Thiên Hương, đạo và đời

Giác Ngộ - Sau hơn hai tháng miệt mài vẽ, tìm tài trợ, lên chương trình…, cuối cùng triển lãm tranh và lịch mang chủ đề “Sắc màu cuộc sống” của hoạ sĩ trẻ Đỗ Thiên Hương cũng diễn ra ấm cúng ở cà phê Ami (Khu du lịch Văn Thánh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từ ngày 12 đến 20-12.

Gặp Thiên Hương trong buổi triển lãm chị huyên thuyên kể về quá trình vẽ tranh và làm nghệ thuật của mình. Nhưng xúc động nhất có lẽ là phát nguyện ăn chay trường để vẽ tranh, những bức tranh về đề tài Phật giáo như bức Bồ đề tâm, về những phần tâm hồn của con người… đều được Hương tĩnh tâm để vẽ. Đỗ Thiên Hương bộc bạch: “Tôi tập tành vào nghề cầm cọ hơn 10 năm, đã có lúc gián đoạn vì những khó khăn của cuộc sống nhưng đến bây giờ tôi xác định rõ tình yêu của mình đối với hội hoạ là luôn cháy bỏng”.

wwwDTH (1).JPG

Đỗ Thiên Hương - ảnh: B.B

Câu chuyện cuộc đời của Thiên Hương được nhiều người nhắc lại trong buổi lễ khai mạc, đó là một câu chuyện buồn mà cụ thể là gia đình chị ngày càng suy kiệt. Bố mẹ chị từng là nhà văn, nhà báo nhưng kể từ khi đứa em kế Hương bị thiểu năng cả hai đã phải nghỉ làm để chăm con. Đỗ Thiên Hương tự bươn chải sau khi tốt nghiệp đại học với đủ thứ việc: viết báo, biên tập sách, quan hệ công chúng (PR)… nhưng vẽ vẫn là những góc lặng, những lúc lắng lòng của Hương.

Tuy sự nghiệp chưa phải đã ổn định nhưng việc mở lòng để chia sẻ với mọi người đối với Hương là việc nên và phải làm trong cuộc sống, công việc. Chính vì thế mà lâu lâu chị vẫn hay giúp nhóm sinh viên này làm luận văn, thực tập trong lĩnh vực viết lách, làm PR… Lâu lâu bạn bè lại theo dõi Hương ở một vài tờ báo, lại thấy Hương lăng xăng và rồi sau thời gian ấy có khi Hương sẽ “ẩn” mình ở một nơi nào đó để làm mới bản thân. Đặc biệt, Đỗ Thiên Hương thường đến chùa để an trú bởi với Hương “tiếng niệm Phật, lời kinh kệ luôn là phương thức nhiệm mầu làm mình bình an”.

wwwDTH.JPG

Bức Bồ Đề tâm của Hương được khá nhiều người chú ý - ảnh: B.B

Câu chuyện về hoạ sĩ trẻ Đỗ Thiên Hương cứ thế nối dài qua dòng kể của cô và những lời nhận xét chân thành của đàn anh, đàn chị, những bậc thầy trong nghề như hoạ sĩ Uyên Huy, nhà thơ-hoạ sĩ Lê Thị Kim… Ai cũng yêu quý và ưu ái dành cho Hương những lời khen tặng, khích lệ để cô vững chãi hơn trước sóng gió cuộc đời và cả trong nghệ thuật. Hãy cố gắng hơn, hãy tiếp tục học hỏi không ngừng để trở thành cây bút sắc sảo, thành một hoạ sĩ có khả năng… Đó vừa là lời chúc, vừa là mong muốn của nhiều người gửi gắm cho chị. “Con đường đã qua có quá nhiều chông gai, lòng người có lúc cũng chông chênh, phía trước chưa hẳn đã hết chông gai nhưng giờ mình biết nhân quả rồi nên phải phản ứng khác, không thể uỷ mị, đau khổ khi gặp khó khăn được”, Đỗ Thiên Hương bộc bạch như thế.

Bình dị, dịu dàng, đôi mắt đôi lúc nhìn xa xăm nhưng trên khuôn mặt luôn nở nụ cười để tặng cho người đối diện là tôi, Thiên Hương tâm niệm: “Làm gì cũng cần có cái tâm phải không? Nên mình sẽ ráng tu tâm để làm việc thật thoải mái, thật thong dong, đối mặt với tất cả, dù là thất bại hay thành công”. Bỗng, tôi thấy một niềm vui len nhẹ trong lòng, nhất là khi với tâm niệm ấy Đỗ Thiên Hương đã tạo được một bước ngoặt mới từ triển lãm tranh và lịch xuân Tân Mão vừa rồi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày