GN - Theo chân các bạn tình nguyện viên tặng quà cho bà con nghèo, đi và gặp không biết bao hoàn cảnh khó khăn, tôi rơi nước mắt không biết bao nhiêu lần. Nhưng có lẽ, đau và nghẹn ngào nhất là khi chứng kiến hoàn cảnh của vợ chồng thầy giáo nghèo Nguyễn Văn Cà - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Nguyên, huyện Đức Huệ (Long An) đang chăm sóc con bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Bưu Điện TP.
Tận cùng nỗi đau
Ngày cuối năm 2012, hai đứa con của thầy - một là phóng viên báo Bưu Điện Thành phố, một là sinh viên - chở nhau về quê thăm gia đình, không ngờ, bị người lái xe say xỉn đi ngược chiều đâm vào. Kết quả, đứa con trai út không qua khỏi, còn đứa con gái lớn Nguyên Sương thì bất tỉnh, phải nằm cách ly gần cả tháng ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, để có điều kiện hồi phục, bác sĩ lại chuyển Sương sang Bệnh viện Bưu Điện để được chăm sóc đặc biệt.
Vợ chồng thầy Cà trước nỗi đau mất con
Từ ngày 25 tháng Chạp, giáo viên đã được nghỉ dạy để chuẩn bị đón Tết. Thế nhưng khác với đồng nghiệp - đi mua sắm đón xuân, thì vợ chồng thầy ở suốt trên bệnh viện chăm sóc đứa con còn lại duy nhất. Tai ương dồn dập, một lúc chịu nhiều nỗi đau, thế nên dễ hiểu vì sao nghe ai nhắc đến con là khóe mắt thầy đỏ hoe. Thầy cứ nhắc đi nhắc lại: “Hai đứa, đứa nào cũng giỏi. Đứa chị đi làm thêm nuôi đứa em. Cuối tuần là hai chị em chở nhau về quê chơi với hai vợ chồng tôi. Có ai dè, cái bữa đó lúc về còn hai, ba chục cây số nữa tới nhà thì...”.
Thương nhất là khi chứng kiến bà con cô bác, hàng xóm lên bệnh viện thăm cô con gái, thấy người quen, người thân là cô Minh - vợ thầy Cà cứ nắm chặt tay. Dù có nhiều lần ngước mặt nhìn lên trần nhà bệnh viện để giấu đi những dòng nước mắt, để cho chúng thôi rơi nhưng cô không làm được. Chị của thầy bảo: “Nó khóc được vậy là mừng rồi đó, chứ bữa làm đám cho thằng em con Sương, nó không biết gì, ai hỏi đến nó chỉ biết gật gật, nói không nên lời. Ngày nghe tin hai đứa con bị nạn, ông xã nó đem hình của hai đứa con giấu hết. Vì chồng nó sợ nó buồn, nghĩ quẩn cũng bỏ nó mà đi theo con”.
Hạnh phúc dang dở...
Tìm đến nhà thầy ở ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, nghe tận tai bà con làng xóm kể, tôi mới hiểu được vợ chồng thầy thương con đến dường nào. Để vào được nhà thầy, tôi đã 2 lần lọt ruộng vì căn nhà nhỏ thó của thầy nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, đường vào thì chừng 2 gang tay. Đường đi khó là vậy nhưng vẫn không “khó” bằng hoàn cảnh nhà thầy.
Bên căn nhà củ kỹ xây cất đã lâu năm, có nhiều vết nứt, hàng xóm của thầy bảo: “Thầy Cà không dám sửa nhà. Đồng lương có bao nhiêu, vợ chồng thầy đều để dành cho hai đứa con đi học. Thầy Cà cưng con lắm, tiền đi dạy không đủ nuôi con, thầy xin đi hát phục vụ đám tiệc để có thêm chút đỉnh. Hai vợ chồng nghèo nhưng được cái thương con. Ở nhà, vợ chồng ăn mắm, ăn muối, đợi cuối tuần mới mua thịt cá để 2 đứa con ở Sài Gòn về ăn cùng. Xài tiền tiết kiệm, áo quần mặc đa phần là bà con cho chứ đâu dám mua. Cái sân mới đắp bằng đất đó, thầy Cà phải lặn hụp làm ban đêm, để mưa, nước không tràn vào nhà chứ đâu dám mướn ai”.
Đi từ đằng trước ra tới đằng sau, bên trong ra bên ngoài, căn nhà của thầy đơn sơ, chỉ có con bò là quý giá nhất. Lương nhà giáo vài ba triệu một tháng, vậy mà giờ đứa con nằm bệnh viện tiền điều trị cả trăm triệu, nghĩ mãi, không biết rồi thầy lấy đâu ra khoản tiền lớn như thế để giành giật mạng sống cho đứa con còn lại duy nhất của mình...?
Bước chân ra về mà lòng tôi nặng trĩu, cứ ám ảnh mãi lời nói cô Loan, đồng nghiệp của thầy: “Ở trên bệnh viện, nghe bác sĩ hỏi có đủ khả năng lo tiền chữa trị cho con không, chị Minh, vợ anh Cà khóc nấc. Chị kêu anh về bán con bò, có gì bán hết, miễn sao giữ lại đứa con cho chị. Anh cũng cố gắng lắm rồi, có bao nhiêu tiền anh vét sạch, ai mượn được anh đều mượn rồi nhưng sợ là không kham nổi. Sợ anh bỏ cuộc, đồng nghiệp khuyên anh cố gắng thì anh nghẹn ngào. Anh nói, sống như thế này còn khó hơn chết nhưng trách nhiệm của mình với con, với vợ còn chưa tròn nên giá nào cũng gắng sống chứ hạnh phúc, ước mơ đã tan vỡ rồi”.
Tôi biết, không gì có thể bù đắp được nỗi đau, mất mát mà gia đình thầy đang gánh chịu. Không tiền bạc nào có thể mua được mái ấm hạnh phúc trước kia của thầy, nhưng có lẽ, với thầy bây giờ những lời động viên, chia sẻ, xoa dịu bằng những yêu thương của mọi người có giá trị rất lớn. Nó là nguồn động lực để thầy tiếp tục sống; tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình với gia đình, với bục giảng; để những vết thương kia sớm được lành.