Thơ, Thở & Thiền

GN - Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cách viết, cách nói của bác sĩ (BS) Đỗ Hồng Ngọc vẫn trẻ trung, tinh tế, có pha chút hài hước, và đặc biệt là rất đằm thắm, sâu sắc. Thông điệp trong tác phẩm của ông như thể được chắt lọc từ tri thức, kinh nghiệm sống phong phú của một vị bác sĩ, sự chiêm nghiệm lời Phật dạy qua những biến cố của cuộc đời.

Ngày 23-11 vừa qua, tại Nhà sách Phương Nam Vincom (Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM), ông đã có buổi giao lưu với thân hữu, những người yêu quý cách sống, tác phẩm của ông nhân ra mắt hai tập sách mới: Thiền & sức khỏe Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (với bút danh Đỗ Nghê).

>> BS Đỗ Hồng Ngọc với hai tập sách mới

anh Bao Toan5.JPG

BS Đỗ Hồng Ngọc trong buổi giao lưu ngày 23-11 vừa qua, nhân ra mắt 2 tập sách mới - Ảnh: Yên Hà

Chuyện nghề y

BS Đỗ Hồng Ngọc (nhà thơ Đỗ Nghê) sinh 1940 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Tiến sĩ Y khoa quốc gia, tốt nghiệp y khoa Đại học Y Sài Gòn 1969. Bác sĩ chuyên khoa Nhi, Trưởng khu phòng khám - cấp cứu BV Nhi Đồng. Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM từ 1985-2005. Tu nghiệp Y tế cộng đồng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ 1993 và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp 1997. Giảng viên thỉnh giảng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM 1981-1995. Trưởng bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 1989-2013.

Buổi giao lưu mở đầu với những chia sẻ của BS.Đỗ Hồng Ngọc về nghề và viết văn, làm thơ. “Hai lĩnh vực này không có xa lạ gì với nhau, nghề y hiện nay dần dần hướng về kỹ thuật nhiều quá và khi đi vào kỹ thuật thì đi vào máy móc dao kéo nhiều hơn là tâm hồn, mà con người ta thì không thể tách thể xác khỏi tâm hồn được.

Việc đào tạo ngành y hiện nay nên là đào tạo những bác sĩ có tâm hồn, có tính nhân văn trước đã. Làm nghề y mình có một tâm hồn nhạy bén, giàu cảm xúc, thì khi tiếp xúc với người bệnh mình thấu cảm được, mình hiểu nỗi lòng của họ và cách chữa bệnh của mình sẽ hiệu quả hơn bởi vì người bệnh gắn bó với mình, họ quý mình họ mới tôn trọng những quy định của mình…”, ông tâm sự.

Chuyện thơ và tình người

Chia sẻ về tập thơ Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác, bác sĩ Ngọc nhắc về những kỷ niệm ra đời bài thơ “Thư cho bé sơ sinh”. Ông cho biết bài thơ được ra đời với cảm xúc rất tự nhiên sau ca đỡ đẻ cho một bà mẹ. Nghĩ về bốn câu thơ trong bài “Khi anh cắt rốn cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ”, một lần, nhà thơ Đỗ Trung Quân suy tưởng: “Có phải đó là nỗi cô đơn dằng dặc của thân phận con người? Con người đã mồ côi, đã lang thang vào đời sống ngay từ lúc mới lọt lòng? Nỗi cô đơn buộc con người đi tìm hạnh phúc. Nỗi cô đơn tạo thành tình yêu - ngay cả khi tình yêu đã mất, đã chia xa…”.

Một góc khác là những bài thơ về nỗi mất, những bài thơ viết riêng cho người con gái xấu số của mình vừa yêu thương, vừa tự hào, vừa xót xa, bất lực, vừa tự trách mình đã không thể hiện tình yêu thương với con đủ nhiều ngay khi còn có thể. Đó là bài thơ Tình yêu: “Trước mộ con còn ướt/ Ba nói với bè bạn ba rằng/ Từ nay hãy yêu con mình cách khác/ Đừng như ba/ Giấu kín trong lòng/ Bởi tình yêu/ Có bao giờ cho đủ/ Có đâu sợ dư thừa/ Như ba đã sai lầm bao nhiêu/ Hãy tỏ bày/ Vồ vập đi/ Âu yếm ồn ào đi/ Tình yêu/ Có bao giờ cho đủ/ Có đâu sợ dư thừa?”.

Hết sức xúc động và tri ân  khi nói về những tập sách của ông, chị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, bày tỏ: “Tôi thật sự làm mẹ từ năm 2002, nhưng từ nhỏ đến lớn ba má tôi không quen thể hiện tình cảm (âu yếm con cái) nên đến khi làm mẹ tôi cũng không biết cách thể hiện. Nhưng từ năm 2007, được đọc những bài thơ của bác, như một người bạn được nghe bác nói lại rằng “chúng ta hãy yêu thương con mình theo khía cạnh khác”. Và khi đó tôi mới học cách để hôn con lên trán, mặc dù đó là đứa con gái chúng tôi chờ đợi trong 5 năm. Và khi sinh đứa thứ hai chúng tôi mới dần học quen thể hiện yêu thương nhiều cách khác nhau đối với con. Chúng tôi được học ở bác rất nhiều từ cách chăm sóc con từ những cuốn sách khác viết cho bà mẹ sinh con đầu lòng”.

Nghịch tăng thượng duyên

Từ những biến cố, mất mát của cuộc đời, Thiền & sức khỏe bước vào đời sống của BS.Đỗ Hồng Ngọc tự nhiên như hơi thở. “Đã bao lâu ta không sống với mình/ Ta có ta mà ta quên phứt”. Những bước đi chập chững đầu tiên chạm đất, sau khi được phẫu thuật do một cơn tai biến, “tôi thấy đó là một phép lạ”, ông nói, rồi sau đó ông lấy con mắt tỉnh thức để nhìn cuộc đời…

anh Bao Toan1.JPG

Hai tập sách mới của BS Đỗ Hồng Ngọc - Ảnh: Yên Hà

 “Hơi thở của mình luôn luôn bây giờ và ở đây, người ta không bao giờ nói đến hơi thở ngày mai hay ngày hôm qua. Cái thú vị là hơi thở nó gắn với cảm xúc, trước một cảm xúc mạnh thì hơi thở nó khác, và do vậy hơi thở thể hiện tâm trạng của mình và sự thở cũng là tiếng nói của cơ thể. Thật ra, hơi thở tuyệt vời lắm, nó giúp cho mình đi vào thiền, đó là cơ sở để tôi viết cuốn Thiền & sức khỏe sử dụng phương pháp đơn giản nhất là hơi thở”.

“Tôi tưởng tôi phát hiện ra phương pháp hay lắm, ai ngờ đó là điều Đức Phật đã dạy cách đây 2.557 năm trong kinh Anapanasati (Quán niệm hơi thở). Chỉ cần quán niệm hơi thở đúng thôi thì chúng ta đã đi vào thiền, có đời sống sảng khoái. Cuốn sách được tôi viết ra dựa vào kinh nghiệm thực tập thực tế trên 10 năm của chính bản thân nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho những người có tuổi giống mình, hoặc những người đồng bệnh tương lân”, ông cho biết.

Ông chia sẻ thêm: “Hồi xưa mình học y khoa chủ yếu để chữa bệnh thôi, còn y khoa về sức khỏe mình không học. Bác sĩ chủ yếu chữa bệnh thành ra bác sĩ bị bệnh cũng nhiều lắm và bị nặng lắm - vì thế người bác sĩ nên học về sức khỏe nhiều hơn là về bệnh tật. Khi bị bệnh nặng, tôi nghiên cứu về sức khỏe và tôi nghĩ phương pháp Anapanasati rất có hiệu quả. Tôi đi bằng con đường khoa học và y học để vào thiền, dù sao tôi cũng là thầy thuốc, người làm khoa học thực nghiệm”.

Tham dự buổi giao lưu, đồng cảm với BS.Đỗ Hồng Ngọc, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh bộc bạch: “Là người đọc nhiều sách của BS.Đỗ Hồng Ngọc, tôi rất tâm đắc ý niệm chánh niệm trong hơi thở. Bản thân tôi phổi chỉ còn 1/3, vào bệnh viện phẫu thuật 8 lần. Với căn bệnh BS đã bó tay thì mình phải biết tự cứu chữa bằng cách tập thiền, và tôi bắt chước theo cách BS hướng dẫn đó là chánh niệm, lắng nghe hơi thở. Với những bài tập, những hướng dẫn của BS, tôi thấy đời rất dễ thương, rất đáng sống”.

“Người thầy thuốc chỉ có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chỉ có thể chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Do vậy mà dù y học phát triển với những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng tình trạng tâm thần tự tử, bạo lực, bất an và các bệnh do hành vi lối sống gây ra như tim mạch, tiểu đường, béo phì… cứ ngày càng phát triển. Thiền phải chăng là một lối thoát?” - BS.Đỗ Hồng Ngọc hỏi nhưng thực ra cũng là trả lời như một chắt lọc từ cả một đời suy nghiệm, học y, làm nghề, học Phật và trở thành hành giả thực tập thiền - quán niệm hơi thở mầu nhiệm của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày