“Tìm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ”

GNO - Đây là nội dung chương trình giao lưu nhân dịp ra mắt các bộ sách ảnh “Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa”, “Gốm Sài Gòn” (Huỳnh Ngọc Trảng và nhóm cộng sự) và “Tranh tường Khmer Nam bộ” (Huỳnh Thanh Bình) diễn ra sáng nay 1-11, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM).

hieu.jpg

Các tác giả và khách mời tại buổi giao lưu

Chương trình thu hút đông đảo độc giả và giới chuyên môn tham dự. Tại buổi giao lưu, các nhà nghiên cứu - nhóm tác giả đã giới thiệu đến độc giả về gốm Nam bộ và tranh tường Khmer Nam bộ - với những dấu tích xưa của dòng mỹ nghệ chế tác gốm Nam bộ và thị hiếu sáng tác bích họa tranh tường Khmer Nam bộ của nghệ nhân theo thời gian.

Qua đó cho thấy mỹ thuật truyền thống Nam bộ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Sự tài hoa của những nghệ nhân, những vật phẩm thủ công mỹ nghệ và hình ảnh mỹ thuật gắn bó với sinh hoạt thường ngày và trọn cuộc đời của người dân Nam bộ, được thể hiện rõ nét hơn qua các tác phẩm được giới thiệu dịp này.

hao 1.jpg

Bộ sách mới về gốm và tranh tường Khmer của nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Huỳnh Thanh Bình

Được biết, tác giả Huỳnh Thanh Bình đã dành hơn 10 năm đến hàng trăm ngôi chùa Khmer Nam bộ để sưu tầm và chắt lọc tư liệu hoàn thành cuốn sách ảnh, đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer.


Còn nhà nghiên cứu, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, cùng các cộng sự lại đặc biệt quan tâm đến văn hóa dân gian, cụ thể là gốm. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng là tác giả của nhiều ấn phẩm viết thuộc nhiều lãnh vực lịch sử văn hóa - nghệ thuật ở vùng đất phương Nam.

Theo đó, bộ sách về gốm như Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa; Gốm Sài GònGốm Lái Thiêu (đang thực hiện) được làm mới và bồi đắp nhiều bằng chứng rõ ràng hơn trước từ nguồn tài liệu bổ sung. Các nhà nghiên cứu tham gia công trình này có Nguyễn Đại Phúc, Lưu Kim Chung, Nguyễn Đức Huy; nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt, Hồ Hoàng Tuấn,…

Tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình chia sẻ: “Bố tôi, Huỳnh Ngọc Trảng đã dành nhiều năm tìm hiểu về văn hóa Khmer Nam bộ, song đối tượng chính của ông là văn học dân gian Khmer và thêm vào đó là các loại hình sân khấu. Nói chung, ông chuyên sâu về nghệ thuật biểu diễn của người Khmer. Chính vì vậy, ông khuyên tôi nên đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, đó là cái bố tôi rất thích nhưng chưa làm được. Ông là người cung cấp những hiểu biết cơ bản về lãnh vực này cho tôi. Ông bảo ông là người “chỉ điểm”, song trên thực tế ông chỉ dạy tôi nhiều điều bổ ích để... khởi nghiệp”.

Với mong muốn giữ gìn dòng chảy lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ các nhà nghiên cứu luôn cố gắng đem lại cho công chúng những thông tin xác thực và những kiến thức căn bản, trước sự mai một đã báo động và đang biến mất rất nhanh trong đời sống hiện nay. Các tập sách ảnh trên muốn chạm vào cảm xúc và lưu giữ cùng bạn đọc ký ức thời gian của di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ xưa - nhóm tác giả bày tỏ.

Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày