Thương hoài mái tóc mẹ tôi

GNO - Một chiều đầu thu. Khi những cơn gió se nhẹ nhàng lướt qua khoảng trời êm êm, trầm lắng, lòng tôi lại mang mang nỗi nhớ mẹ. Nhớ dáng mẹ gầy hao, liêu xiêu trên triền đê lộng gió. Ánh mắt mẹ trầm ngâm bên bếp lửa bập bùng. Nụ cười mẹ thật hiền giữa trời quê yên ả. Nhất là vẫn hoài nhớ về mái tóc thân thương của mẹ. Mái tóc ấp iu trong tôi bao tình cảm ấm nồng…

metatbat.jpg


Đời mẹ tảo tần, quang gánh nuôi con - Ảnh minh họa

Người ta tóc này tóc khác. Mẹ quanh năm suốt tháng vẫn cứ tóc dài, búi sau đầu theo kiểu truyền thống. Những ngày rảnh rang, mẹ thường ngồi dưới hiên nhà buông tóc chải. Mái tóc dài đổ xuống. Nắng như cài lên tóc mẹ. Mẹ cứ thế chải từng lọn tóc bên tiếng gà con liếp chiếp, vài cánh bướm mỏng chập chờn quanh sân nhà, tiếng lá vườn khẽ rơi xào xạc,… Nghe nhịp đời chậm trôi. Thấy cảnh quê yên bình, thân thương quá đỗi!

Ngày ấy, khi nắng rải vàng trên mặt sân, thi thoảng mẹ lại mang túi bồ kết ra phơi. Những trái bồ kết khô giòn, cong cong, đen sẫm được mẹ cất đặt cẩn thận dùng cho cả mùa, cả năm. Tôi nhớ đã bao lần lui cui vào bếp cơi lớp than hồng nướng bồ kết cho mẹ gội đầu. Chỉ cần khoảng hai trái bồ kết nướng đen rụm, bẻ ra từng miếng nhỏ, bó trong miếng vải mềm rồi đem nhúng nước là đủ để có những giọt nước tinh dầu bồ kết vàng sánh cho mẹ gội đầu. Chiếc gáo dừa nằm vắt ngang trên miệng chum khi ấy lại háo hức vục xuống chum đưa lên từng gáo nước mát lành rải đều trên tóc mẹ. Mái tóc mẹ chảy dài mượt óng, thơm thơm đến dịu dàng.

Những ngày ấu thơ, tôi thích sà vào lòng mẹ, để được mẹ cưng nựng trong vòng tay âu yếm, để thích thú với cảm giác hơi ấm mẹ tỏa lan, và nhất là được hít hà hương tóc mẹ thoảng thơm, thấy râm ran cả một niềm hạnh phúc bình dị đến thân thuộc. Nhớ cả những đêm giá lạnh trong căn nhà ngói lụp xụp, dột nát năm nào. Chỉ cần nằm bên, được áp mặt vào mái tóc dài ấm áp, thân quen của mẹ là tôi lại thiu thiu giấc nồng trong chốc lát. Và rồi thấy vui sướng biết bao vì đời còn có mẹ!

Có lần tôi hỏi mẹ sao không cắt tóc ngắn cho tiện. Mẹ nhẹ nhàng cười, bảo: Hàm răng mái tóc là vóc con người. Tóc dài là kiểu tóc truyền thống của người nước mình. Phải giữ lấy cái truyền thống của ông bà chứ. Với lại, mẹ để tóc dài quen rồi. Giờ cắt tóc kiểu khác thấy sao sao ấy… Mẹ nói một hồi đủ cho tôi nhận ra phải biết trân quý, giữ gìn vẻ đẹp truyền thống. Hơn nữa, để thay đổi một thói quen, nếp sống không phải là điều dễ dàng.

Tôi thương mái tóc mẹ những ngày hè nắng cháy. Mẹ đội nắng trên đồng, trên đường làng rát bỏng những trưa hầm hập nắng. Đuôi tóc mẹ khi ấy như cong lên, mang theo cả màu vàng của nắng. Đôi hàng tóc mai mẹ bết mồ hôi, ướt sũng những nhọc nhằn. Những tháng năm khốn khó, sáng ra, mẹ chỉ kịp vấn tóc lên, kẹp gọn rồi cứ thế bán mặt cho đất bán lưng cho trời, khi tay liềm tay hái ngoài đồng ruộng, lúc gánh gồng bươn chải khắp nơi. Dường như mẹ chẳng còn thì giờ thảnh thơi nghĩ đến chuyện đầu tóc.

Anh em tôi vào thời tóc xanh, cũng là lúc mái tóc mẹ cỗi cằn màu sương gió. Mái tóc cỗi cằn đổi cho anh em tôi có những bữa ăn no. Mái tóc cỗi cằn  đổi lấy sách vở đùa trên lưng, đôi dép mới anh em tôi tiếp bước đến trường. Đổi lấy cả tương lai và những chân trời rộng mở anh em tôi mỗi đứa một phương. Để rồi trong những chiều thu mênh mang diệu vợi, trong những nỗi buồn xa xăm không đầu không cuối, đôi khi lòng chỉ thấy tiếc nhớ những hình ảnh đơn sơ, thân thuộc như mái tóc dài của mẹ.

Còn đâu cái ngày xửa ngày xưa níu tóc mẹ, nhoẻn miệng cười trong những tiếng bi bô. Còn đâu những lần mặt mũi nhem nhuốc, mắt cay xè mà vẫn thích thú được vào bếp nướng bồ kết giúp mẹ. Và còn đâu mái tóc mẹ dày óng, đen mượt năm nào để anh em tôi lại giành nhau hít hà, cùng rúc đầu vào trong giấc ngủ êm êm… Những kỷ niệm tuổi thơ bên làn tóc mẹ vẫn tựa hồ như tiếng còi tàu đi vào quá khứ xa xăm, bất chợt vọng về trong hiện tại những nỗi niềm bâng khuâng, thao thiết.

Mái tóc mẹ giờ đã lưa thưa, điểm xen những sợi đen sợi bạc. Vậy mà mẹ vẫn để tóc dài, vẫn búi tóc sau đầu như cái ngày xưa ấy. Để rồi mỗi lần ngắm mái tóc mẹ, lòng con lại ngùi ngùi nỗi niềm kính trọng xen lẫn yêu thương. Và để con biết trân quý những tháng ngày xưa cũ…

Thanh Ba
(Trường Đại học Quy Nhơn)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

Từ 23-7 đến 3-8, tòa soạn đã nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường, Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4 bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu, Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng, Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh Phương, Nguyện Pháp, Kim Ngân, Lê Anh Quốc, Thích nữ Nhuận Nguyện, Nguyễn Đình Thu, Thích nữ Từ Phương, Hạnh Tâm…

Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan hỷ chờ đợi.

Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày