Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Chánh (1926-2023)

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Chánh (1926-2023)
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Chánh (1926-2023)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trưởng lão Hòa thượng đã viên mãn sự nghiệp hoằng hóa độ sanh, phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, trở về thế giới Niết-bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo nghiệp của ngài vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni, Phật tử GHPGVN và trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÁNH

- Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN;

- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai;

- Chứng minh Ban Giám hiệu trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai;

- Nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ VI,VII;

- Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai khóa VI,VII;

- Viện chủ tổ đình Quốc Ân Kim Cang, H.Vĩnh Cửu;

- Viện chủ chùa Giác Minh, TP.Biên Hòa;

- Khai sơn chùa Tỉnh Hội - Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai;

- Kiến khai Tuệ Tĩnh đường Phật giáo Đồng Nai.

I. Thân thế

Hòa thượng họ Trương, húy Đức Tài, pháp hiệu Nguyên Đức, sinh năm Bính Dần (1926) tại P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có truyền thống làm đồ gốm ở vùng đất Tân Vạn - Biên Hòa. Thân phụ là cụ ông Trương Khôn Sơn, thân mẫu là cụ bà Trịnh Thị Long đều là những Phật tử thuần thành, kính tin Tam bảo.

II. Xuất gia và tu học

Với truyền thống mộ Phật của gia đình, cộng với túc duyên sâu dày đã gieo trồng từ nhiều kiếp nên ngài đã phát nguyện quy y thọ trì tam quy ngũ giới với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa, viện chủ tổ đình Ấn Quang (Sài Gòn) vào năm 1956.

Sau khi chính thức trở thành người đệ tử Phật tại gia, ngài đã canh cánh bên lòng một lý tưởng thanh cao, hướng thượng. Nhân duyên hội đủ vào năm 1960, ngài phát nguyện xuất gia tu học với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa và được bổn sư ban cho pháp danh là Nguyên Đức, hiệu Minh Chánh, tiếp nối dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 44.

Được tùng sư với một trong những bậc danh Tăng của Phật giáo miền Nam thời đó, ngài đã được Bổn sư quan tâm dẫn dắt theo truyền thống giáo dục quy cũ của thiền gia. Vào năm 1961, ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại chùa Tuyền Lâm - Sài gòn. Sau ba năm tinh chuyên tu học, vào năm 1963 ngài được thọ Tam đàn Cụ túc tại chùa Tuyền Lâm và chính thức dự vào hàng xuất sĩ.

Với tinh thần cần mẫn tu học, vào năm 1965, ngài theo học tại Phật học viện Huệ Nghiêm và Đại học Phật giáo danh tiếng thời bấy giờ là Đại học Vạn Hạnh (1966-1970). Bên cạnh đó, ngài còn theo học với những bậc thầy có sở đắc đặc thù như: thọ học thuyết giảng với Hòa thượng Thích Trí Châu, nguyên Trưởng đoàn Giảng sư của Đoàn Như Lai Sứ giả Sài Gòn; theo học kinh Lăng già và Luật tạng với Hòa thượng Thích Trí Quang ở chùa Kim Huê - Sa Đéc (1970); thọ học kinh Viên giác với Hòa thượng Thích Huệ Hưng tại tu viện Huệ Quang - Sài Gòn (1972); thọ học thiền với Hòa thượng Thích Thanh Từ tại thiền viện Linh Quang - Vũng Tàu (1973).

III. Thời kỳ hành đạo

Hơn mười năm du phương cầu học đó đây, ngài đã tự trang bị cho mình những sở tri và sở hành cần thiết, để khi nhân duyên hội đủ, ngài đã phát nguyện trở lại chốn xưa để giáo lương dân. Chốn xưa đó vốn dĩ là ngôi từ đường của gia tộc mà ngài đã cải gia vi tự vào năm 1963, với tên gọi ban đầu là tịnh xá Giác Minh tại Tân Vạn - Biên Hòa. Đây được xem là khởi điểm đầu tiên của ngài trên bước đường vì chúng sanh mà dấn thân hoằng hóa.

Năm 1982, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai được thành lập, ngài được mời tham gia với chức vụ Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội khóa I do Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Trưởng ban và các nhiệm kỳ tiếp theo ngài tham gia với chức vụ là Phó ban Trị sự.

Vào năm 2001, sau khi trùng tu một vài hạng mục cần thiết, ngài đã đổi tên thành chùa Giác Minh và sau này chùa cũng là lớp học của Ni sinh trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai khi cơ sở chính thức chưa được xây dựng hoàn thành.

Vốn là người rất quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo tăng tài, nên ngài đã vận động đệ tử của mình và những người trong gia tộc phát tâm hiến cúng 20.000m2 để xây dựng Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai cơ sở Tăng, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa và dãy nhà đa chức năng với diện tích xây dựng là 1000m2 cho nền giáo dục Phật giáo tỉnh nhà.

Với tâm nguyện trang nghiêm ngôi Tam bảo chính là trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian. Vào năm 2004, Hòa thượng đã phát tâm trùng tu ngôi tổ đình Quốc Ân Kim Cang tại ấp Bình Lục, X.Tân Bình, H.Vĩnh Cửu do Tổ sư Nguyên Thiều khai sơn nhưng lại bị bỏ phế hơn 50 năm không người chăm sóc. Đặc biệt trong đại công trình trùng tu đó, có cả ngôi tháp của Tổ sư Nguyên Thiều và công chúa Ngọc Vạn, người đã góp phần mở mang bờ cõi về phương Nam.

Vào năm 2001, ngài xin phép Sở Y tế Đồng Nai thành lập Tuệ Tĩnh đường Phật giáo Đồng Nai, với những tiện nghi và máy móc hiện đại nhằm khám và chữa bệnh hoàn toàn miễn phí tại cơ sở chùa Đức Quang, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa.

Vào năm 2007, Hòa thượng được Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai suy cử chức vụ Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai và được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN liên tiếp hai khóa VI và VII (2007-2017).

Năm 2010, Hòa thượng được Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh cung thỉnh Chứng minh Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai.

Năm 2012, tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai, được sự tín nhiệm của Tăng Ni, Đại hội đã tiếp tục suy cử Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh khóa VII (2012-2017) và tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc đã suy tôn ngài là Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN khóa VII (2012-2017) và tái suy tôn các khóa VIII (2017-2022) và khóa IX (2022-2027).

Với vai trò là người đứng đầu của Phật giáo tỉnh nhà, năm 2012, ngài đã đứng ra kêu gọi và xây dựng trụ sở độc lập của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai lấy tên là chùa Tỉnh Hội, tọa lạc tại khu phố Nhất Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Đây được xem là cơ sở hành chánh độc lập của Phật giáo tỉnh mang tính tiên phong trên cả nước.

Trên tinh thần tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng đã cùng chư tôn đức trong Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai khai kiến nhiều Giới đàn và được cung thỉnh làm Hòa thượng đàn đầu truyền trao giới pháp cho hàng ngàn Tăng Ni giới tử như: Đại giới đàn Huệ Thành (2009), Đại giới đàn Nguyên Thiều - Siêu Bạch (2011), Đại giới đàn Minh Vật - Nhất Tri (2013); Đại giới đàn Thiện Khải (2015).

Năm 2017, tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ VIII, Hòa thượng được Đại hội suy tôn cương vị Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cho đến khi ngài về với Phật

IV. Về phương diện giáo dục và trước tác

Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, vào đạo thì được gần gũi các bậc mô phạm tùng lâm, nên khi bước chân ra hành đạo, ngài luôn quan tâm đến việc giáo dục, hoằng pháp và có những đóng góp đặc thù trong lĩnh vực này.

Trong những năm đầu đất nước vừa thống nhất, ngài đã linh động ươm mầm Phật pháp qua những lớp học mang tính gia giáo. Năm 1981, ngài khai mở khóa thiền “Tự tánh thanh tịnh thiền” dành cho các cư sĩ Phật tử tu học. Năm 1990, ngài tham gia giảng dạy cho Tăng Ni các trường hạ, Tăng Ni sinh Trường Trung cấp Phật học, Trường Cao đẳng Phật học tỉnh nhà các bộ môn như: Quy nguyên trực chỉ, Bát-nhã tâm kinh, Nhị khóa hiệp giải, Lăng-già tâm ấn, Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư…

Tuy bộn bề Phật sự, nhưng ngài vẫn dậy sớm thức khuya để phiên dịch và trước tác một số tác phẩm như:

Về phiên dịch:

- Phật Tổ tam kinh

- Kinh đồng nữ Diệu Huệ

- Phật giáo Tam tự kinh

- Duy thức Tam tự kinh

- Tỳ-ni Hương Nhũ ký

Về biên soạn:

- Cương yếu kinh Pháp hoa

- Toát yếu kinh Tâm Địa Quán

- Đại thừa tinh hoa yếu giải

- Kinh Bát-nhã giảng giải

- Giảng giải kinh Dược Sư

- Tìm hiểu lý thiền qua kinh Địa Tạng

- Tự tánh thanh tịnh thiền

- Bản đồ chấp ngã và phá ngã

- Tứ lễ: Hôn, Quan, Tang, Tế

- Kệ kinh Đại thừa tinh hoa liễu giải… và rất nhiều tác phẩm có giá trị khác.

Ngay từ đầu buổi ban sơ nhập đạo, ngài dành nhiều sự quan tâm và tìm kiếm cho mình một phương pháp hành trì. Từ nguồn cội là đệ tử của dòng Lâm tế đời thứ 44, căn cứ vào phương thức tu trì của đời sống sinh hoạt thiền gia trong hiện tại, ngài đã chọn thiền tịnh song tu và xem đó làm pháp hành chủ yếu của đời mình. Điều này có thể thấy rõ qua tác phẩm mà ngài đã biên soạn Tìm hiểu lý thiền qua kinh Địa Tạng. Đặc biệt là ngài đã xiển dương pháp tu Tự tánh thanh tịnh thiền và đã được hai chúng xuất gia cũng như tại gia tham dự đông đảo.

Tuy xuất thân từ nếp sống trung lưu, nhưng bản thân ngài sống rất mực giản đơn, thanh khiết. Tất cả mọi tài vật được kế thừa từ gia tộc hay được tứ chúng cúng dường riêng, ngài đều đem ra phụng hiến cho tha nhân, cúng dường lên Tam bảo. Hòa thượng không phô trương, sống đời sống giản dị, thanh cao, với tấm lòng hy sinh, vô ngã, vị tha trong các chức vụ của mình; với uy đức khiêm tốn của vị cao Tăng, được biểu hiện nghiêm túc trong đời sống đạo hạnh, Hòa thượng xứng đáng là bậc mô phạm trong chốn rừng thiền.

V. Khen thưởng và tuyên dương công đức

Với công đức cống hiến lớn lao của Hòa thượng cho Đạo pháp và Dân tộc qua nhiều giai đoạn, Hòa thượng vinh dự được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Giáo hội trao tặng nhiều Bằng khen cao quý như:

- Huy chương kháng chiến hạng I

- Huy chương Vì sự nghiệp đoàn kết của Ủy ban T.Ư MTTQVN

- Bằng tuyên dương công đức của T.Ư GHPGVN

- Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc”

- Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai

- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Và nhiều Bằng khen, Giấy khen người tốt việc tốt, hoàn thành công tác Dân vận, công tác Mặt trận, công tác Tôn giáo…

VI. Thời kỳ viên tịch

Theo nhịp vận hành của nhân sinh, đất trời, tự nhận thấy cỗ xe tứ đại đã yếu mòn, rệu rã nên Hòa thượng đã dốc sức nỗ lực công phu miên mật trong những năm tháng cuối đời. Hơn đâu hết, ngài ý thức rất rõ ràng thời gian nào thì thõng tay vào chợ, thời gian nào thì buông bỏ cả người lẫn trâu. Thế nên ngài rất mực thong dong dù thân tứ đại đang hư hao cùng năm tháng.

Quả đúng như lời ngài đã dạy:

“Trăng Lăng-già vằng vặc

Thuyền Bát-nhã thênh thang

Đưa đón người lữ khách

Về đến nơi Niết-bàn”.

Hòa thượng đã xả bỏ báo thân, an tường thị tịch vào lúc 9 giờ 25, ngày 16-12-2023 (nhằm 4-11-Quý Mão); trụ thế 98 tuổi, 60 hạ lạp.

Trưởng lão Hòa thượng đã viên mãn sự nghiệp hoằng hóa độ sanh, phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, trở về thế giới Niết-bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo nghiệp của ngài vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni, Phật tử GHPGVN và trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Nam-mô từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập tứ thế, khai sơn Giác Minh tự, trùng hưng Quốc Ân Kim Cang tổ đình, húy Nguyên Đức, hiệu thượng Minh hạ Chánh, Trương công Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thiền tọa hạ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO - Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày