người đến dự thính đều đang cùng nhau chia sẻ về một câu chuyện được kể bằng âm nhạc. Mỗi người hình như bắt gặp hình bóng mình, ý tưởng của mình, ước mơ của mình và cả những kỷ niệm một thời xuất hiện đâu đó trong câu chuyện đêm nay.

Hình ảnh các em Oanh vũ trong sáng, hồn nhiên xuất hiện với màu áo lam thân thương trong ca khúc “Mừng ngày Đản sanh” đã nhanh chóng kết nối mọi tình cảm để rồi chẳng ai còn quan tâm đến tính chuyên nghiệp của một chương trình ca nhạc. Các anh chị nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên thuộc Học viện Âm nhạc Huế đến đây không phải để biểu diễn kỹ thuật mà đã mượn kỹ thuật để diễn lên cái đạo tình. Hình như ai cũng hạnh phúc và mãn nguyện được sống trong một không khí như vậy.

vangiang2.jpg

Hợp ca

Với Tình ca của Văn Giảng, biết bao nhiêu thế hệ, đặc biệt là thế hệ của chúng tôi, dù đang ở đâu cũng đều thật sự xúc động khi nghe ca sĩ Hà Thanh trình bày ca khúc “Ai về sông Tương”. Và hôm nay, cũng với cảm xúc ấy, khi được nghe “Ai về sông Tương” qua giọng ca của chị Hoàng Lan (trong màu áo xanh yêu kiều), một lần nữa lại gợi nhớ biết bao những kỷ niệm thơ mộng.

Với Đạo ca, “Từ Đàm quê hương tôi” của Văn Giảng, mà mọi người đều biết đến qua bút danh Nguyên Thông (lời của Tâm Đại - cư sĩ Nguyễn Văn Dũng), đã thực sự trở thành một khúc ca thân thương của hầu hết người dân xứ Huế. “Từ Đàm quê hương tôi”“Có những hồi chuông”, cũng lấy bút danh Nguyên Thông - Tâm Đại, là hai ca khúc có một hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là thời kỳ của bão lửa trong mùa Pháp nạn năm 1963. Hai ca khúc này đã chuyển tải được cốt tủy của Phật giáo, vượt thoát khỏi lòng oán hận hay thù hằn trong ca từ lẫn trong giai điệu, mà toát lên tinh thần “Từ bi” và “Vô úy” của những người con Phật trong bể khổ cuộc đời, trong Pháp nạn - khi Phật giáo bị đàn áp, khủng bố. Đêm nay có biết bao nhiêu người xúc động, có người đã khóc khi nghe lại hai ca khúc này.

Trường ca “Hào quang máu lửa”“Hùng thiêng ca” ghi lại toàn bộ những biến cố lịch sử trong mùa Pháp nạn 1963, từ sự kiện 8 Thánh tử đạo ngã xuống tại Đài Phát thanh Huế trong đêm rằm tháng Tư năm Quý Mão đến ngọn lửa Từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức bừng sáng giữa Sài Gòn và cuối cùng là sự đúc kết về phong trào đấu tranh bảo vệ Chánh pháp. Như lời người giới thiệu, âm hưởng chủ đạo nhằm ngợi ca tinh thần đấu tranh bất bạo động và giai điệu, ca từ được xây dựng từ chất liệu của Bi Trí Dũng, của tinh thần Đại hùng, Đại lực, Đại Từ bi. Những người thực hiện chương trình đã gặp nhiều khó khăn rất ngạc nhiên và bất ngờ trong quá trình hoàn thiện một phần trích đoạn của trường ca này. Sự tinh tấn và tấm lòng kiên định đã vượt qua mọi khó khăn để đưa được ca khúc này đến với người nghe và chắc chắn trong phần cao trào đã khiến không ít người cảm xúc dâng cao đến “rùng mình” - nghẹn ngào…

Trong không gian ngập tràn cảm xúc, không khí đêm tưởng niệm bỗng dưng trầm lắng và thanh tịnh khi nghe tiếng hát của Tuyết Trinh và Thân Đình Phương qua hai ca khúc “Một câu A Di Đà” “Đường lên xứ Phật”.

Một câu A Di Đà, lòng ta như biển cả

Một câu A Di Đà, lặng gió hết phong ba

Một câu A Di Đà, diệt tan hết hận thù

Một câu A Di Đà, bỗng tiếng nói thương yêu.

Hay:

Đường lên xứ Phật chẳng xa

Đường lên xứ Phật cũng gần

Nếu thấy lòng mình: bình lặng như không

Nếu thấy lòng mình: trời đẹp trăng trong.

Tuy nhiên:

Đường lên xứ Phật cũng xa

Đường lên xứ Phật chẳng gần

Nếu thấy lòng mình: ước vọng mênh mông

Nếu thấy lòng mình: mê mờ tham sân.

Có thể nói, với niềm tin như vậy chắc chắn tác giả phải trải qua một thời gian dài hành trì nghiêm mật mới có một nội lực hùng hậu để viết nên những ca từ và giai điệu giản dị đến mức như không còn nhạc nữa, mà như những câu kệ để rồi mọi người đều có thể xướng tụng.

vangiang1.jpg

Huynh trưởng Lê Thị Ẩn và Cư sĩ Nguyễn Văn Thịnh dẫn chương trình

Ca khúc “Thắp nén hương lòng” của nhạc sĩ NGUYÊN PHÚ - Đặng Ngọc Phú Hòa như thay lời của toàn bộ những người thực hiện chương trình và cả những thính giả cầu nguyện cho cố nhạc sĩ Nguyên Thông - Văn Giảng. Đêm nhạc chỉ khép lại về kỹ thuật nhưng lại mở ra cho người nghe những giai điệu mới, vừa trong sáng vừa thanh thoát; cảm nhận được sự an nhiên, tự tại vì vừa được dẫn đi trên con đường chánh đạo.

Cửa Thượng Tứ nằm bên kia sông vẫn im lìm trong đêm, làm chứng nhân cho bao cuộc bể dâu, ghi nhận bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, như thể nhìn xuyên suốt quá trình vận động của kiếp nhân sinh biết thanh tẩy tham, sân, si để bước lên từng cung bậc giải thoát.

Trong cuộc sống, những thế lực ma quỷ không bao giờ chấm dứt, chỉ thay đổi hình hài, trạng thái. Nửa thế kỷ trước mọi người đều thấy Pháp nạn hiển hiện qua súng đạn, khủng bố, và đêm nay có ai soi lòng mình để thấy những thế lực ma quỷ đang ẩn kín, che đậy trong góc tối của tâm hồn. Khi con người còn để lòng tham lam chế ngự, còn mãn nguyện với quyền lực thế tục, còn để si mê che lấp lương tri thì sự cám dỗ đó còn mạnh gấp trăm ngàn lần sự đàn áp bằng súng đạn. Pháp nạn không ở đâu xa, Pháp nạn không do người khác mà Pháp nạn nằm trong lòng mỗi tu sĩ, mỗi Phật tử, mỗi người - nếu suy nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày bị xúi giục bởi tam độc tham, sân, si, vô minh lấp lối.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày