Thấu hiểu liên tôn giáo để vượt qua đại dịch toàn cầu

GN - Đây là một trong các nội dung Đức Dalai Lama gửi đến cộng đồng Phật tử và người dân thế giới trong Thư chúc mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2020 được phổ biến gần đây.

Qua đó, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thấu hiểu giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau và tương trợ nhau bằng lòng từ bi, yêu thương để cùng nỗ lực, vượt qua những thách thức to lớn của thế giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và hậu khủng hoảng y tế toàn cầu.

Duc Dalai Lama.jpg

Đức Dalai Lama liên tục gửi thông điệp về cách thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh minh họa

Trong thư, Đức Dalai Lama gửi lời chúc mừng đến cộng đồng Phật giáo thế giới; đồng thời khẳng định ngày Đại lễ Vesak LHQ (gồm 3 sự kiện trọng đại: Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn) không chỉ là dịp quan trọng để mỗi người suy nghiệm về cuộc đời của Đức Phật mà còn là cơ hội để Phật tử hành hạnh cúng dường và thực hành giáo pháp của Ngài.

“Đức Phật Shakiyamuni Đản sinh ở Lumbini, chứng ngộ chân lý ở Bodhgaya và nhập diệt ở Kushinagar cách đây 2.600 năm nhưng giáo pháp của Ngài mang tính toàn cầu và có giá trị thiết thực cho nhân loại đến tận hôm nay.

Với hạnh nguyện trợ tha, sau khi giác ngộ, Đức Phật đã dành cả phần đời còn lại chia sẻ trải nghiệm của mình đến tất cả những người cầu thị và mong mỏi được lắng nghe giáo pháp của Ngài. Trong đó, những lời dạy của Đức Phật về nguyên lý tương sinh, không phương hại bất kỳ chúng sanh nào và sẵn lòng giúp đỡ tha nhân trong khả năng của mình đều nhấn mạnh đến sự thực hành phi bạo lực.

Chính những lời dạy này giúp duy trì sức mạnh lớn lao trong việc kiến tạo một thế giới tốt đẹp cho con người đến hôm nay. Và sự phi bạo lực được tạo động lực bởi lòng từ bi, ý nguyện phụng sự chúng sinh”, Đức Dalai Lama nói rõ.

Đặc biệt, những thách thức to lớn mà con người trên thế giới đang đối mặt hiện nay đòi hỏi mỗi cá nhân phải chấp nhận sự tồn tại của “cộng đồng nhất thể”. Tuy có những khác biệt nhất định, tất cả chúng ta đều bình đẳng nhau trong những ước muốn cơ bản nhất về cuộc sống hòa bình và hạnh phúc.

Sự hành trì giáo pháp của Đức Phật, trong đó có sự huấn luyện tâm thông qua thiền tập - giúp mỗi người bình tâm và phát triển các phẩm chất cao quý như yêu thương, độ lượng, từ bi và nhẫn nại - những điều chúng ta cần thực hành trong đời sống thường nhật.

Trước đây, một số cộng đồng Phật giáo trên thế giới chỉ có sự hiểu biết xa xôi về sự tồn tại của nhau và không có cơ hội trân trọng những điểm chung của nhau. Còn hiện nay, chúng ta đều có khả năng tiếp cận hầu hết các truyền thống Phật giáo tại những vùng đất xa xôi. Hơn thế, những người hành trì giáo pháp của Đức Phật và làm công việc hoằng pháp dù thuộc truyền thống nào đi nữa đều có thể gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau.

“Là một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, tôi xem bản thân là môn đồ của Đại học Phật giáo Nalanda - nơi mà Phật giáo được giảng dạy và học tập dựa trên tư duy hợp lý, tiêu biểu cho sự phát triển đỉnh cao của triết học Phật giáo tại Ấn Độ. Là người Phật tử ở thế kỷ XXI, mỗi người cần dấn thân học tập, phân tích giáo pháp của Đức Phật chứ không chỉ đến với Phật giáo bằng niềm tin tôn giáo thuần túy.

Thế giới đã và đang thay đổi so với thời Đức Phật còn tại thế. Khoa học hiện đại đạt được hiểu biết quan trọng về thế giới vật chất. Trong khi đó, khoa học Phật giáo lại thành tựu được những hiểu biết tường tận, cá nhân về cách làm việc với tâm thức và cảm xúc của chính mình - các lĩnh vực còn tương đối mới mẻ đối với khoa học hiện đại.


Do đó, kết hợp hai góc độ tiếp cận này sẽ tạo ra tiềm năng to lớn giúp con người trở nên “giàu có hơn” về mặt thể chất, cảm xúc và xã hội.

Và chính Phật tử là người xiển dương giáo pháp của Đức Phật. Thông điệp của Đức Phật tương thích với sự tương tác ngày càng mở rộng của chúng ta với phần còn lại của thế giới. Chúng ta cần thúc đẩy sự thấu hiểu liên tôn giáo để tất cả mọi người trên thế giới này có được cuộc sống hạnh phúc, không phân biệt.

Không những thế, trước những tổn thất và mất mát do khủng hoảng y tế toàn cầu mang lại, chúng ta cần kết nối với nhau như các thành viên trong một gia đình bằng lòng từ bi - bởi đây là cách duy nhất giúp chúng ta vượt qua khó khăn này.

Đăng Minh

(theo The Buddhist Door, dalailama.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày