Thầy không la sau lần tôi đi trễ

GNO - Lúc tôi vào Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cơ sở vật chất của trường còn rất khiêm tốn so với bây giờ. Không có phòng nội trú, không có phòng tự học hay những giảng đường rộng lớn để cho Tăng Ni sinh sinh hoạt và học tập. Các bạn đồng học của tôi từ quê xa lặn lội vào đây đều phải tự đi tìm nơi ở. Tôi cũng vậy.

Ngôi chùa tôi trú học nằm cuối con đường nhỏ của xóm người nhập cư nghèo, xà bần và đồng nát cứ đổ tràn ra bên lề. Hằng ngày chiếc xe đạp Phượng Hoàng của tôi cứ lộc cộc lăn trên đá sỏi và ổ gà để đến trường. Biết đường xa, phố xá lúc nào cũng đông nghẹt người nên tôi luôn sắp xếp thời gian đến trường sớm. Ấy vậy mà một hôm xe lủng lốp giữa chừng, dắt bộ một đoạn xa mới gặp người vá xe. Thế là hôm ấy trễ học 15 phút.

Tôi đi lên cầu thang với những bước chân e ngại và trong lòng đầy lo lắng. Tôi sẽ bị thầy la một trận, không cho vào lớp và bị trừ điểm chuyên cần… Trong một khoảnh khắc ngắn mà đủ thứ suy nghĩ dấy lên trong tâm tư của một Tăng sinh trẻ như tôi. Tim rung lên thình thịch nhưng tôi vẫn bước vào lớp, chuẩn bị sẵn sàng đón nhận lời dạy nghiêm nghị từ thầy.

IMG_1986.jpg
Tăng Ni sinh khoa Hoằng Pháp trong buổi giảng hồi tháng 9-2019 - Ảnh minh họa: Tuệ Tánh

Thấy tôi thấp thoáng ngoài cửa chính, thầy ngừng viết và lên tiếng: “Con cứ vào lớp học đi”. Khoảnh khắc đó lòng tôi nhẹ tênh, bao nhiêu lo sợ bỗng dưng tan biến. Rồi thầy quay xuống nhìn lớp học và khen tôi giòn giã.

“Các con biết không, trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng có những lần bị trễ nhưng chúng ta không bỏ cuộc, chúng ta vẫn cố gắng đi tiếp như người bạn của các con hôm nay - dẫu biết trễ giờ nhưng vẫn đến lớp. Hơn nữa chúng ta chưa biết bạn ấy trễ vì lý do gì, có thể do đường đông kẹt xe, hoặc chùa ở xa… Dẫu sao thì tinh thần đó đáng để chúng ta học theo”, thầy nói.

Sau buổi học đó lòng tôi vui như mới, giờ lên lớp của thầy không chỉ là những con chữ Devanagari(1) ngoằn ngoèo mà còn chứa chan cả tấm lòng của người thầy đối với đứa học trò xa quê như tôi.

Thi thoảng tôi có vào thăm lại trường xưa, gặp thầy vẫn dáng người cao lớn ấy, giọng nói vẫn còn sang sảng rõ ràng vẫn đang tiếp tục truyền trao những kiến thức cho bao thế hệ Tăng Ni sinh. Mười mấy năm trôi qua rồi, chẳng bao giờ tôi quên được buổi sáng đi học trễ giờ đó. Tôi đã nhận từ thầy cả chữ nghĩa lẫn đạo lý nhưng chưa một lần cảm ơn.

Thích Tịnh Trí
(Tăng sinh khóa V - Học viện)

----------

(1) Devanagari, từ ghép của "deva" (देव) và "nágari" (नगर)), cũng được gọi là Nagari (nguyên là tên của hệ thống chữ viết là khởi nguồn của Devanagari) là một hệ thống chữ cái của Ấn Độ và Nepal. Hệ thống chữ viết này được ghi từ trái sang phải, không có các chữ cái đặc biệt, và được công nhận (cùng với hầu hết các chữ viết Bắc Ấn khác, như Gujarat và Oriya) là những loại chữ viết có đầy đủ các chữ cái. Devanagari là thứ chữ viết chính dùng để ghi lại tiếng Hindi chuẩn, tiếng Marath và tiếng Nepal. Từ thế kỷ 19, nó trở thành kiểu chữ viết thông dụng nhất để viết tiếng Phạn. Devanagari cũng được sử dụng trong tiếng Bhojpur, tiếng Gujarat, tiếng Pahar (Garhwal và Kumaon), Konkan, Magah, Maithili, Marwar, Bhili, Newar, Santhal, Tharu và thỉnh thoảng trong tiếng Sindh, tiếng Dogri, tiếng Sherpa và tiếng Kashmir. Đây cũng là kiểu chữ viết trước đây của tiếng Gujarat.

Mời chư Tăng Ni chia sẻ kỷ niệm về Học viện Phật giáo

Hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, bên cạnh chuỗi các sự kiện diễn ra tại cơ sở 2 (H.Bình Chánh, TP.HCM) do Học viện tổ chức, Giác Ngộ online kính mời chư Tăng Ni đang theo học, đã từng học, trưởng thành từ môi trường này viết chia sẻ kỷ niệm, chủ đề: "Học viện trong tôi".
Đó có thể là những kỷ niệm của buổi đầu nhập học, những thay đổi trong tự thân khi về tu học tại đây; là câu chuyện đáng nhớ với một tiết học, môn học hay một vị lãnh đạo Học viện hay vị giáo thọ khả kính đã cho mình bài học lớn, suốt đời không quên; là những kinh nghiệm - trải nghiệm thú vị từ quá trình rèn luyện ở ngôi trường có bề dày 35 năm, để rồi sau đó đi học lên cao hoặc về làm Phật sự tại địa phương và thấy việc học quá ý nghĩa, thiết thực...
Những kỷ niệm, chia sẻ của quý Tăng Ni sinh đang học và chư tôn đức cựu Tăng Ni các khóa chắc chắn sẽ góp phần tăng thêm niềm vui cho ngày Đại lễ - đã được Đức Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Viện trưởng Học viện đánh giá "sự kiện lần này đánh dấu sự trưởng thành của Học viện, đồng thời cũng khẳng định vị thế giáo dục Phật giáo của một cơ sở thuộc GHPGVN".
Bài chia sẻ cùng hình ảnh của câu chuyện, xin hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com. Ghi rõ bài "Học viện trong tôi". Trân trọng đón chờ bài vở của quý Tăng Ni sinh, cựu sinh viên Học viện từ nay đến 10-12-2019. Bài hay sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ tuần báo và Giác Ngộ online.

GNO

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày