Thầy giáo trẻ dạy học bằng trái tim

GN - Cách đây 4 năm, bắt nguồn từ ý tưởng của thầy giáo trẻ Đỗ Đức Anh, (Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM), “Học văn từ cuộc sống” - một dự án được triển khai tại trường đã được khởi động.

Dự án Học văn từ cuộc sống đã trải qua ba mùa trong 4 năm qua với ba chủ đề: Sài Gòn những góc nhìn trẻ (mùa 1 - làm phim, viết phóng sự); Hẹn hò với sách (mùa 2 - viết sách); Có thư ngoài cửa (mùa 3 - viết thư tay không tem gửi cho những con người phi thường nhưng luôn nghĩ mình bình thường trong cuộc sống đời thường)...

a thayducanh 1.jpg


Thầy Đức Anh (bìa phải) cùng nhóm học sinh thâm nhập cuộc sống,
cùng tiếp cận những người bình dị để viết thư, làm phim về họ - Ảnh: NVCC

Dấu ấn tuyệt vời

Thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ, ba mùa dự án cho thầy những dấu ấn tuyệt vời của tuổi trẻ - những cảm xúc đẹp trên con đường sư phạm, cho học trò của trường những cơ hội để học tập được nhiều kỹ năng và có thật nhiều trải nghiệm thực tế cuộc sống.

Đặc biệt, dự án còn cho phụ huynh niềm tin rằng con em họ được học văn theo một hướng hoàn toàn để làm người và sống chứ không phải để viết bài luận trên những trang giấy để chấm điểm. “Tôi rất vui vì được mọi người gọi là “thầy giáo quốc dân”, được phụ huynh, đồng nghiệp và học trò yêu quý hơn và biết đến mình nhiều hơn sau khi dự án có sức lan tỏa”, thầy Đức Anh cho biết.

Tất nhiên, trong quá trình vận hành, khó khăn không phải không có. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là kinh phí, thời gian, và niềm tin của phụ huynh trong những ngày đầu tiên cũng như việc mời chuyên gia tham gia hỗ trợ dự án.

Theo đó, việc làm những dự án lớn như Học văn từ cuộc sống cần một khoản kinh phí lớn trong khi môi trường giáo dục công lập thường không có kinh phí cho những dự án kiểu này. Nhà trường chỉ hỗ trợ được phần nào, còn lại thầy trò phải xin tài trợ hoặc tự bỏ tiền túi. Việc thuyết phục nhà tài trợ cũng không phải chuyện dễ. Vậy thầy đã làm gì để khắc phục?

Về thời gian, theo thầy Đức Anh, dù làm dự án nhưng thầy trò vẫn phải đảm bảo số tiết và kiến thức để thi cử đúng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục. Trong khi dự án cần các em bước ra thực tế cuộc sống. Các em có khi bù đầu với việc học ngoài giờ, kẹt lịch thi. Vì vậy nhiều lúc thầy và trò phải đi gặp nhân vật vào buổi tối, lúc sáng sớm tinh mơ, phải họp nhóm lúc giữa trưa, thậm chí là trao đổi với nhau cả đêm trên app chat để góp ý, chỉnh sửa sản phẩm hay tư vấn.

Đối với phụ huynh, ai cũng muốn con họ được an toàn nhưng có những đề tài mà các em chọn lại rất nguy hiểm và nhạy cảm nên không cho con tiếp cận nhân vật để làm dự án. Hoặc có những nhân vật mà thầy trò tiếp cận ở quá xa, lo lắng bất trắc trong quãng đường di chuyển bằng xe đạp hoặc phương tiện công cộng cũng khiến mọi người lao đao trong việc thuyết phục phụ huynh đồng ý.

Ngoài ra, việc làm dự án theo thầy Đức Anh, cần học nhiều kỹ năng trước khi bước ra thâm nhập cuộc sống, tiếp cận nhân vật như kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng làm phim, nhiếp ảnh, kỹ năng dàn trang bài trên báo chuyên nghiệp, phòng vệ và tự vệ trước những tình huống nguy hiểm, kỹ năng giao tiếp thân tình, viết thư, thiết kế poster, làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian,… “Tôi hầu như đều dựa vào các mối quen biết để mời họ đến chia sẻ và tập huấn “miễn phí” cho các em”, thầy Đức Anh nhớ lại.

Đ văn toát ra từ cuộc đời

Chia sẻ về ý tưởng làm dự án, thầy Đức Anh cho biết, đầu tiên là do thầy muốn gắn môn Văn với thực tế cuộc sống. Thầy trải lòng: “Cuộc đời là một tác phẩm lớn, sao chúng ta lại chỉ phân tích và cảm nhận những nhân vật trong sách? Cuộc sống ngoài kia có bao nhiêu nhân vật, sự kiện, tình huống. Xung quanh các em có bao mảnh đời vui buồn khóc cười với những điều bình dị mỗi ngày. Tôi mong được thấy những bài viết tỏ bày cảm xúc thật, suy nghĩ chân thành của các em khi nhìn ngắm kỹ hơn cuộc sống. Bởi văn đâu chỉ là những câu chữ thật hay và thật đẹp trên trang giấy”.

Thầy Đức Anh trăn trở rằng, rất sợ các em phải ăn mãi một món với cùng một cách chế biến nên thay vì những tiết học thông thường, đã biến thành buổi họp báo ra mắt phim Biển động (khi dạy truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa), Giờ học bên ngọn đèn dầu leo lét với chủ đề Kiếp đá (khi dạy Chinh phụ ngâm), Chương trình Thách thức danh hài (khi dạy Ca dao hài hước), chương trình Thay lời muốn nói (khi dạy Thơ tình Xuân Quỳnh), Hỏi xoáy đáp xoay (khi dạy văn học nước ngoài), mở phiên tòa lịch sử (khi dạy truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy)...

Biến các tiết học thành gameshow văn học để vui học với môn Văn nhưng khi cần truyền cho các em cảm xúc, có khi thầy vẫn lựa chọn giảng bình truyền thống.

Để học văn giỏi, viết văn hay thì vai trò của người dạy và người học trong tương tác qua lại như thế nào?Tôi nghĩ rất đơn giản đó là “hãy dạy văn bằng cả tâm hồn, nhiệt huyết và đam mê sáng tạo, người học văn cũng hãy học văn bằng cả tâm hồn” vì dạy văn không chỉ là rót đầy mà còn là thắp lên một ngọn lửa”, thầy Đức Anh cho biết.

Học sinh nói gì?

Nói về “Học văn từ cuộc sống”, bạn Nguyễn Trần Tấn Phát, lớp 10A9 của trường chia sẻ: “Cách học theo dự án khiến chúng em cảm thấy rất thoải mái, không chỉ gò bó ở không gian lớp học mà chúng em được đi, được trải nghiệm và có thêm nhiều bài học cho bản thân nên cảm thấy rất hứng thú và càng yêu thích môn Văn nhiều hơn”.

“Chúng em tự đi ra ngoài tìm kiếm thông tin, được cọ xát thực tế bên ngoài thì có thể viết văn thật hơn nên chúng em thích lắm. Cũng qua hình thức học này, em được học nhiều kỹ năng hơn thay vì chỉ ngồi nghe lý thuyết mà tưởng chừng không bao giờ mình thực hiện được. Đồng thời chúng em được làm việc nhóm thì tình bạn trong lớp cũng được thắt chặt hơn, hiểu nhau hơn”, Ngọc Bích, học sinh của dự án bày tỏ.

Được biết, thầy Đỗ Đức Anh nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp TP (năm 2015), Nhà giáo tiêu biểu năm 2016 và Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM cho những đóng góp tích cực trong phong trào thi đua của TP.


Thành Toàn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày