Thương về vùng bão

GNO - Tin mới nhất, cập nhật lúc chiều nay, 29-10, bão số 8 có tên Sơn Tinh đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng, trước đó thì cơn bão đã tàn phá những vùng nó đi qua, nhất là Nam Định, Hải Phòng…

bão 1.jpg

Tháp truyền hình cao nhất miền Bắc ngã quỵ - Ảnh: Việt Dũng (TTO)

Quê mình không nằm trong vùng bão nhưng cảm được nỗi đớn đau của những người vừa qua cơn bão, vì đã từng sống vùng bão nơi miền Trung trong những ngày tháng 10, tháng 11 - bão nổi liên miên. Bão qua có nghĩa là mất mát, người và các cơ sở vật chất. Con số tạm thống kê, ít nhất 3 người chết, gần 10 người mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng kèm theo đó là hình ảnh phố xá, nhà cửa tan hoang, ngay cả tháp truyền hình cao nhất miền Bắc (180m) ở Nam Định cũng khụy ngã thành một đống sắt vụn thì cái gì có thể chống chọi nổi?

Bạn quê ở Nam Định đang mưu sinh ở Sài thành nhắn tin trăn trở: “Nhà mình không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng bà con đồng hương quê mình thì tội quá…”. Nghe trong tin nhắn có tiếng thở dài thườn thượt và chắc còn có cả những giọt nước mắt thương xót quê nhà.

Bạn khác đang ở Nam Định ghi lên facebook mấy dòng, rằng: “Chưa bao giờ thấy bão kinh hoàng như thế. Lạnh cả người…”. Phải thôi, sức gió dự báo mạnh cấp 13-14, thì ai mà không khiếp sợ? Đi qua cơn bão, còn sống là may, nhưng sống mà lây lất với việc chứng kiến nhà cửa, ruộng vườn, tàu thuyền bị bão băm vằm nát bét thì cũng khổ, cũng đau.

bão 2.jpg

Phố phường ở Nam Định xơ xác sau bão Sơn Tinh - Ảnh: V.Dũng (TTO)

Thương về vùng bão có lẽ là tâm trạng chung của những ai đau đáu chốn quê nhà, của ai đó thao thức về sự bé mọn của thân phận con người trước thiên tai. Chắc cũng có người ki cốp tài sản cả đời, nhiều khi là vay mượn để làm cái nhà, nhưng rồi bão qua, chỉ chốc lát là hoang tàn. Cảnh ấy chắc được gọi tên là “sống không bằng chết”, nhưng chết rồi mà chưa trả nợ nần thì cũng không thể nguôi ngoai mà nhắm mắt. Và biết đâu lại “giết” thêm một người, một gia đình nào đó cũng ki cốp cho mình vay mượn, nên cứ phải sống. Và, còn sống là còn có thể cứu vãn mọi thứ, cái lý lẽ ấy cũng được cư dân mạng chia sẻ như một tấm lòng, một lời an ủi chân thành gửi tới đồng bào vùng bão.

Rồi chắc sẽ có những con người ở khắp nơi chung sức chung lòng hướng về vùng bão trong khả năng cũng eo hẹp của mình. Nhưng, góp gió sẽ thành bão, nhiều cây thì sẽ sớm nên non. Cái tình, cái nghĩa đồng bào, đồng loại có dịp được xốc dậy trong mỗi người khi khó khăn ập đến bất ngờ như bão đi qua.

Và câu chuyện về tinh thần “lá lành đùm lá rách” hay “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” sẽ lại được sống lại một cách vẹn nguyên trong nếp nghĩ và hành động của những con người Việt Nam vốn nhân nghĩa, giàu lòng chia sẻ… Chắc chắn, trong những tấm lòng mở ra ấy cũng sẽ có những “bóng áo nâu” đầu tàu, kêu gọi những “áo lam” tình nguyện, hoan hỷ mở lòng với bà con, kẻ ít người nhiều, bằng tâm trí, bằng tài vật mà đến với bà con, cũng là một cách “để dành” cho mình trong những lúc họa hoạn, tai ương.

Cuộc sống vốn vô thường, ai biết trước được những quả đắng, chát có thể trổ ra khi nào với mình, nên trao tặng thực ra cũng là nhận về sự an lòng vì từ đó nhận diện mình còn biết bao dung, biết dang tay ra trước nỗi mất mát quanh mình. Và hơn hết là tưới tẩm hạt giống thiện lành trước những lao chen nghẹt thở của mưu sinh khăn khó mỗi ngày…

bão 3.jpg

Bão tàn phá - Ảnh: V.Dũng (TTO)

Hãy xem những hình ảnh của bão, để lòng mình được mở ra, để mình có dự định chi tiêu chi đó, hơi sang một chút thì cũng hãy tạm dừng hoặc vén khéo, để những cái cụng ly “dzô… dzô…” bớt lại vài lần, để những thừa mứa của thức ăn giảm lại đôi chút…, biết đâu mình sẽ cứu được một ai đó qua cơn đói lạnh, mất mát đang hiển hiện rõ ràng đó, nơi vùng bão trên quê hương Việt Nam thân thương này!

Lưu Đình Long

-------------

Bài vở cộng tác trang Bạn đọc, vui lòng gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày