1
Tự dưng nghĩ và thương dòng kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM) quá đỗi. Dòng kênh ấy gắn với người dân thành phố bao đời bỗng dưng bị trề môi, bị chê bai là hôi thối mỗi khi nhắc tới hoặc khi đi ngang qua giữa mùa nắng to, kênh cạn.
Dòng kênh kia, giả sử biết nói chắc sẽ lên tiếng than rằng: “Tôi đâu có tội tình gì, tôi tồn tại để ôm ấp Sài Gòn, mang dòng nước mát cho thành phố, nếu không có sự vô tâm của con người sống ở đây, xả xuống lòng tôi bao rác rưởi, dơ dấy thì tôi đâu đến nỗi nào?”.
Kênh Nhiêu Lộc nhìn từ trên cao, sau khi đã kè lại
Và lật lại một vế khác, nếu biết lắng nghe dòng kênh một cách sâu sắc thì người Sài Gòn sẽ nghe được tiếng nói từ dòng kênh, và sẽ có thể nhìn dòng kênh bằng một đôi mắt khác: thương yêu và cảm thông chứ không dè bĩu, chê bai kênh hôi thối.
2
Thương dòng Nhiêu Lộc là khi tôi nhận diện ra rằng dòng kênh bỗng trở thành nỗi ám ảnh của mọi người vì màu nước đen thui, vì mùi “khó ưa” toát ra từ lòng kênh. Dòng kênh đâu tội tình gì? Thương nên tôi cứ lặp lại điệp khúc ấy để tìm ra vài dòng viết từ trái tim cho Nhiêu Lộc.
Giá mà… từ lâu, người dân thành phố, sống ở dọc con kênh biết thương yêu dòng kênh, biết bảo vệ môi trường, không xả rác, và không đi vệ sinh ra dòng kênh. Giá mà… người dân ý thức được rằng dòng kênh là tài sản quý báu của Sài Gòn, là một góc lãng mạn nơi phố thị đông đúc.
Giá mà người dân ý thức được rằng mình xả rác, tuồng tất cả những xú uế, dơ bẩn ra dòng kênh thì sẽ phá huỷ môi trường sống của nhiều người, ảnh hưởng đến chính mình, con cháu của mình, làm xấu bộ mặt công cộng…
Giá mà tất cả những giá mà của tôi được người dân nghĩ tới, áp dụng một cách triệt để trong đời sống thì chắc dòng kênh cũng không đến nỗi đen thui, hôi thối như bây giờ.
Lại thấy thương dòng kênh quá đỗi. Thương cho dòng kênh rồi lại thương cho chính mình, vì mình cũng là cư dân của thành phố, nên ít nhiều cũng đã bị ảnh hưởng bởi dòng kênh đen. Ảnh hưởng nhưng không trách dòng kênh, bởi mình biết dòng kênh không có tội tình gì, nó cũng là một “nạn nhân” đáng thương của chính lối sống vô tâm với môi trường, miễn sạch chỗ mình ở là được!
Nhưng, có lẽ xa hơn là việc chúng ta chưa có một bộ luật thật nghiêm khắc trong việc quy định những nội dung điều chỉnh hành vi ứng xử với thiên nhiên, môi trường và nơi công cộng.
Vẻ đẹp Thị Nghè
Chúng ta chưa thật sự quan tâm đến môi trường cho đến một ngày những bản án thương tâm mang tên “bệnh tật hiểm nghèo” được nhận diện với nguyên nhân chủ yếu là do môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi thì mình mới than ôi, tự trách.
3
Giờ đây, sau một vài năm cố gắng, dòng Nhiêu Lộc được kè lại, có rào chắn nên cũng được “an toàn” hơn, dòng nước bớt đi những bao ni-lông, những chiếc ghế sofa, tấm nệm cũ trôi lềnh bềnh do người dân vứt xuống. Song, màu nước vẫn đen, đôi khi vẫn bắt gặp vài hình ảnh không đẹp khi người ta nhậu nhẹt quanh bờ kênh và sẵn sàng nếm lon bia hay bất cứ thứ gì xuống kênh.
Lại thương và lại lo, và muốn nói hộ tiếng nói của dòng Nhiêu Lộc thân thương nằm uốn lượn giữa lòng Sài thành rằng: kênh vẫn khát khao được xanh, trong, khát khao dòng nước được thanh lọc, không còn những mùi hôi thối nồng nặc. Điều đó cần thời gian, nhưng ý thức về điều đó cùng với việc bắt đầu làm những việc nhỏ nhỏ như là dừng ngay thói quen tuồng rác ra kênh, phóng uế xuống dòng kênh thì phải làm ngay.
Một đạo luật về bảo vệ môi trường với những chế tài nghiêm khắc cũng cần được ban hành và thực thi nghiêm chỉnh.
Nghĩ thế và nhớ về những bức hình trong phóng sự ảnh của phóng viên ảnh Hoàng Thạch Vân trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần cách đây chừng một vài năm, về dòng Nhiêu Lộc uốn quanh thành phố, trong màu xanh hoặc rực rỡ giữa ánh đèn đêm mà tin tưởng, đợi chờ…