Thống kê Tăng Ni, tự viện là cần thiết ở một thành phố năng động

GN - Ngày 3-3-2014, HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã ký thông báo về việc thống kê tự viện, Tăng Ni gởi Ban Trị sự GHPGVN 24 quận, huyện.

Căn cứ vào thông báo này, ngày 11-3-2014 vừa qua, Ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM đã có buổi họp cùng với BTS GHPGVN 24 quận, huyện nhằm phổ biến, hướng dẫn chi tiết cách điền thông tin vào 6 biểu mẫu thống kê tự viện, Tăng Ni năm 2014. 6 biểu mẫu này gồm: Mẫu kê khai tự viện, Tăng/Ni (chùa); mẫu kê khai Tăng Ni (chùa); mẫu thống kê Tăng Ni thường trú, tạm trú (Ban Trị sự quận/huyện); mẫu kê khai Tăng Ni tạm trú ngoài tự viện (Ban Trị sự quận, huyện); mẫu thống kê tự viện, Tăng Ni (Ban Trị sự quận/huyện) và mẫu kê khai tự viện - am cốc chưa hợp pháp (Ban Trị sự quận/huyện).

>> Phổ biến 6 biểu mẫu thống kê Tăng Ni, tự viện

1gioidan.jpg
Thống kê Tăng Ni, tự viện rất cần thiết ở một thành phố năng động - Ảnh: Vũ Giang

Trong 6 biểu mẫu thống kê, chỉ có hai biểu mẫu gồm nhiều chi tiết dành cho cơ sở tự viện, 4 biểu mẫu còn lại do BTS GHPGVN quận, huyện có trách nhiệm thống kê. Sau khi thống kê xong, các tự viện nộp các mẫu thống kê lại cho BTS GHPGVN quận, huyện, BTS GHPGVN quận, huyện sẽ nộp lại tại Văn phòng Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM (Việt Nam Quốc Tự, số 244, đường 3/2, P.12, Q.10, TP.HCM) chậm nhất vào ngày 30-4-2014.

Cuộc thống kê toàn diện

TP.HCM là một trong những thành phố lớn của cả nước, lượng Tăng Ni từ các tỉnh, thành đến sinh hoạt tu học đông, Tăng Ni sinh từ các tỉnh, thành đến hành đạo, học tập có thể nói là đông đảo nhất và mỗi năm mỗi tăng. Theo đó, nhiều cơ sở am thất thuộc dạng “cải gia vi tự”phát sinh cũng ngày mỗi nhiều, chỉ tính riêng ở H.Bình Chánh đã có 100 am thất không hợp pháp. Từ trước đến nay chưa có một cuộc thống kê chính thức nào.

Số liệu về Tăng Ni, tự viện theo báo cáo của Ban Tăng sự chỉ dựa vào nguồn báo cáo từ BTS GHPGVN 24 quận, huyện nên con số chưa thật chính xác và toàn diện. Bởi thực tế, BTS PG quận, huyện cũng chưa có cuộc thống kê nào. Những gì có được chỉ là ước tính dựa vào số liệu của quyển Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường TP.HCM do một nhóm tác giả thuộc Tiểu ban Văn hóa THPG trước đây thực hiện mang tính chất “bỏ túi” nhân dịp chào mừng Đại hội Phật giáo thành phố lần thứ IV vào tháng 3-1993.

Theo tư liệu thống kê từ năm 1997 do 22 Ban Đại diện PG quận, huyện cung cấp trong quyển Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường TP.HCM, tái bản năm 2002, TP.HCM có 962 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường với 5.865 Tăng Ni.

HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP cho biết, từ nhiều năm nay Ban Tăng sự khi lấy số liệu tự viện, Tăng Ni toàn thành phố dựa vào báo cáo của BTS cấp quận, huyện, tuy nhiên, con số cũng chưa chính xác. Vài lần Ban Văn hóa GHPGVN TP tổ chức thống kê nhưng vẫn chưa tới đâu.

Cuộc thống kê tự viện, Tăng Ni tại TP.HCM lần này là lần thống kê toàn diện, chính thức do BTS GHPGVN TP.HCM giao Ban Tăng sự thực hiện. Sau khi thống kê hoàn thành sẽ có những cơ sở cần hợp thức hóa. BTS GHPGVN TP, Ban Tăng sự sẽ kết hợp các cơ quan, ban, ngành hữu quan giúp đỡ, xử lý phù hợp.

Những trường hợp cá biệt

Tại buổi họp giữa Ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM và BTS GHPGVN 24 quận, huyện vào ngày 12-3 vừa qua, Ban Thường trực đã phổ biến 6 biểu mẫu thống kê tự viện, Tăng Ni. Tuy cơ sở tự viện chưa rà soát thực tế, quận, huyện chưa khảo sát, tuy nhiên đã có những trường hợp cá biệt, nhiều ý kiến của chư tôn đức đại diện BTS GHPGVN quận, huyện rất băn khoăn, không biết phải kê khai vào biểu mẫu nào, có trường hợp không biết có nên kê khai hay không, và có những lo lắng về những hệ lụy về sau.

Chẳng hạn, trường hợp ở chùa Bửu Liêm (Q.Bình Thạnh), có thầy đã bị trục xuất ra khỏi chùa đã 20 năm nhưng hộ khẩu vẫn ở chùa, nếu kê khai thì về sau này có thể sẽ có những rắc rối khác phát sinh. Hoặc như, 2 trường hợp ở quận 3, chùa Giác Đạo và Phước Quang không sinh hoạt với Phật giáo địa phương thì có nên kê khai vào tự viện của Phật giáo quận hay không. Trường hợp chùa Tam Bửu ở quận 7, chùa xin trả lại bảng chùa nhưng BTS GHPGVN quận 7 muốn giữ lại để sau này có đất thì xây dựng lấy lại bảng hiệu…

Hướng dẫn về những trường hợp đặc biệt này, HT.Thích Thiện Tánh cho biết 2 trường hợp ở Q.Bình Thạnh, Q.7 thì không cần kê khai, đối với 2 chùa ở quận 3 không sinh hoạt với Giáo hội địa phương thì vẫn khuyến khích họ kê khai; nếu nhất quyết không kê khai thì cũng để họ ký tên đồng ý không kê khai để sau này có cơ sở để giải quyết tiếp theo. Hiện nay, một số tự viện chỉ có người trông coi, quản lý, chưa chính thức được BTS GHPGVN bổ nhiệm, chưa hộ khẩu…thì BTS GHPGVN quận, huyện đứng ra khai.

Nhiều trường hợp khác khá đặc biệt ở rải rác các quận, huyện được nêu ra nhờ Ban Thường trực hướng dẫn cách kê khai cho phù hợp. Tuy nhiên, nhờ 6 mẫu thống kê thể hiện cụ thể, chi tiết, dễ hiểu nên đáp ứng được những thắc mắc chư tôn đức các BTS GHPGVN quận, huyện. Đặc biệt, lần thống kê này trong mẫu khai của tự viện khá chi tiết.

Ngoài tên cơ sở, địa chỉ, điện thoại cơ sở, số lượng Tăng/Ni, thường trú, tạm trú, giáo/giới phẩm, hệ phái gốc, người sáng lập, các đời trụ trì tiền nhiệm, quyết định bổ nhiệm trụ trì còn có số điện thoại cầm tay của trụ trì, quan hệ với Giáo hội, chức vụ của trụ trì, khuôn dấu, diện tích đất chùa, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng trùng tu, công nhận di tích lịch sử văn hóa… Nếp sinh hoạt tâm linh ở cơ sở như các ngày lễ trong năm cũng sẽ kê khai đầy đủ, rõ ràng nhằm thông báo với chính quyền địa phương.

“Khó cũng phải cố gắng!”

Trong 6 biểu mẫu được phổ biến, biểu mẫu thứ 6: Kê khai tự viện chưa hợp pháp (tức am cốc), nhiều ý kiến của chư tôn đức BTS GHPGVN 24 quận, huyện e rằng rất khó bởi vì một số am cốc sẽ không cộng tác. Tuy nhiên, cái khó không dừng ở đây, biểu mẫu số 4: Kê khai Tăng Ni tạm trú ngoài tự viện (tức nhà Phật tử, tư gia, nhà trọ…) mới thật sự là nan giải bởi phần lớn là Tăng Ni sinh từ nơi khác đến. Họ không có chỗ ở cố định lâu dài, không có đầu mối từ trước, BTS GHPGVN quận, huyện cũng không quản lý, vì thế sẽ rất khó tiếp cận, thống kê chính xác.

AA.jpg

Tăng Ni trẻ mỗi năm đến TP.HCM tu học ngày càng đông - Ảnh: Bảo Toàn

Đối với trường hợp Tăng Ni sinh trẻ thì các trường Phật học sẽ là đầu mối, do đó các ý kiến của chư tôn đức để đối tượng này cho các trường Phật học thống kê thì kết quả tốt hơn. Một đầu mối khác là đành phải nhờ thêm Phật tử tại địa phương. “Từ đó, để có cơ sở sau này chúng tôi mới có thể giúp đỡ họ vào ở trong nội viện để sinh hoạt tu học”, Hòa thượng nói. Giải pháp song song là sẽ gởi mẫu thống kê đến các trường Phật học tại TP.HCM.

Trong phần hướng dẫn ở biểu mẫu này, HT.Thích Thiện Tánh nhấn mạnh, đối tượng Tăng Ni ở ngoài tự viện chỉ ở TP.HCM là nan giải nhất, nhưng dù thống kê có khó khăn nhưng phải có gắng, chẳng lẽ khó quá rồi bỏ. Giải pháp để thống kê được là phát huy khả năng, sự nhiệt tình những người phụ trách phường, xã, ít nhất những người này phải biết những ai đang ở trên địa bàn mình phụ trách.

“Nhiều năm nay, chúng tôi thường nói con số hơn 1.000 tự viện, 4.000 Tăng Ni là con số số Tăng Ni, tự viện hiện hữu tại TP.HCM. Theo tôi, con số này không chính xác vì chỉ dựa vào thông tin quyển Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường TP.HCM do Báo Giác Ngộ phát hành. Bởi đó là kết quả cuộc khảo sát thực hiện đã qua khá nhiều năm, tình hình hiện nay có nhiều thay đổi. Lần này, BTS GHPGVN TP.HCM và Ban Tăng sự tổng thống kê lại toàn diện tự viện, Tăng Ni TP.HCM để có con số chính xác hơn. Từ những thống kê lần này, BTS GHPGVN TP.HCM cũng sẽ có cơ sở để quản lý tốt hơn, BTS GHPGVN TP.HCM sẽ kết hợp các cơ quan hữu quan, BTS GHPGVN quận, huyện tiến hành giúp các chùa, tịnh thất chưa hợp pháp trở thành hợp pháp theo quy định”. HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày