“Thầy hay quét” kể chuyện quét lá, quét tâm

GN - “Thầy hay quét” là “biệt danh” mà cô bác Phật tử lớn tuổi trong vùng hay chia sẻ vui mỗi khi nói về thầy.

Nếu như ngày xưa bà con Phật tử ấn tượng, yêu thương thầy bởi lý do thầy đi tu vì thích quét lá sân chùa thì ngày nay, bà con Phật tử trong vùng lại quý mến thầy bởi hình ảnh người thầy trụ trì 53 tuổi mà vẫn giản dị với thói quen thời hành điệu thích quét dọn, tay lấm, chân bùn ngoài vườn, ngoài ruộng sau thời gian tổ chức khóa tu hoặc cùng bà con đi thăm hỏi gia đình khó khăn.

Người thầy mà tôi muốn nhắc đến đó chính là thầy Thích Nhuận Liên, trụ trì chùa Khánh Quới, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Ảnh Thiên thần quét lá, 631.jpg

Thầy Nhuận Liên cắt cành, tỉa lá mai vàng, đây là vườn mai từ thiện, thầy sẵn sàng bán để có tiền lo cho người nghèo - Ảnh: Hạnh Ý

Tìm đến chùa Khánh Quới trong một buổi xế chiều, vừa dừng xe thì một bác Phật tử đang làm công quả trước chùa hỏi tôi: “Cháu đến chùa thắp nhang lễ Phật hay có việc gì?”. Trả lời bác rằng con tìm gặp thầy trụ trì, vậy là bác đưa tay lên hướng dẫn: “Đó, người đang đứng trên cái thang quét bồ hóng ngay ở cổng tam quan là thầy đó”. Nếu không tận mắt chứng kiến có lẽ tôi đã không tin vào hình ảnh của một vị trụ trì giản dị không như mình tưởng tượng. Cổng chùa khá cao, chiếc thang thì mỏng manh, thầy đứng trên chiếc thang ấy cầm chổi huơ huơ quét bồ hóng. 

Được thầy tiếp chuyện khi công việc vừa xong, thầy dí dỏm kể: “Thấy thầy quét bồ hóng mắc cười quá hả con, nhưng mà đừng thấy thầy leo vậy mà ngạc nhiên, ở quê ai cũng làm tuốt công việc này, thậm chí nặng nhọc hơn, không câu nệ trụ trì, chú tiểu hay Phật tử đâu. Ngày xưa làm chú tiểu thầy quét lá đa, giờ không còn lá đa thì thầy đi quét bồ hóng. Không quét cái này thì cũng tìm cái khác quét, chứ ở không buồn lắm”.

Tôi hỏi: “Thầy có thói quen thích quét dọn hay sao mà mấy bác Phật tử gọi thầy là “thầy hay quét” ạ? Thầy cười tươi rồi trả lời: “Ngày xưa cũng vì thầy thích quét lá sân chùa nên mới xin đi tu đó. Lúc mẹ dẫn thầy đến xin sư ông cho thầy vào chùa tu, sư ông hỏi mới 12 tuổi, còn nhỏ sao con không ở nhà với mẹ lại muốn lên chùa ở. Thầy trả lời sư ông là con thích đến chùa tu vì thấy các chú tiểu quét lá sân chùa, ca hát nghêu ngao vui quá nên con muốn đến chùa tu. Nghe xong sư ông nhận thầy làm đệ tử và đặt cho pháp danh là Nhuận Liên, giao hẳn cho thầy đảm nhiệm việc quét lá sân chùa”.

Từ ngày vào chùa tu, thầy luôn là tâm điểm gây cười cho mọi người. Thầy kể: “Tuy nói muốn đi tu do thích quét lá sân chùa vậy mà lần nào quét sân, mồ hôi chảy ướt áo, thở hổn hển cũng than với sư phụ. Mà sư phụ thấy vậy thì khuyến khích ráng quét, quét cho sạch sân, sạch tâm chứ không cho nghỉ giữa chừng. Ngày nhỏ mà quét hết sân từ đầu trên xuống đầu dưới, quét hết bốn phía vườn, tối ngủ an nhiên lắm”.

Khi còn hành điệu, đã biết đưa ý kiến với sư phụ việc phát động Phật tử “nuôi heo”. Lúc đầu Phật tử nghe cũng cười vì người tu ai khuyến khích Phật tử… nuôi heo bao giờ. Khi thầy “nói thêm cho rõ” là nuôi heo đất làm từ thiện thì mọi người lại hưởng ứng ý kiến của thầy trong vui vẻ.

Mỗi ngày thầy đều đem đến tiếng cười cho mọi người. Khi trưởng thành, thấy thầy làm được việc nên dần dần việc chính của chùa, hội họp, sư phụ đều để thầy đảm nhận. Khi sư phụ viên tịch, chức vị trụ trì cũng truyền lại cho thầy kế nhiệm trong sự ủng hộ của đông đảo bà con Phật tử.

Từ ngày đảm nhiệm vai trò trụ trì chùa Khánh Quới đến bây giờ, tháng nào thầy cũng tổ chức khóa tu cho bà con trong vùng, tháng nào cũng tổ chức cho bà con đi làm từ thiện, tháng nào cũng đi thăm gia đình khó khăn. Có một việc làm cá biệt mà thầy làm mỗi ngày mà ai thấy cũng nể phục, đó là thầy luôn dành thời gian ươm trồng và chăm sóc vườn mai kiểng. 

Thầy gửi gắm rất nhiều tâm tư, tình cảm nơi vườn mai ấy, nhất là nguyện vọng: “Nếu không có tiền mua quà tặng bà con khó khăn, thầy sẽ bán mai để chia sẻ với người dân trong vùng trong những dịp xuân về. Thầy luôn tìm đủ mọi phương tiện để khuyến khích Phật tử tu, tạo điều kiện để bà con đến với Phật pháp và thực hành việc thiện”, bác Hai - Phật tử gắn bó khá lâu với chùa, chia sẻ.

Hạnh Ý

Cùng quý độc giả:

Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa. 

Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm. 

Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ.

Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày