Thiền - “sự đầu tư khôn ngoan” của người trẻ

GN - “Khi tâm con người quân bình, cân bằng thì nó thoải mái bình an hạnh phúc và tự nhiên sẽ sáng tạo, dễ dàng thành công. Tôi hay nói những cái không thuộc về kinh tế nhưng nó làm ra kinh tế là vậy”, ĐĐ.Thích Minh Niệm nói như thế trong câu chuyện với PV Giác Ngộ về cách “hàm dưỡng tâm hồn” để người trẻ sống tỉnh thức trong cuộc sống, công việc.

Thầy là tác giả sách Hiểu về trái tim (Nxb Trẻ), Làm như chơi (SaigonBooks & Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ), có nhiều năm hướng dẫn thiền và tâm lý trị liệu ở trong và ngoài nước. Trước đây thầy đã có vài lần trao đổi với Giác Ngộ về hạnh phúc. Lần này là một đề tài khác, về thiền tập.

2mn.jpg


Thầy Minh Niệm trong buổi tiếp chuyện với PV Giác Ngộ

Xây dựng Tăng thân

* Bạn trẻ ngày nay thường thiếu kỹ năng khi bước vào đời, thầy có thể chia sẻ kỹ năng nào là quan trọng, để các bạn bình tĩnh bước vào cuộc sống, thưa thầy?

- ĐĐ.Thích Minh Niệm: Trước khi vào đời, ngoài các bằng tốt nghiệp, thì các bạn còn có các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, chinh phục khách hàng, kỹ năng làm giàu, kỹ năng đạt tới các mục tiêu lớn trong đời sống. Nhưng các bạn lại không được dạy dỗ, huấn luyện, đặt vào những môi trường học hiểu về bản thân, làm chủ cảm xúc.

Bản thân mình trong đó bao gồm thân thể và tâm hồn. Thứ quyết định cái gì là hạnh phúc thuộc về tâm hồn. Nếu các bạn có nhiều thứ, mà tâm hồn lúc nào cũng căng thẳng, bệ rạc, cạn kiệt năng lượng, thậm chí tổn thương, thì làm sao cảm nhận những thứ các bạn nắm bắt là hạnh phúc được.

Các bạn không biết rằng, khi bước ra đời đòi hỏi rất nhiều thứ mà các bạn không sẵn sàng. Ở Tây phương họ nói kiến thức vào đời nhà trường chỉ cung cấp 25%; 75% còn lại tự học, tự va chạm, tự trải nghiệm lấy.

Muốn các bạn trở thành người sống tỉnh thức, vững chãi, ý thức trách nhiệm bản thân, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, thể hiện những năng lượng tích cực nhất có thể thì phải đưa vào môi trường huấn luyện cụ thể.

Để giúp được các bạn phải có môi trường, chứ không thể đòi hỏi, giờ các bạn biết như vậy là không có tương lai nhưng mà không tự thoát ra được, vì năng lượng tập thể mạnh quá. Bây giờ nếu mang các bạn qua một môi trường đặc biệt, môi trường lành tính, ở đó người ta dạy kỹ năng sống, dạy hiểu về tâm lý, hiểu cách quản chế cảm xúc tiêu cực, khơi dậy những năng lượng tích cực, sinh hoạt đội nhóm, khơi dậy những lý tưởng sống, ở đó hàm dưỡng tâm hồn. Các bạn ở được đó rồi thì các bạn tự nhiên thay đổi thành con người khác lập tức.

Điều đó cho thấy môi trường mang tính quyết định rất cao cho một người còn trẻ và như vậy môi trường các bạn đâu tự tạo được. Dĩ nhiên, các bạn ở độ tuổi 18, 20 có thể tự tìm những môi trường tốt được, nhưng nó rất hiếm trong xã hội hiện nay. Bây giờ nếu được, các bạn đến chùa, các đoàn thể Gia đình Phật tử, đến các trung tâm tu học... cái đó là một số rất ít, bạn nào đến được những nơi như vậy thì mừng cho bạn đó, tại vì chúng ta không tạo nhiều nơi như vậy cho các bạn, mà rất giới hạn, xã hội không chú ý nhiều đến việc đó.

* Vậy, phải mất bao lâu để các bạn nhận ra được điều này?

- Tùy vào cấu trúc tâm sinh lý của mỗi người, có những người ý thức trễ, có những người ý thức sớm, có người nửa đời người mới nhận ra, người ta mới đi tìm giá trị hạnh phúc chân thực.

Nên có những bạn phải va đập, thất bại rồi mới có ý thức, hoặc có những bạn quan sát người khác thất bại va đập họ đã có ý thức. Nhưng từ ý thức đến hành động khoảng cách rất lớn. Cho nên các bạn dù đã ý thức trình trạng bản thân thì cũng cần thêm trợ lực khác nữa gọi là động cơ, thì các bạn mới đủ quyết tâm thiết lập đời sống trở lại.

Khi nói chuyện với các bạn sinh viên các trường đại học, tôi thấy có đối tượng này đối tượng khác, có những bạn tự tạo hướng đi cho riêng mình, có những bạn đang loay hoay đang cố gắng tìm hướng đi thoát khỏi trình trạng của bản thân, có những bạn vẫn thấy mình không có vấn đề mặc dù “ba chìm bảy nổi”, mặc dù bầm dập, mặc dù rất mệt mỏi nhưng vẫn chưa muốn thoát ra khỏi tình trạng. Thành ra, dĩ nhiên không thể đổ thừa hết cho những người có trách nhiệm như gia đình, nhà trường, xã hội, mà chúng ta đòi hỏi các bạn phải nỗ lực nhiều hơn, dĩ nhiên các bạn phải chịu trách nhiệm chính về cuộc đời mình. Tuy nhiên chỉ một mình các bạn làm không nổi, tùy mỗi giai đoạn, có những giai đoạn cần sự trợ lực nhiều hơn, có những giai đoạn giảm bớt lại, có những giai đoạn để các bạn tự bơi một mình. Tất nhiên, có một số đối tượng họ không cần môi trường, bản thân họ tự nỗ lực được nhưng cơ bản đa phần cần có môi trường.

Cho nên các bạn phải ý thức tạo ra những nhóm mang tính chất nuôi dưỡng mình, tức là một mình nếu làm không thể, như chuyện thức dậy buổi sáng tập thể dục 5g không thể, thì hẹn một đứa bạn để cùng truyền cảm hứng với nhau. Chớ một mình làm không nổi. Khi ý thức vậy thì các bạn có thể tạo những nhóm trên Viber, trên Facebook,... dẫn những đường link có những bài nuôi dưỡng, có những chia sẻ có tính chất nuôi dưỡng, có những chương trình offline để gặp nhau chia sẻ những đề tài mang tính chất nuôi dưỡng. Các bạn cũng phải tự ý thức nuôi dưỡng bản thân.

Thực tập sống tỉnh thức

* Trong cuộc sống, học tập làm sao để thực tập sự tỉnh thức?

- Tôi thấy nhiều bạn đi khóa tu về, đưa thiền vào cuộc sống một cách bị cứng, có cảm giác chống đối những người không biết thiền, sống ồn ào, sống hình thức. Điều đó cũng có nghĩa họ sẵn sàng chống lại những đối tượng làm ngược lại. Tức là trong quá trình hành thiền, các bạn đã bỏ qua bước quan trọng là quan sát những phản ứng của tâm.

Thành ra trước khi hành thiền mình dễ thương hơn sau khi hành thiền. Cho nên phải có sự thông minh để đưa thiền vào đời sống, nhất là ở đám đông, nơi công cộng, công sở, làm sao để người ta đừng thấy mình là sự khác biệt, lập dị…

Khi ở trong công sở, các bạn sử dụng thủ pháp “tranh thủ” thiền một phút, hoặc thiền 5 phút, nếu được thì nhắm mắt càng tốt dù mình đang ngồi hoặc đang đứng và thả lỏng hoàn toàn.

Bạn có thể nhắm mắt lại an trú, ở công sở một vài phút mình có thể tranh thủ được, nếu mình muốn có ý thức thì dán từ nào đó lên tường, bàn làm việc như  “thở”, “thư giãn”, “quay về bên trong”... sẽ nhắc nhở mình.

Hoặc mình tập lùi lại và quan sát. Mình có thể thực tập khi nói chuyện với người khác, bạn ý thức về thân thể mình đang thư giãn, dáng mình đang ngồi, cảm nhận cơ mặt mình đang tươi hay đang căng, rồi trong lòng mình đang có chấp nhận hay chống đối, mình đang sợ hãi hay đang bình tĩnh… nhận biết tất cả những cái đó đều là thiền. Thiền, định nghĩa một cách đơn giản là một khả năng nhận biết, tức tỉnh thức tinh tường cái gì đang xảy ra.

Hoặc trong các cuộc họp, lúc cần mở mắt để nghe để tiếp xúc tương tác với mọi người trong cuộc họp thì mở, nhưng có những lúc cần nhắm mắt lại 1 phút để thư giãn để nạp năng lượng trở lại. Hoặc tranh thủ không có khách hàng, không tương tác với ai thì 1 phút thư giãn. Hoặc trong phòng có thể tranh thủ đi thiền hành 1m thôi, tranh thủ là làm được thôi. Học thiền khi đã có ý thức và động cơ thì sự thông minh của bạn sẽ cho phép bạn sáng tạo rất dữ dội.

* Thực tập thiền có “phẩm chất” thì cần đặt mình vào một không gian như thế nào, thưa thầy?

- Đầu tiên các bạn phải đến một trung tâm thiền trước, tại vì ở đó đủ bài bản khi người ta hướng dẫn mình, rồi mình có những trải nghiệm trực tiếp để mình hiểu tỉnh thức là cái gì, chánh niệm là cái gì, nó không phải lý thuyết nữa mà là trải nghiệm thực sự, tới đó thì sẽ được đi thiền hành chung với mọi người để biết bước chân tỉnh thức ra làm sao, tới đó để được ngồi thiền chung với mọi người để biết ngồi yên thở, thư giãn an trú ra làm sao. Tới đó, để được sinh hoạt, làm những việc cũng đơn giản, như nấu nướng, dọn dẹp, trồng cây, tưới cây vậy thôi, nhưng nó làm trong sự chậm rãi, có quan sát, có cảm nhận được.

Muốn luyện tập cái gì đều phải trải qua một khóa huấn luyện hết, có một vị thầy có nhiều kinh nghiệm, nếu hay hơn nữa thì có một đoàn thể, người ta cũng đang thực tập điều đó để mình được soi rọi, để mình được tham vấn, để mình được giải mã hết tất cả những thắc mắc của mình.

Từ đó, trở về mình mới đưa vào đời sống được, hơn nữa là bạn phải được tạo thành một thói quen trước, bảy ngày nhiều khi cũng chưa đủ, thường một thói quen muốn hình thành phải có 3 tuần trở lên. Đặc biệt bây giờ sống rất nhanh, trong sự lãng quên mờ mịt, mà muốn sống chậm lại, sống trong sự tỉnh thức thì nhiều khi một người trẻ 3 tuần cũng chưa đủ. Thành ra phải dành nhiều lần 3 tuần đến trung tâm hình thành thói quen. Tại vì khi hình thành thói quen thì về đời sống bạn mới đưa vào đời sống được, bạn mới nhớ hành thiền.

Ấy vậy, thỉnh thoảng bạn phải được nhắc nhở, phải được gặp lại đội nhóm của mình, như bây giờ bạn có nhóm Chánh niệm, thì mình tìm nhóm đó mỗi tuần để được nhắc nhở, truyền cảm hứng để được soi rọi lại phẩm chất thực tập của mình so với các bạn thì mình mới giữ được sự thực tập liên tục. Chớ còn mình đến trung tâm thực tập, về chắc mình giữ được một tuần, hai tuần, một hai tháng là nhiều lắm rồi, sau đó nó cũng “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

3mn.jpg


Bạn trẻ đến nghe ĐĐ.Minh Niệm chia sẻ về sự tỉnh thức

Kiểm soát điện thoại và đầu tư thiền

* Bạn trẻ cần tỉnh táo với chiếc điện thoại như thế nào để mình làm chủ được nó, chứ không phải lệ thuộc, thưa thầy?

- Tùy thuộc bản lĩnh mỗi người, có nhiều người họ có nguyên tắc, có nội lực, họ kiểm soát bản thân tốt thì không ngại. Tại vì nó là phương tiện hữu dụng. Nhưng cũng phải tránh xa bớt, cho dù không bị cuốn hút nhưng xài nhiều vào mục tiêu lợi ích thiết thực nó cũng rút mòn năng lượng, cỗ máy hóa mình, làm mình lúc nào cũng máy móc, khô cứng. Thời gian trên điện thoại nhiều làm mình không thể kết nối với mọi người xung quanh, không thể kết nối được thế giới bên ngoài, thiên nhiên, đất trời.

Kể cả khi các bạn có bản lĩnh sử dụng điện thoại thì tôi khuyên các bạn có một khoảng thời gian trong ngày không sử dụng điện thoại. Mình cho một giờ cụ thể, như  lúc mới thức dậy, không mở điện thoại liền, đi ngồi thiền, tập yoga, đi uống trà, lên kế hoạch cho một ngày, sau khi ăn sáng xong hãy bật điện thoại lên. Tối khi ngủ nên để điện thoại qua phòng khác. Mình biết là mình dễ bị thu hút bởi cái điện thoại thì phải có kỷ luật sử dụng điện thoại mới quản chế nổi. Còn các bạn thấy mình nghiện điện thoại không thoát ra được và rất là muốn thoát thì quăng đi, xài điện thoại cùi bắp.

* Cuối cùng, thầy có chia sẻ nào với người trẻ để họ có thể làm việc, học tập trong tinh thần “làm như chơi”?

- Để làm đời sống có chất lượng hơn thì bạn nên đưa thiền vào, nên đăng ký một khóa thiền.

Nếu bạn muốn đầu tư để phát triển đời sống tâm hồn, nếu đã bị tổn thương tâm lý và muốn chữa lành, thì đây không phải là một năm để làm giàu, để có danh dự, quyền bính, để thành công về sự nghiệp. Mà đây là một năm để bạn hoàn thiện bản thân, để dành thời gian hàm dưỡng tâm hồn, để phát triển trí tuệ, phát triển nội lực, đây là một sự đầu tư khôn ngoan.

Kể cả khi bạn rất ổn, rất tốt, đang có những bước đi vững chắc trong đời sống, không có vấn đề gì về tâm lý, thì việc quay về để thanh lọc tâm hồn, để phát triển những giá trị bên trong là luôn luôn rất cần thiết. Những người có hiểu biết, có trí tuệ, đang thành công nhưng họ có thể ngưng ngang để đi phát triển những giá trị khác, để duy trì sự thành công của họ. Thành công mà có nội lực, có đạo đức thì sự thành công đó mới giúp đời giúp người được. Và thiền là một trong những giải pháp mà thế giới đang chọn.

* Cảm ơn thầy về những chia sẻ này!

Như Danh thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày