GN - Cây có tình cảm không? Tôi nghĩ là có. Vì mỗi lần, ai đó ra đi, tôi thấy người ta thường... để tang cho cây cối trong vườn. Nếu không làm vậy thì cây sẽ héo rũ, như biểu hiện của nỗi buồn sanh ly tử biệt với người vừa nằm xuống, hay là nỗi hờn mát của cây vì không cho mình cơ hội để tiễn đưa người chủ, người thân của mình.
Cây xanh trên phố bình yên - Ảnh minh họa
Không biết cái tục để tang cho cây có từ bao giờ, ai nghĩ ra và rồi xưa bày nay bắt chước, có thiệt là cây buồn vì tang tóc đến héo rũ hay không, nhưng việc để tang cho cây thiệt sự nhân văn vô cùng. Khi ấy, người ta không chỉ nghĩ tới người mà còn nghĩ tới cây, nghĩ tới tình cảm người dành cho cây - chắc sẽ được cây cảm nhận đầy đủ mà mang ơn, nhớ ơn và để tang khi người nằm xuống.
Cây có tình cảm không không biết, nhưng người đối với cây chắc sẽ có nhiều tình cảm, nhứt là đối với cái cây mình trồng, trồng trong vườn nhà mình, mình vun xới, tưới nước, bón phân, để tâm ngắm nhìn cây lớn lên, ra hoa, cho quả.
Thi thoảng tôi hay nghe mẹ nói chuyện với những cái cây. Nói với bụi trúc, gốc nguyệt quế, hoa sử quân tử, hoa lan... rằng, mẹ cưng tụi nó lắm, nhớ sống, ra nhiều hoa lá; rồi mẹ hứa, cây nào ra hoa thì mẹ để gần tượng Mẹ Quan Âm, cúng dường Bồ-tát.
Cây không biết có nghe và hiểu được tình thương cũng như những lời tâm tình của mẹ tôi không, nhưng, tôi biết khi mẹ nói như thế là mẹ đang trải lòng với cây cỏ vườn nhà, mẹ xem cây là bạn, là chủ thể thân thương, gần gũi, có linh hồn.
Người Việt Nam mình dạy "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" chính là đạo lý "uống nước nhớ nguồn" - tri ân, báo ân. Hay "ăn cây nào, rào cây ấy", có nghĩa của sự thủy chung, trung thành, hàm ơn thì nhớ trả. Mang ơn cây cỏ, nhớ mẹ đất đã cho mình màu xanh và thực dưỡng... chính là lòng biết ơn sâu sắc mà ai làm người, học Phật đều nằm lòng, thực tập như một phương pháp nuôi lớn tình thương, trân trọng những giá trị sống quanh mình.
Vì thế, đối với người học Phật, nhìn một cái cây hiện diện cũng nhớ bài pháp về sự biết ơn cây trao cho mình bóng mát, tặng mình màu xanh để được có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Thấy trong hình hài xanh tươi của cây là thấy ở đó có một nhà máy lọc không khí để mình được thở những hơi thở nhẹ nhàng, căng tràn nhựa sống...
Do vậy, người con Phật sống xanh, bảo vệ môi trường... là một trong những hành động thiện lành, bắt đầu từ ý niệm trân quý một cái cây. Khi hay tin những cái cây bị đốn hạ, dù vì bất cứ lý do gì, hẳn ai thương cây, yêu màu xanh và thích sống gần gụi với thiên nhiên cũng đều nghẹn ngào thấy tiếc, thương cây.
Thương cây là thương một mảng xanh vừa bị mất, thương một khoảng trời không còn bóng mát; và tất nhiên sẽ càng thương hơn nếu đó là cây đã sống lâu năm, trở thành chứng nhân cho những con người, nhiều thế hệ lớn lên, già đi, trở về với đất.
Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com. |