Đức Phật xuất hiện trong loài người, vì Ngài nhận ra chỉ loài người có đủ điều kiện tu hành thành Phật, năm đường sinh tử còn lại không đủ điều kiện tu thành Phật; vì ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh quá khổ, nên việc nhận thức được hướng tu giải thoát rất khó. Còn chư Thiên hưởng phước quá nhiều nên tu cũng không dễ. A tu la có phước, nhưng sân hận hay đấu tranh lẫn nhau cũng không tu được. Ngũ thú tạp cư, tức chư Thiên, A tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, hay sáu đường sinh tử có đủ trong loài người. Vì vậy, Đức Phật xuất hiện trong loài người có thể độ tất cả chúng sinh cũng là ý nghĩa loài người là trung tâm điểm chịu ảnh hưởng của năm loài kia.
Trong sáu đường sinh tử, mỗi loài có hoàn cảnh khác nhau. Địa ngục quá khổ, không có một chút tự do và luôn bị chà đạp, sát hại, nặng nhất là địa ngục A tỳ nghĩa là không một phút giây nào được bình an, phải chịu hết khổ này đến khổ khác nối tiếp, gọi là vô gián. Nhìn ở góc độ như vậy, trong loài người cũng có địa ngục gọi là địa ngục trần gian, vì mang thân người nhưng bị nhốt vào ngục tối, có địa ngục chịu án nặng nhất là án tử hình, cho đến án chung thân, án khổ sai, án tù năm, mười năm, hay thấp nhất là hưởng án treo. Nhìn cảnh đày đọa trần gian này, chúng ta hình dung được địa ngục trong tâm thức của con người.
Ngạ quỷ cũng có trong loài người, không phải chỉ nghèo đói là ngạ quỷ, mà ngạ quỷ là khát vọng, ham muốn, thèm khát. Vì vậy, người giàu có cũng có thể được xếp vô loài ngạ quỷ, vì họ vẫn có khát vọng, ham muốn nhưng không thỏa mãn, nên họ vẫn khổ; còn ăn mày là quỷ không của.
Loài súc sanh cũng ở trong loài người, nhưng chúng ta cảm giác họ sống không có văn hóa và xử sự theo xã hội đen, theo giới giang hồ. Vì vậy, những người này cũng có tiền của, có thế lực, nhưng được xếp vô hàng anh em hạ đẳng không có văn hóa, không có tình người.
Cao nhất là loài người có văn minh, có văn hóa, có nhận thức tốt và biết cách thăng hoa cuộc sống gọi là có tình người. Đương nhiên trong ba đường ác, không văn minh, không có văn hóa, không có tình người và xử sự bán khai. Văn minh phát triển từ thấp lên cao, kiến thức cũng mở rộng, xây dựng thành cuộc sống văn minh. Và Đức Phật đưa ra những mô hình kiểu mẫu trong kinh Đại thừa để chúng ta xây dựng theo. Gần nhất, loài người có thể sống trong Niết bàn, nghĩa là loài người có khả năng tạo cho mình cuộc sống an lạc thật sự gọi là hữu dư y Niết bàn; điều đó cũng có nghĩa là trong loài người cũng có hàng A la hán, Bích chi Phật, Bồ tát, Như Lai. Vì vậy, quan sát trong loài người, chúng ta thấy xuất hiện bốn hàng Thánh này.
Bốn hàng Thánh xuất hiện trong loài người, có người xuất hiện làm người giàu sang, hay người nghèo, nhưng đều có chung một điểm là tâm được giải thoát, thân được tự tại. Thật vậy, các vị Thánh A la hán sống trong loài người thường có cuộc sống vượt ngoài sự chi phối của vật chất. Các Ngài không tích lũy tài sản, không có tài sản, nhưng được giải thoát và được tôn kính trong loài người. Điển hình là Phật xuất gia làm Sa môn, Ngài buông bỏ tất cả quyền lực và tài sản, nhưng Ngài là vị A la hán được kính trọng nhất. Như vậy, nhìn kỹ thấy rõ không phải vì có tiền của, có quyền thế mà người ta kính trọng, nhưng vì nhân cách con người, vì tình người tốt đẹp mới được quý trọng.
Có người được kính trọng vì họ có địa vị, có tiền của, thì điều này đôi khi không phải là tình người, nhưng là sự giả dối. Đạo Nho nói : "Tửu tự đệ huynh thiên cá hữu, cấp nạn chi thời, nhất cá vô. Nghĩa là khi ăn nhậu thì không thiếu chi bạn, nhưng khi gặp hoạn nạn thì một người bạn cũng không có.
Khi có quyền thế, người đến dựa dẫm, bắt tay, chụp hình chung; nhưng nghe họ sa cơ thất thế, hay bị tù tội thì đốt hình. Vì vậy, người xưa nói : Nhân tình tợ chỉ trương trương bạc. Nghĩa là tình đời giống như giấy trắng tờ tờ đều bạc.
Tình thân do tiền của quyền thế đem đến, thì tình này dễ dàng chấm dứt khi quyền thế mất, tai nạn tới. Thực tế chúng ta thấy nhiều người chạy theo tiền của, quyền lực, họ không có phút giây nào được bình yên, phải luôn vật lộn với cuộc sống, luôn tranh đấu để tồn tại. Những người này không có tình người, không hiểu tình người và cũng không sống được với tình người.
Trong Phật giáo, có nhiều vị Bồ tát xuất hiện trong loài người và các Ngài thường sanh vào nhà sang trọng quyền thế. Kệ Phổ Hiền hạnh nguyện có nói rằng:
Sanh ra dòng họ cùng dung sắc
Tướng tốt, trí huệ đều đầy đủ
Các ma ngoại đạo không phá được
Kham làm phước điền cho ba cõi
Mau đến cội Bồ đề thọ vương
Ngồi an hàng phục các chúng ma
Thành đạo Chánh giác nói pháp mầu
Khắp lợi tất cả loài hàm thức.
Đó là những vị Bồ tát nhân gian có tâm thương người thật sự, có tình người thật sự, dù trong tay Bồ tát không có một vật như một vị Sa môn, hoặc có nhiều tiền của như Thắng Man phu nhân thời Phật tại thế. Bồ tát hiện thân giàu có, quyền thế để cứu độ chúng sinh, nhưng các Ngài không bao giờ lệ thuộc tài sản và quyến thuộc, mà quyền thế và tài sản luôn ở trong tay Bồ tát. Trong khi người chạy theo quyền thế giống như người ở trong sa mạc lúc nào cũng khô khát, chưa có quyền thế thì phải truy cầu, chịu khổ, nhưng có rồi thì giữ nó cũng khổ và đến khi mất quyền thế thì càng khổ hơn nữa.
Người sống có tình người, nhất là Bồ tát hiện thân trong loài người, ở trong dòng họ quyền thế để giúp đỡ, tạo điều kiện sống cho người khác, khai hóa cho người. Điển hình như vua Lý Thánh Tông được coi là người sáng lập phái Thiền Thảo Đường, đương nhiên vị Tổ của tông này là người xuất gia, nhưng nếu nhìn về chiều sâu theo tinh thần Đại thừa thì thực hiện được cốt tủy của dòng Thiền này chính là nhà vua Lý Thánh Tông. Sau khi đánh Chiêm Thành, ông bắt được nhà sư người Hoa và ông đã cho vị này phụ dịch kinh với quốc sư trong triều. Vị này sửa bản Ngữ lục, nên được vua quý mến.
Nét đặc sắc của vua Lý Thánh Tông thể hiện rõ nét ở tình người. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết về sử nhà Lý đã nhận định rằng thời Lý là thời vua thuần từ nhất của nước ta. Trong mùa Đông giá rét, vua đang ngự triều thấy người ta đốt lò than cho ấm, vua đã thốt lên rằng trẫm ở trong cung điện đã ấm mà các quan còn sợ lạnh đốt lò than sưởi ấm, trong khi các tù nhân trong ngục tối, các tù binh bị bắt chưa biết có tội thực hay không, nhưng cơm không no dạ, áo không đủ che thân, thật đáng thương. Dù họ là kẻ bại trận phạm tội, nhưng nhà vua thấy họ vì tham vọng, vì phạm sai lầm mới phạm tội, nên ông vẫn thương họ. Vua ra lệnh cung cấp cơm ăn, áo mặc cho họ. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã kết luận rằng lòng thương người của vua Lý Thánh Tông không phải là tình thương giả dối của nhà chính trị, nhưng do lòng từ bi của Phật giáo đã hun đúc nên.
Lòng từ bi của đạo Phật trang bị cho con người có tình người thật sự. Kinh Phật dạy trong địa ngục đau khổ, ta phát tâm Bồ đề. Khi ra khỏi địa ngục, ta phải nhớ cái khổ đó mà phát tâm dũng mãnh hơn và nhìn thấy khổ của người khác thì cũng phát tâm Bồ đề, nghĩa là theo Phật, ta học và phát huy trí tuệ để mình không rơi vào hoàn cảnh khổ như những người khổ trên cuộc đời này và đồng thời ta tìm cách giúp đỡ người khổ để họ có thể phát huy khả năng của họ. Thiết nghĩ tất cả chúng ta đều ứng dụng được lời Phật dạy như vậy. Sống làm Sa môn như Phật có thể giúp người thăng hoa đời sống tâm linh và đạo hạnh, tức tạo được tình người, hoặc sống như vua có quyền thế và có tâm từ cũng giúp đỡ được người, chứ không nhất thiết phải giàu mới làm được.
Đức Phật dấn thân hoằng hóa độ sanh từ nơi này sang nơi khác, nhưng đặt chân đến đâu, Ngài cũng gieo rắc tình thương đến đó. Theo dấu chân Phật, tất cả mọi người như chúng ta cũng có thể làm như vậy. Chúng ta thấy tiền bên ngoài coi như giả, phước thật bên trong mới quan trọng. Nhìn người, nên cố gắng nhìn bề trong. Nhìn bề ngoài thấy họ có nhà cao cửa rộng, nhiều tài sản và có quyền thế; nhưng coi chừng những thứ này giả, bữa nay làm Giám đốc công ty, ngày mai vỡ nợ, ngày mốt đi tù, đó là cái vỏ bề ngoài để đi lừa dối người, nhưng chỉ lừa được người tham lam mờ mắt, không có trí tuệ mà thôi. Còn chúng ta sáng mắt, sáng lòng, nhìn biết công ty giả hay thật. Ngày nay, xã hội ta có nhiều người lừa dối và nhiều người bị mắc lừa vì chỉ biết nhìn bề ngoài.
Đức Phật làm Sa môn bên ngoài không có gì, nhưng trong lòng Ngài rất phong phú những điều thánh thiện. Tấm lòng bên trong mới quan trọng và tình người hiện hữu ở đây. Thật vậy, Đức Phật ban rải tình người khắp nơi, nên chúng ta thấy tình người không phải gắn với quyền thế, với tài sản. Lòng thương người, giúp đỡ, chia sẻ cho người, Phật giáo gọi là tâm từ bi. Khi có được tâm từ bi như Phật thì chúng ta nhìn cuộc đời này đẹp biết bao, nhìn ai cũng đẹp. Còn lòng nhỏ hẹp thì nhìn ra cái gì cũng xấu, ai cũng đáng ghét.
Nếu lòng chúng ta mở rộng, tất cả mọi người đều dễ thương, từ người giàu có cho đến người nghèo khổ, thậm chí cả người lừa dối cũng thấy dễ thương. Tình người chúng ta mở rộng lần mới bắt gặp điều này. Có người đến nói với tôi rằng thầy coi chừng bà đó, ông đó. Tôi nghĩ những ông bà đó thật tội nghiệp, đi chùa quy y mà người ta cũng phải coi chừng họ, coi chừng cử chỉ, lời nói của họ dám lừa dối cả ông thầy, ông Phật. Thấy họ đáng thương thì ta trao đổi với họ, xây dựng tình người cho họ, thì ít nhất, họ cũng sẽ dễ thương với mình, nghĩa là ta giúp họ xóa bỏ quá khứ xấu, để tạo hạt nhân tốt trong hiện tại.
Là Sa môn thời Phật tại thế, Ngài Ca Diếp đi khất thực, thường sống với người nghèo, thấy họ dễ thương, đáng giúp đỡ, Ngài đã truyền tình người cho họ, nên họ xử sự bằng tình người với Ngài. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ sáu, Đức Phật nhắc chúng ta rằng:
Nghèo khổ nhiều đau khổ càng nhiều
Nợ oan vay trả bao nhiêu
Dây oan buộc chặt lắm điều đắng cay
Bậc Bồ tát ra tay bố thí
Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân
Càng thương những kẻ ác nhân
Quên điều lỗi cũ, thương phần khổ đau.
Những người rơi vô cảnh khổ đang thọ quả báo, ta có thể nói và họ nghe theo, có thể giúp họ thoát khổ và trưởng thành. "Bần khổ đa oán", vì quá nghèo dễ tạo sai lầm, nên bị chà đạp, khinh chê khiến họ dễ sân hận, gây gỗ. Vì vậy, người nghèo đói, bệnh hoạn, ngu dốt đông thì xã hội này đáng sợ, nhưng ta có duyên vào đó là ta có điều kiện xây dựng họ trở thành người tốt. Người không ai quan tâm, nhưng chúng ta thật sự quan tâm, giúp đỡ, chắc chắn họ sẽ có thiện cảm với ta, quý mến ta và sửa đổi theo ta.
Đức Phật khi chưa thành đạo cũng đã giáo hóa anh chăn bò rất nghèo khổ và sau này, Ngài đã cho anh xuất gia và anh cũng đắc quả A la hán. Đức Phật cũng giáo hóa cô gái chăn bò, dành tình thương đặc biệt cho cô bé này. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Phật đã ngã gục khi tu khổ hạnh quá mức và có cô gái đã dâng bát sữa; Phật uống sữa, Ngài đã tỉnh lại, ngồi ở cội Bồ đề và thành đạo. Điều này không phải tự nhiên có, vì khi Phật đi lang thang làm Sa môn, Ngài đã xây dựng cho họ trở thành người tốt, vì thế dù họ nghèo nhưng tâm họ được an lạc, họ không truy cầu vô lý, không lừa đảo, không dối trá.
Đức Phật xây dựng lòng Ngài phong phú, giàu có, cao thượng thì cuộc đời này hoàn toàn tốt đẹp đối với Ngài. Vì thế, Phật xây dựng được tình người sống với nhau tốt đẹp thì vua chúa cũng phải theo Ngài. Vua Tần Bà Sa La kính trọng Phật tuyệt đối, thì còn ai làm gì được Phật và nhất là khi Phật hoàn toàn thánh thiện, Ngài không làm điều gì để ích lợi riêng cho Ngài, tất nhiên vua chúa phải kính nể Phật. Chỉ bằng tình người bao la đó, Phật đến với tất cả mọi người, làm cho mọi người được an lạc.
Quý vị thử tiếp cận được với người có tình người sẽ nhận ra ý này. Riêng tôi nhận ra điều này dễ dàng. Người thương và giúp đỡ mình thật sự thì gần họ, mình cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng một cách tự nhiên, dù họ nghèo hay giàu. Nhưng người có ý lợi dụng mình, hoặc xem thường mình, thì tiếp cận họ, dù họ có nói lời ngọt ngào, mình cũng có cảm giác đáng sợ; vì đó là cái bẫy giăng lên, dù cho mình thức ăn, cũng sợ có độc. Họ không có tình người là như vậy.
Quý vị là Phật tử phải xây dựng tình người chân thật. Nếu quý vị có được lòng thương người như vua Lý Thánh Tông được mọi người kính trọng, cuộc đời này sẽ trở nên rất đẹp đối với chúng ta dù chúng ta vô sản hay giàu có. Ngược lại, nếu cố tạo quyền thế, tài sản nhưng tâm bất an thì chẳng ai dám gần mình. Một ngày nào, tài sản và quyền thế mất, đau khổ cùng tột sẽ đến với ta và địa ngục trần gian đã hiện hình để dẫn ta đi vào địa ngục vô hình sau khi bỏ thân xác này.