Thong dong đi chùa

GN - Chùa là không gian văn hóa tâm linh thu hút nhiều người (Phật tử hoặc chưa là Phật tử) đến lễ bái, chiêm ngưỡng, tu tập, thậm chí tham quan du lịch… Phần lớn, mọi người đến chùa để tìm sự bình an, tĩnh lặng trong tâm hồn mà vòng xoáy cuộc đời vô tình cuốn đi.

a PGTT 1.jpg
Đi chùa không thị phi - Ảnh: Pixabay

Kiếp nhân sinh vốn dĩ gieo rắc nhiều phiền não cho nên nếu chưa quét rũ bớt bụi tham ái, sân giận, kiêu mạn trong tinh thần thì dầu lánh thân trong chốn tĩnh tại mà tâm vẫn ủ rũ, u sầu.

Nhiều người vì thiếu chánh niệm còn chuốc lấy lo âu khi đối diện với những chuyện trái khuấy trong chốn thiêng liêng dẫn đến thái độ kỳ thị, xa lánh Tăng - một trong ba ngôi báu ở thế gian (Phật, Pháp và Tăng) - để nương tựa tìm cầu giải thoát, giác ngộ. Đó là bởi tâm phán xét của chúng sanh không chịu đứng yên một chỗ, mà thích lăng xăng tìm lỗi ở ngoài mình.

Một chút phiền não đọng lại nơi tâm khi thấy vị sư này dành thời gian tiếp chuyện với người kia nhiều hơn. Thái độ xem thường khi thấy vị thầy nọ sao trần gian quá, thiếu oai nghi, chưa nghiêm túc thi hành giới luật... Rồi chúng ta đổ lỗi cho thời mạt pháp nhưng điều này không đúng, vì bản chất con người ngàn đời vẫn xen lẫn thật - ảo, tốt - xấu,… chứ không do thời đại nào quy định.

Tìm hiểu về lịch sử Đức Phật cách nay hơn 25 thế kỷ, chúng ta vẫn thấy trong hàng ngàn đệ tử Phật thời bấy giờ, có vị tu hành tinh tấn đắc đạo cũng có vị còn phạm lỗi hay thậm chí bất mãn với Phật, rồi những giáo phái âm mưu hủy hoại uy tín của Phật, hay Đề Bà Đạt Đa - em họ và cũng là đệ tử Phật - nhiều lần tìm cách hại Bậc Giác ngộ Chánh đẳng Chánh giác,…

Cõi Ta-bà nơi chúng ta đang sống, Phật từng thuyết, người chỉ toàn được khen hoặc chỉ đều bị chê là điều không thể có, còn người xưa bảo “nhân vô thập toàn” để nhắc nhở con người cần tu tập để hoàn thiện mình hơn, bớt đi tính con, tăng thêm tính người. Đầu năm đến chùa, tôi cũng nhận được sự chia sẻ của một vị Đại đức về chuyện xa rời của nhiều người với Tam bảo, có một câu nói của thầy làm tôi ngẫm nghĩ, đại ý: “Khi chúng ta xét nét khuyết điểm của người khác, thì cũng nên nhìn lại bản thân mình, mình đã ăn ở ra làm sao để toàn gặp những người tu hành không ra gì như vậy”.

Người hay bất bình nhìn đâu cũng dễ sinh tâm khó chịu, không như ý, chỉ có thể thay đổi tâm thức, thái độ của mình mới tìm được sự thanh thản. Đó là kinh nghiệm từ chính bản thân tôi. Điển hình như lần gần đây nhất khi tôi cùng mẹ đi thọ Bát quan trai trong tháng Giêng này. Đến giờ thọ thực, chúng tôi ngồi chung bàn với các cô Phật tử không giữ sự im lặng chánh niệm mà lại chuyện trò, dù là những việc Phật sự ở chùa. Trong tâm tôi nhóm lên một suy nghĩ, chắc sẽ không thọ Bát quan trai ở đây nữa. Nhưng sau đó, suy nghĩ này được dập tắt ngay, tôi nói với mẹ, các cô cùng là hội viên của một tổ chức thiện nguyện trong chùa cũng đã tham gia khóa tu nhiều lần chung với nhau, trong khi đây là lần đầu tiên mẹ con mình tu Bát quan trai ở chùa này, chưa có quen nhiều người, nên không có cơ hội cho mẹ con mình “nhiều chuyện” chứ chưa chắc gì mình tu tốt hơn. Khi đặt mình vào vị trí người khác, mình sẽ thấu hiểu, thông cảm và dễ yêu thương thay vì bực dọc.

Quan sát, thấy nhiều người lên chùa dâng hương nhưng số bước chân “vô ngã vô ưu” tiến vào cửa Phật lại không nhiều, vì còn bao gánh nặng bủa vây, mà số ký nặng nhất là cái tôi này. Khi nào cái trí thôi suy xét nhường chỗ cho trái tim cảm nhận thì bước chân đến chùa sẽ thong dong, an nhiên hơn. Không phải lúc nào mọi thứ cũng vuông vức, tròn trịa, nhưng ắt hẳn trong một khoảnh khắc nào đó, con đường đến chùa của chúng ta chỉ đơn giản là “đi để mà đi” thôi.

Trong chương một của “Đường xưa mây trắng”, một câu miêu tả của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về oai nghi của Phật làm tôi vô cùng ấn tượng: “Svastika có cảm tưởng là Bụt đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới”. Học cái đi vi diệu đó của Đức Phật thôi mà cả cuộc đời này, chúng ta chưa chắc đã học xong…

Diệu Tâm

____________

* Bạn đi chùa trong tâm thế nào? Bạn có thể chia sẻ niềm vui đi chùa cùng những giá trị an vui nhặt được trên đường tới chùa - đường tu của mình với Giác Ngộ. Bài viết gửi về phatgiaovatuoitre@gmail.com. Trân trọng đón chào!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày