“Tình yêu đến em không mong đợi gì...”

“Tình yêu đến em không mong đợi gì...”

GN - Nhạc mới bây giờ có bài Hát với dòng sông đã từng được ca sĩ Mỹ Tâm trình bày rất hay. Nhưng trong ca từ của bài hát này có hai câu khiến người thưởng thức tranh luận rất nhiều. Thực tình, tôi cho đó là hai câu tuyệt vời nhất nói lên được thái độ sống tích cực của con người. Chỉ mong âm nhạc có được điều hướng như thế để lớp trẻ thoát khỏi sự não tình, bế tắc…

“Tình yêu đến em không mong đợi gì. Tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Chính hai câu này đã gây “sóng gió”. Nhiều người nhìn theo hướng… khó chịu, cho rằng nhân vật trong bài hát không biết trân trọng tình yêu, thậm chí là… khùng. Tình yêu, theo họ là thứ quý giá, mà thông thường thì ai cũng chờ đợi, cầu mong, đi tìm, thu hút, tấn công, chiếm đoạt… Tình yêu có được theo từng cấp độ như thế, theo từng bản chất riêng của mỗi người như thế. Nhưng cũng đâu có dễ tìm được! Nếu dễ tìm thì trên đời này không có người “ế”, không có người cô đơn, hoặc yêu đơn phương… Quả thật tình yêu khó tìm!

Và đến khi tìm được rồi, giữ được tình yêu cũng không dễ chút nào. Có khi vài tháng, vài năm, thậm chí vài chục năm, mà tình yêu vẫn có thể chắp cánh bay đi. Người trong cuộc lại ngẩn ngơ, bàng hoàng, khổ đau, vật vã, hờn tủi, uất hận, cuồng loạn, quyên sinh, trả thù, gây án… Cũng lại nhiều cấp độ tiêu cực khi người ta đánh mất tình yêu, tùy theo bản chất riêng của mỗi người. Tình yêu là trái ngọt bao nhiêu khi còn trong giai đoạn bên nhau, thì khi mất nhau nó trở thành trái đắng với tỷ lệ thuận bấy nhiêu. Thế là cuộc sống như xáo trộn, nháo nhào lên, nào ai giữ được an ổn trong lòng!

Ấy vậy mà nhân vật trong bài hát lại nói “Tình yêu đến em không mong đợi gì. Tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Câu thứ nhất, nghe như cô ấy không hề trân trọng thứ mà cuộc đời đem đến cho mình. Thật ra, có một tầng nghĩa sâu sắc hơn ẩn phía sau câu chữ lồ lộ ấy. “Không mong đợi” ở đây chính là thái độ bình tĩnh của cô ấy, không nhộn nhạo, truy tìm, hoặc ép buộc đối tượng phải đem tình yêu đến cho mình. Cô ấy để cuộc đời vận hành theo đúng quy luật của nó. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì cô ấy “tùy duyên”. Trong đời này mọi thứ đều phải có “duyên” với nhau thì mới gặp nhau, cùng làm việc, cùng chung sống, cùng tương tác. Không duyên, thì dù cưỡng cầu cũng khó gặp. Tất nhiên, nói như thế không phải khuyên chúng ta thụ động. Trong mọi thứ, hãy nên tích cực, rồi sau đó thành bại tùy duyên. Ta nhìn tình yêu cũng như thế, hãy để nó đến một cách tự nhiên. Trái tim không cưỡng cầu được đâu. Và chính thứ tình tự nhiên, thoải mái, chân chính như thế mới là thứ tình dễ chịu.

Rồi khi trái tim vỗ cánh… “Tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Không hối tiếc bởi trong lúc yêu, cô ấy đã sống trọn vẹn, tử tế, chẳng hề thẹn với lòng. Không hối tiếc, cũng có nghĩa “tùy duyên”, hết duyên thì thôi, níu kéo làm gì. Đã tích cực sống và yêu, mà vẫn không giữ được trái tim của nhau, thì thôi buông tay thả cho nó bay đi. Thả một cách nhẹ nhàng, không sân si, không hờn oán. Hóa ra người ta hơn nhau ở một chữ Buông. Nắm thì dễ, buông khó lắm. Mà không chỉ buông trong tình yêu, còn biết buông trong danh lợi, trong địa vị, chức tước, trong tiếng khen chê, bình phẩm… Khó vô cùng!

Cô ấy biết buông, trước hết là tự cứu mình khỏi rơi xuống vực sâu của đau khổ. Tích cực quá chứ. Và thực tế là cô ấy đã vịn vào tiếng hát để đứng lên. “Và tiếng hát đã làm vơi đi nỗi nhớ. Em đã hát để xoa dịu nỗi đau trong từng đêm vắng… Ngày xa xưa em hát với dòng sông. Và giờ đây em hát giữa dòng đời”. Tiếng hát là một ước lệ cho sự lạc quan của nhân vật. Người ta muốn vượt qua đau khổ thì cần vịn vào một cái gì đó trong đời, với một tâm thế trưởng thành hơn. Cô gái ngày xưa chỉ biết tình yêu và dòng sông nhỏ bé, giờ đã biết đến một dòng đời khắc nghiệt hơn, nhưng lớn lao hơn, và cô ấy đã mạnh mẽ vượt qua. Không để sự thất tình dìm chết mình. Không để sự thất bại trong đời dìm chết mình. Đó là điều mà cuộc sống rất cần ở lớp trẻ.

Hãy yêu say đắm, hết lòng. Nhưng cũng nên biết nắm và biết buông khi cần thiết. Tự chữa trị vết thương bằng tiếng hát. Hát cho những thứ khác có khi đẹp đẽ không kém tình yêu. Chẳng hạn, tình mẹ, tình cha, tình bạn, tình thầy trò, tình thiên nhiên, tình đồng bào, quốc gia, dân tộc… thậm chí một cành hoa, ngọn cỏ, một câu thơ, một áng văn hay, một bức tranh, một nét chữ… Dòng sông đời sẽ đưa bạn đến nhiều bến bờ lung linh, chứ không chỉ riêng có tình yêu! 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày