Thiền sư Tịnh Quang Hy Tịch (919-987)

GN - Thiền sư Hy Tịch (1) ứng thế năm Kỷ Mão (919), niên hiệu Trinh Minh thứ 5, đời vua Mạc Đế triều Lương, thuộc thời Ngũ Đại, quê ở Vĩnh Gia (nay là Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang). Sư họ Hồ, tự là Thường Chiếu, người đời gọi là Tịnh Quang đại sư, Loa Khê Hy Tịnh, Loa Khê tôn giả. Sư là Tổ thứ 15 tông Thiên Thai, đệ tử nối pháp của Thiền sư Cao Luận Thanh Tủng.

TT THICH TAC PHI.jpg


Thiền sư Tịnh Quang Hy Tịch (919 - 987)

Năm Đinh Dậu (937), niên hiệu Thiên Phước thứ 2, đời vua Cao Tổ triều Hậu Tấn, thuộc thời Ngũ Đại, Sư được 19 tuổi, thọ giới Cụ túc, rồi đến Cối Khê học Nam Sơn Luật Sao thông đạt trì phạm. Năm 940, Sư đến Viện Truyền giáo của tông Thiên Thai, thọ học Chỉ Quán với Tổ thứ 14 là Thiền sư Cao Luận Thanh Tủng, tinh tấn tu học hơn 10 năm, hạnh giải đều tiến bộ, lần lần thông ngộ yếu chỉ tông Thiên Thai.

Sư thường cư ngụ tại chùa A Dục Vương (2) ở núi Tứ Minh. Hôm nọ, Sư nằm mộng thấy đến chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai, có một bảo tòa đề chữ Văn Thù Đài, Sư muốn lên tòa nhưng không được, chốc sau thấy Bồ-tát Quán Âm từ trong chùa đi ra, nắm tay dắt đi, Sư cảm nhận mình và Quán Âm là một. Khi tỉnh giấc từ đó về sau, biện luận không chướng ngại.

Sau khi thầy tịch, Sư xây dựng đạo tràng Loa Khê, xiển dương giáo nghĩa tông môn, đồ chúng theo học rất đông. Sư chuyên tâm giảng dạy không kể thời tiết, ngày đêm. Sư lần lượt giảng huấn tại các chùa Phật Lũng, Đạo Tràng, Quốc Thanh…

Năm Ất Sửu (842), niên hiệu Hội Xương (會 昌) thứ 5, đời Đường Võ Tông, vua truyền đốt kinh điển, tàn phá tượng, phế bỏ chùa, bắt Tăng Ni hoàn tục. Đây gọi là thời Pháp nạn Hội Xương (842-845). Lại nữa, cuối triều Đường, chiến tranh loạn lạc triền miên, nên kinh sách của tông Thiên Thai phần lớn bị thất lạc gần hết. Trong Kim Hoa Cổ Tạng, chỉ còn có quyển Tịnh Danh Nghĩa Sớ, Sư thấy như thế rất khổ tâm. Nhân dịp Ngô Việt  Trung Ý Vương  Tiền  Hoằng Thục (928-988), khi xem bộ Vĩnh Gia Tập của Thiền sư Huyền Giác (665-712), trong đó có câu: “Đồng trừ tứ trụ, thử xứ vi tề; nhược phục vô minh, tam tạng tức liệt” (同 除 四 住 此 處 為 齊 若 伏 無 明 三 藏 即 劣), Hoằng Thục thấy không giống với tam tạng thánh điển, bèn đem việc này hỏi Quốc sư Đức Thiều (3). Quốc sư nói: “Những giáo nghĩa đó, nên hỏi ngài Thiên Thai Hy Tịch.” (此 是 教 義, 可 問 天 台 寂 師. Thử thị giáo nghĩa, khả vấn Thiên Thai Tịch sư). Hoằng Thục thỉnh Sư đến Lâm An cầu giảng giải. Sư nói: “Câu này xuất xứ từ trong sách Diệu Huyền của Tổ Trí Khải (538-597). Từ cuối triều Đường chiến tranh loạn lạc, những giáo điển của tông Thiên Thai bị hư mất. Giờ đây, các kinh sách đều ở nước ngoài” (此 出 智 者 妙 玄. 自 唐 末 散 亂, 教 籍 散 毀. 故 此 諸 文 多 在 海 外. Thử xuất Trí Giả Diệu Huyền. Tự Đường mạt tán loạn, giáo tịch tán hủy. Cố thử chư văn đa tại hải ngoại).

Sư bèn khuyên vua Ngô sai sứ sang tận Cao Ly, Nhật Bổn tìm kiếm. Sau khi sứ giả ở Nhật Bổn đem kinh sách về, Ngô Việt Trung Ý Vương xây dựng Định Tuệ viện tại Loa Khê núi Thiên Thai, để cất giữ kinh điển, và cung thỉnh Sư trụ trì.

Năm Tân Dậu (961) niên hiệu Kiến Long thứ 2, Sa-môn Đế Quán người nước Cao Ly, đến Loa Khê dâng lên Sư những luận sớ của tông Thiên Thai. Trước đó, Ngô Việt Trung Ý Vương sai sứ đến Cao ly, dâng tâm thư và 50 bảo vật, cầu xin giáo điển Thiên Thai. Vua nước Cao Ly sai cao tăng Đế Quán đi sứ, và dặn dò: “Khi đến Trung Quốc, tìm người vấn nạn, nếu giải đáp không thông, thì đem kinh điển trở về Cao Ly”. Tông Thiên Thai nhờ hai cơ duyên trên mà được trùng hưng, công lao của Trung Ý Vương và Sư rất lớn.

Sa-môn Đế Quán (諦 觀) sống vào khoảng thế kỷ thứ X Tây lịch, quê tại nước Cao Ly. Sư tinh thông pháp Giáo Quán của tông Thiên Thai, đạo hạnh lan truyền rất xa, được quốc vương Cao Ly trọng vọng. Năm 961, vua Cao Ly ban sắc cho Sư đến Trung Quốc, dâng các bộ Thiên Thai Luận Sớ và căn dặn: “Sau khi đến Trung Quốc, tìm thầy hỏi đạo (vấn nạn), nếu không thể giải đáp được, thì đem kinh sách trở về”. Do đó, Sư Đế Quán là sứ giả của nước Cao Ly, nhận hai trách nhiệm, hỏi đạo cầu pháp và dâng cúng giáo điển. Đến Trung Quốc, Sư Đế Quán vào Viện Truyền giáo, thiền viện Định Tuệ, tham yết Tổ Hy Tịch, ngay lời nói đầu tiên của Tổ, Sư đã có chỗ tỏ ngộ. Sau đó, Sư ở lại Loa Khê mười năm, hoằng dương Phật pháp. Tông Thiên Thai nhờ cơ duyên trên mà được trùng hưng. Sư bèn ở lại thiền viện Định Tuệ, hầu cận Tổ Hy Tịch, tùng chúng tu học, mười năm sau, Sư an nhiên viên tịch. Trước thuật gồm có: Thiên Thai Tứ Giáo Nghi, tác phẩm này rất nổi tiếng.

Năm Quý Mùi (983), niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc thứ 8, đời vua Tống Thái Tông, Ngô Việt Tiền Trung Ý Vương cung thỉnh Sư khai đàn truyền giới Bồ-tát. Sau khi đàn tràng viên mãn, vương cung kính sắc ban cho Sư hiệu Tịnh Quang đại sư; đồng thời cũng ban thụy hiệu cho chư Tổ thuộc tông Thiên Thai (4).

Năm 984, tại chùa Quang Minh huyện Vĩnh An, Sư đang truyền trao giới pháp cho tứ chúng, bỗng tượng Phật trên Đại hùng bảo điện nứt ra, tìm trong tượng có tờ phát nguyện văn ghi rằng: “Năm Hàm Thông thứ 6 (865), đời vua Ý Tông triều Đường, Sa-môn Hy Kiểu vì bảy người trong làng thí giới, khuyến tạo tượng Phật này, nguyện xả bỏ báo thân này được làm nam tử, tuổi nhỏ xuất gia, hoằng truyền Chánh pháp, lợi lạc chúng sinh” (唐 咸 通 六 年, 沙 門 希 皎 為 七 鄉 人 施 戒, 勸 造 此 像, 願 舍 報 為 男 子, 同 真 出 家, 傳 法 利 生. Đường Hàm Thông lục niên, Sa-môn Hy Kiểu vi thất hương nhân thi giới, khuyến tạo thử tượng, nguyện xả báo vi nam tử, đồng chân xuất gia, truyền pháp lợi sinh). Lúc bấy giờ, người trong đàn giới và trong thôn làng cho rằng Sa-môn Hy Kiểu là tiền thân của Sư.

Trong khoảng thời gian 200 năm, kể từ khi tổ thứ 4 Đại sư Trí Khải (538-597) thị tịch, Sư là môn nhân kế thừa xuất sắc thứ 2, chỉ sau Tổ thứ 9 là Kinh Khê Trạm Nhiên (711-782).

Ngày mùng 4 tháng 11 năm Đinh Hợi (987), niên hiệu Ung Hy thứ 4, thiền sư có bệnh nhẹ, dạy đệ tử không được thương khóc cúng tế, nói xong nhắm mắt viên tịch, trụ thế 69 năm, 50 hạ lạp. Quan dân, đạo tục trong huyện Thiên Thai là đệ tử của Sư, đồng cung nghinh nhục thân vào chùa Khai Nguyên làm lễ mai táng, thương khóc vang động cả huyện thành, cảm động đến trời cũng có màu sắc u ám.

Đệ tử nối pháp hơn 100 vị, Thiền sư Nghĩa Thông là cao đồ nối pháp dòng trực hệ; đệ tử tại gia nổi tiếng là Ngô Việt Tiền Trung Ý Vương (929-988); đệ tử người ngoại quốc 10 vị, Đế Quán là người nổi bật nhất. 

Sau này, đệ tử theo lời di chúc dời tháp thấy dung mạo Sư như còn tại thế, tóc dài ra hơn một tấc, cung kính di linh cốt nhập tháp ở góc Đông nam chùa Quốc Thanh.

Đệ tử là Quảng Giác Trừng Hoặc làm bài minh rằng:

“Minh sư giảng dạy,

Ba Đại Bộ kinh,

Mỗi thứ 20 lần,

Duy Ma, Quang Minh,

Phạm Võng, Kim Cang Ti,

Pháp Giới Quán, Vĩnh Gia Tập,

Mỗi thứ nhiều lần,

Trước tác, Chỉ Quán Nghĩa Lệ,

Bất Nhị Môn… nhiều quyển.”

Tác phầm gồm có: Pháp Hoa Thập Sao; Chỉ Quán Nghĩa Lệ; Thập Bất Nhị Môn... 

TT.Thích Tắc Phi soạn dịch

______________________________

(1) Thiền sư Hy Tịch (羲 寂): có nhiều bản văn ghi là Nghĩa Tịch (義 寂), vì hai chữ gần giống nhau. Gần đây các nhà nghiên cứu về tông Thiên Thai đều đồng ý cho rằng gọi Hy Tịch đúng hơn.

(2) Chùa A Dục Vương (阿 育 王 寺): tọa lạc trên núi A Dục Vương, phía Đông huyện Ngân, tỉnh Chiết Giang. Theo Pháp Uyển Châu Lâm quyển 38 ghi: năm 281, đời vua Vũ Đế triều Tây Tấn, có Lưu Tát Ha ở Ly Thạch, Tinh Châu nằm mộng thấy một vị Tăng người Thiên Trúc báo cho biết tội mình bị đọa vào địa ngục, phải đến Cối Khê đảnh lễ tháp A Dục Vương để sám hối các tội. Sau khi tỉnh giấc, ông liền xuất gia, pháp danh là Huệ Đạt, đến huyện Mậu, Cối Khê tìm tháp; nhưng không thấy, lòng buồn bã. Đêm ấy bỗng nghe dưới lòng đất có tiếng chuông vọng lên. Ba ngày sau tháp báu từ đất vọt lên; tháp này không phải vàng, ngọc, đồng, sắt, đất, đá mà chỉ có màu đen pha tím, chạm trổ tinh xảo, chính giữa có quả chuông treo. Huệ Đạt bèn xây tinh xá ở đây để cúng dường tháp và hết lòng lễ bái sám hối. Năm 404, vua An Đế triều Đông Tấn sắc chỉ xây dựng chùa rộng thêm, thỉnh chư Tăng trụ trì. Năm 522, vua Lương Võ Đế xuống chiếu xây thêm điện đường, phòng xá và ban tấm biển “A Dục Vương tự”. Chùa này vốn là Luật viện, thời vua Tống Chân Tông đổi tên Quảng Lợi thiền tự. Năm 1382, đời Minh Thái Tổ, chùa trùng tu và cải tên thành A Dục Vương thiền tự.

(3) Quốc sư Đức Thiều (德 韶 國 師, 891-972): họ Trần, quê ở Long Tuyền, Xứ Châu, Chiết Giang, là Tổ thứ hai tông Pháp Nhãn. Năm 905, Sư xuất gia; năm 908, thọ giới Cụ túc. Kế đến, Sư đi tham vấn 54 vị thiện tri thức, cuối cùng nối pháp Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích ở Lâm Xuyên. Sư được Ngô Việt Vương Tiền Hoằng Thục thỉnh về Hàng Châu tôn làm Quốc sư. Nhờ sự tấu trình phụ giúp thêm của Sư, nên Tiền Hoằng Thục sai sứ đến Cao Ly và Nhật Bổn thỉnh kinh sách tông Thiên Thai đem về chùa Quốc Thanh. Sau Sư đến trụ chùa Thiên Thai Bát Nhã và xây dựng mấy mươi đạo tràng. Năm 972, Sư viên tịch, thế thọ 82 tuổi, tăng lạp 64 mùa.

(4) Từ Tổ thứ 6 Pháp Hoa Trí Oai ( ? - 680) đến Tổ thứ 14 Cao Luận Thanh Tủng.   

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.

Thông tin hàng ngày