Tin ở hoa hồng còn là tin những người chị lúc nào cũng biết thương em, hi sinh phần sung sướng cho mình để dành cho em. Như chị của bạn tôi chẳng, chị Trang, chị Đào, những người chị mà tôi từng gặp, từng nói chuyện. Cái chất miền Tây mộc mạc, nụ cười duyên con gái và đặc biệt là những gì tôi được biết về các chị (qua bạn) rằng: chị đã thay ba mẹ lo cho em, quán xuyến gia đình. Đến bây giờ mấy chị vẫn chưa thành gia lập thất cũng bởi vì thương em!
Ảnh: Internet
Tin ở hoa hồng là tin rằng, trong trái tim người phụ nữ bao giờ cũng có lòng bao dung, nhất là với chồng, với con. Tôi từng thấy người phụ nữ chịu đựng chồng và gia đình chồng nhiều năm bởi thương con, bởi “khi say ảnh hư vậy chứ lúc bình thường ảnh thương vợ con lắm” hoặc “má chồng có khó chịu với mình chắc vì má thương con trai, biết đâu mai mốt mình làm bà gia người khác mình cũng bênh con trai mình như má…”. Đó là những lý lẽ đầy bao dung, đầy kiên nhẫn hầu giữ cho “trong ấm ngoài êm”, để “con không phải lớn lên trong thiếu hụt tình thương của ba hoặc mẹ”. Cái lý sâu xa của sự chịu đựng đôi khi là như vậy chứ không phải như ta vẫn hay nhìn nhận một cách cạn cợt rằng: như thế là bạc nhược, là cam chịu mù quáng!
Đôi khi ta sẽ không hiểu hết một con người, một hành động, một sự hi sinh bởi lòng ta không rộng mở, tâm ta không đủ lớn và bao dung để hiểu (nên ta cứ mãi trách hờn, dễ nổi giận và bức bối vì những sự hi sinh mà theo lẽ thông thường thì phải phản kháng thế này, thế nọ).
Ngày xưa, đạo lý của Nho giáo đã kèm kẹp người phụ nữ lại, buộc họ co rúm, nhưng cũng với đạo lý ấy cũng đã giúp sản sinh ra những người phụ nữ đúng chất chịu thương, chịu khó, với bản năng làm mẹ, làm vợ hoàn hảo (tàm tòng, tứ đức). Tất nhiên, tôi nói điều này không có nghĩa là biện minh hay đồng tình cho cái thói “gia trưởng” bóp chết sự tự do tối thiểu, “đàn áp” phụ nữ cả thể xác lẫn tinh thần mà phụ nữ xưa, dưới thời phong kiến phải chịu.
***
Lại nói, mình rất tin ở hoa hồng, tin ở người mẹ, với bản năng thiên phú ấy bao giờ cũng thương con. Như câu ví von rất đỗi dễ thương: “Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con”, thì người mẹ bao giờ cũng gần gũi và sống cho con. Vì tin nên dẫu có những trường hợp mẹ bạo hành con, “ăn thịt” con bằng những khí cụ dã man như bà mẹ đã từng cắt gót chân con hoặc ép con mình bán dâm để có tiền chơi bài bạc… thì tôi vẫn không bao giờ hoài nghi về hai chữ TÌNH MẸ.
Và vì tin, nên cứ mỗi lần nhắc đến phụ nữ, tôi lại nhớ về mẹ của mình, một biểu tượng (của riêng tôi) về tình thương, về tình mẫu-tử thiêng liêng và cao quý. Nhớ để hàm ân sanh thành, dưỡng dục, để biết nước mắt mình vẫn cứ mằn mặn nơi khóe môi khi thấy một phụ nữ đi làm ô-sin hoặc gánh hàng đi bán buôn nơi đầu hẻm, cuối phố để đưa con vào đại học. Vì những bà mẹ như thế giống mẹ mình...
(Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, 20-10)