Thưởng trà

GN - Đã cuối tháng Năm. Sài Gòn bắt đầu vào mùa mưa. Cơn mưa sáng sớm làm bầu trời dịu mát hẳn. Anh Trịnh Sâm cùng tôi tới thăm thầy Thích Đồng Văn, trụ trì chùa Viên Giác. Thầy Thích Đồng Văn là cựu học viên, đã bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Vốn tiếng Trung và cổ văn của thầy rất tốt.

IMG_6943.JPG

Ảnh: VG

Anh Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) vẫn nhớ: “Luận án thầy có phần liên hệ, so sánh thể tài biến văn Đôn Hoàng chuyên sâu và với ta là rất mới”. Thầy Thích Đồng Văn cũng nổi tiếng là người thích đọc sách và thích sưu tầm sách. Thư viện và chỗ đọc sách của thầy, nhiều giáo sư đại học không dám mơ.

Hơn chục năm rồi, hôm nay tôi mới có dịp trở lại thăm thầy. Thầy thì vẫn hỏi thăm tôi.

Chùa Viên Giác tọa lạc khiêm tốn ở cuối đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình. Chùa không lớn nhưng đẹp, vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng sâu lắng chốn chùa chiền. Tôi rất thích bể cá cảnh và những hàng cây, giò hoa cảnh ở đây. Phải có con mắt thẩm mỹ cao mới bài trí được phong cảnh thiên nhiên vừa gần Phật vừa gần đời như thế!

Thượng tọa Thích Đồng Văn tiếp chúng tôi ở phòng khách rộng. Quanh phòng là các kệ rất đẹp để tượng Phật, quà lưu niệm của các chùa trên thế giới, ấm trà, ly uống trà và các loại trà ngon, độc đáo, được chọn lựa kỳ công. Đầu tuần, Phật tử ít hơn mọi ngày, thầy có thời gian tiếp chúng tôi nhiều hơn. Lần nào tới thăm chùa, tôi cũng hỏi thầy nhiều về những bộ kinh, nguồn gốc tên gọi các chùa, ý nghĩa màu áo của Tăng Ni. Lần này cũng vậy. Vừa trò chuyện, thầy vừa mời chúng tôi thưởng trà trong khung cảnh yên ắng, thoảng hương trầm ấm và sâu, khói hương trầm màu trắng luôn bay thẳng.

Người ta bảo, sành trà nhất thiên hạ phải kể tới Tào Tuyết Cần, tác giả đại danh tác Hồng lâu mộng. Trong tác phẩm này, có tới 273 phân đoạn thấm đẫm hương trà. Như hồi 41 kể chuyện nước pha trà là nước mưa, đựng trong lọ sành, chôn dưới đất từ năm trước. Hồi 49 nhắc chuyện nước pha trà chan cơm... Truyện có tên các loại trà, dụng cụ pha trà, phong tục uống trà, trà thực, trà thơ. Có mối lương duyên kỳ lạ giữa trà với văn nhân.


Tôi chỉ biết tí chút thế nào là trà ngon. Thi thoảng cũng được bạn bè mời; khi thì trà Thái Nguyên, Mộc Châu ướp sen đặt riêng; khi là trà trên núi cao, hái lúc nắng chưa kịp lên cao, phơi, sấy rất công phu; khi thì nước pha trà là sương đọng trên lá sen giữa hồ, củi đun nước là củi nhãn, khói rất thơm... biết tí thôi, để sành trà thì còn xa lắm. Lại càng xa với cái mà Nhật Bản gọi là “Trà đạo”. Quen thuộc và ưa thích nhất của tôi mới chỉ là ngồi quán nước vỉa hè, hoặc lúc rảnh tại cơ quan cùng bạn bè uống trà với vài thanh kẹo lạc Sìu Châu Nam Định hay kẹo dồi “cu đơ” xứ Nghệ, ăn khoai lang luộc và uống nước chè xanh…

Bàn pha trà của thầy Thích Đồng Văn đẹp, sang trọng mà vẫn gần gũi. Mặt trên là gỗ nu nhiều đường vân, màu vàng mạch nha, loại gỗ rất đặc biệt trên thân các cây gỗ quý hiếm, chịu được nóng, lạnh. Dưới mặt bàn là chỗ thoát nước khi tráng trà và ly uống trà. Cầu kỳ nhưng không rậm rạp.

image0.jpeg

Tác giả với TT.Thích Đồng Văn tại chùa Viên Giác - Ảnh: VG

Thầy Thích Đồng Văn mời chúng tôi lần lượt thưởng thức 5 loại trà khác nhau: trà Lê Sơn, trà Cổ thụ, Vũ Di Nham trà, Đại hồng bào và Phổ Nhĩ lão trà. Tên trà đã gợi những tò mò về xuất xứ, cách làm, hay dược tính ưu tú của nó. Trà Lê Sơn được trồng trên núi cao Lê Sơn (Đài Loan), chỗ cao nhất cách mặt biển 2.663 mét, quanh năm mây mù bao phủ, lá trà hấp thụ nguyên khí của trời. Nó được sản xuất rất hạn chế. Trà Phổ Nhĩ như rượu vang, càng để lâu càng ngon, thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Cây trà được trồng trên núi cao, hàng chục năm mới bắt đầu thu hoạch để chế biến. Sau khi tuyển những lá trà đủ chất lượng, gốc trà vẫn được giữ nguyên để tiếp tục chăm sóc cho nhiều vụ sau; cây trà càng lâu năm sẽ càng cho ra loại trà thượng hạng.

Trà Đại hồng bào cũng chất lượng tuyệt vời, có hương thơm hoa lan lâu bền, kéo dài, hương vị ngọt ngào, giá cao hơn cả trà Phổ Nhĩ. Dân gian vẫn bảo, nhìn bề ngoài, nó như trà cho người ăn mày, nhưng hương vị luôn làm người uống tấm tắc, gật gù. Dãy Hoàng Liên Sơn nước ta còn cả rừng trà cổ thụ tương tự như Đại hồng bào, từ vài trăm năm đến cả nghìn năm tuổi, mà chưa được quan tâm khai thác. Nhà báo Hoài Hương cho tôi biết, rừng trà cổ thụ Hoàng Liên Sơn thực ra đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì đã có kinh nghiệm đau thương: khi công bố rừng trà cổ thụ ở Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang…, thì sau đó là những cuộc đổ bộ săn lùng, hái chặt, đào bứng không thương tiếc, thậm chí có kẻ thuê bứng cả cây cổ thụ mang về dinh thự của mình trồng. Rồi chuyện người Trung Quốc tìm sang mua cả cây, chặt hết gốc rễ…

Loại trà nào, thầy Thích Đồng Văn cũng cho chúng tôi thưởng thức hương của nó ngay từ trong gói. Dụng cụ lấy trà vào ấm là thanh tre đã sấy khô, họa tiết đơn giản, ấn tượng. Thầy dặn, không dùng tay lấy trà, để giữ mùi hương. Kỳ lạ thật bàn tay con người, làm được rất nhiều việc điệu nghệ, tinh tế, tinh xảo nhưng có những việc cứ động vào là hỏng, là mất hương (!). Thầy cũng mách, khi uống, đừng uống ngay, nâng ly trà ngang mặt để trà tỏa hương của nó. Mỗi loại trà, chỉ uống đến nước thứ hai. Thầy tự đun nước, tự pha, rửa trà, tráng ấm, tráng ly. Những động tác vừa cầu kỳ, vừa nhanh gọn, huyền bí, cẩn trọng và trang trọng như đang thực hiện một lễ nghi. Uống xong mỗi tuần trà, tôi thấy người như được thanh lọc, sảng khoái, tỉnh táo hơn. Đặc biệt, trà Phổ Nhĩ, hương vị thật lạ. Vị trà mằn mặn, nước sậm đỏ nhưng khi uống cả tôi và anh Sâm đều ngạc nhiên: vừa có hương trà, vừa có hương vị trong mát, ngọt ngào rất tự nhiên, thân thuộc của giọt mưa từ mái lá quê nhà.

Một chuyên gia văn hóa, văn học Phương Đông cho tôi hay, trà như thơ, có uyển chuyển, hàm súc, lại có phóng khoáng ngang tàng. Trà cũng như thư pháp, có uyển chuyển như “khuôn trăng”, có thanh mảnh, cứng cáp như “liễu cốt”, có quy củ, lại có mãnh liệt phóng khoáng. Mỗi người thích trà theo “tạng” khác nhau: vì thanh đạm, vì ngọt hậu, vì vị chát, vì nhẹ nhàng, vì hồi vị... Trà với mỗi người có duyên phận vô hình mà sâu xa.

Tôi thích bài thơ in trên gói trà thầy Thích Đồng Văn tặng chúng tôi, một bài thơ giản dị đầy triết lý sâu sắc:

Nhất hoa nhất thế giới
Nhất mộc nhất phù sanh
Nhất thảo nhất thiên đường
Nhất diệp nhất Như Lai
Nhất sa nhất Cực lạc
Nhất phương nhất Tịnh độ
Nhất tiếu nhất trần duyên
Nhất niệm nhất thanh tịnh.

(Tạm dịch:

Một bông hoa một thế giới
Một gốc cây một đời người
Một ngọn cỏ một thiên đường
Một chiếc lá một Đức Phật
Một hạt cát một cõi Cực lạc
Một phương trời một miền Tịnh độ
Một nụ cười một trần duyên
Một tâm niệm một cõi lòng thanh tịnh).

Tôi được biết, bài thơ ấy vốn của Phật nói trong kinh Hoa Nghiêm, cảnh giới cao của triết lý Phật giáo, gọi là “Vô tận pháp giới duyên khởi”.

Uống trà nơi cửa Phật thật thú vị! Xin cám ơn thầy Thích Đồng Văn đã dành cho chúng tôi một buổi sáng tuyệt vời, buổi sáng nhà sư mời nhà giáo, nhà giáo thăm nhà sư, cùng vãn cảnh chùa, kể chuyện Phật, chuyện đời và thưởng thức những tuần trà. Khi trời đất, trần gian ngột ngạt vừa tạm thời được rửa sạch trong ít giờ phút bằng những cơn mưa của vũ trụ vô thường...

Bùi Mạnh Nhị

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày