Thực tập nói xin lỗi

GN - Xin lỗi - có hai chữ thôi mà đâu có dễ nói. Vì ngượng ngùng, đôi khi không quen, nhiều khi cố chấp, lắm lúc là vì chống chế theo bản năng - luôn muốn vẫy vùng để biện minh cho bản thân mình.

Tôi nghĩ ai cũng có điều đó, ít hoặc nhiều mà thôi. Vì một lẽ, ai cũng có tham-sân-si trong mình. Do vậy, mỗi người, để hoàn thiện bản thân cần học nói cho được hai chữ xin lỗi - một cách chân thành.

sam hoi.jpg


Đối với người học Phật, mỗi ngày đều thực tập pháp sám hối vì biết rõ,
từ vô lượng kiếp đến nay mình đã gieo tạo nhiều hạt giống bất thiện - Ảnh minh họa

Nói xin lỗi không chỉ trong giao tiếp, một cách lịch thiệp trước khi nói một câu khiếm nhã không thể không nói; và không chỉ là một hành động thể hiện quyết tâm làm một việc không thể không làm như “xin lỗi, tôi cho rằng...”, hoặc “xin lỗi, cho tôi qua...”.

Nói xin lỗi là một nghệ thuật. Vì có những lúc nói xin lỗi khiến người tiếp nhận khó chịu thêm, đó là khi thái độ của ta không thật "tâm phục khẩu phục", bị ai đó ép phải nói hoặc ta tự buộc mình phải nói vì không thể không nói trong lúc này.

Lời xin lỗi thực sự có giá trị khi ta nhận ra đó là sai sót của bản thân, là sai lầm nghiêm trọng do mình không giữ được mình nên đã gây ra điều tệ hại, tổn thương cho người (về vật chất, tinh thần, hoặc cả hai). Xin lỗi khi đó là lời nói chứa đựng sự ăn năn với người bị tác động trực tiếp bởi sai lầm, thiếu sót của ta; đồng thời còn là lời xin lỗi chính mình vì sự sai lầm, thiếu sót ấy đã đánh lùi vị trí của mình xuống mấy bậc, thậm chí xuống chạm đáy, khiến ta chẳng còn được tin cậy, phá vỡ mất niềm tin trong người khác và gây sự hoài nghi cho số đông.

Xin lỗi chính mình là một việc làm nhân văn với bản thân, bởi dù gì thì những sai lầm của ta sẽ “đeo bám” mình dai dẳng nhất. Còn dư luận, có thể hôm nay, ngày mai, một tháng nữa, vài năm sau... còn nổi sóng với những gì ta đã nói, đã làm sai đó, song tới lúc cũng sẽ lắng, sẽ quên, sẽ không còn nhớ nữa bởi nhiều thứ khác mới hơn cuốn đi, lu lấp.

Vì thế, tôi nghĩ, chúng ta dù có nhân danh điều gì để quay lưng lại, trừng phạt mạnh tay một ai đó... thì cũng cần xem xét sự giày vò mà họ sẽ phải trải qua trong chuỗi ngày họ sống với sai lầm đã tạo để thương nhiều hơn là trách và để tha thứ nhiều hơn nữa, bởi biết đâu một mai ta cũng sẽ sai lầm - có khi còn nghiêm trọng hơn cái người mà ta đang chỉ trích, lên án hôm nay.

Trong đạo Phật, nhận ra lỗi lầm thì phải sám hối, tức là quay về với bản thân mình để nhận diện sự thật là mình đã làm sai, đã gieo hạt giống không tốt - để xin người thứ tha, xin lỗi mình, rồi nguyện cố gắng sửa đổi ý-khẩu-thân không gây tạo sai lầm, tổn hại bất cứ ai. Vì dù bất cứ lý do gì, khi tổn hại người khác cũng là lúc ta tổn hại chính mình - theo quy luật nhân quả (tất yếu).

Tiếp theo là nguyện, nếu sự sai lầm này có phải trả giá (quả xấu tới) thì cũng hoan hỷ nhận. Rồi nguyện tiếp, đời đời kiếp kiếp sống trong thương yêu, hiểu biết, mạnh mẽ nhận sai, sửa sai để hoàn thiện bản thân mình...

Khi có sự quyết tâm và vững chãi như vậy, cùng với phương pháp thực tập chánh niệm để hạn chế tối đa ý nghĩ - lời nói - việc làm bất thiện thì việc nói một lời xin lỗi và thực tập sám hối mới có ý nghĩa, mới đúng tinh thần sửa sai. Lời xin lỗi đó mang năng lượng từ bi với mình, xóa đi thù hận (nếu có) nơi người, kết thiện duyên với cả "oan gia" của mình trên bước đường tu học...

An Lạc

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày