Tổ Bảo Ân - bậc danh tăng An Nam tông tại Thái Lan

GNO - Nói đến ‘cao/danh Tăng’ Việt Nam, mọi người liền nghĩ đến những bậc tu hành phạm hạnh, có chí nguyện xuất chúng trong việc hộ quốc, hộ đạo, có công đức lớn đối với đạo pháp và dân tộc Việt Nam, đặc biệt những vị đã sinh sống và hành đạo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có một vấn đề chúng tôi luôn ưu tư, nếu những bậc hành giả có chí hướng ‘trời phương ngoại’[1], đem Phật pháp truyền sang các nước khác, có công đức to lớn không những tại xứ sở các ngài hành đạo mà còn đối với Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam, quý ngài có được tôn xưng là danh/cao tăng Việt Nam hay không?

HT Bảo Ân 6.jpg

Tôn tượng HT.Bảo Ân tại chủa Cảnh Phước

Khi nói về An Nam tông, chúng ta không thể không nhắc đến các thế hệ Tổ sư người Việt có sự đóng góp to lớn cho Phật giáo Thái và nước nhà Việt Nam như Sơ tổ Lâm Tế: Nguyên Bảo - Chánh Tạng, Sơ tổ Tào Động: Tân Thành - Tánh Huyền và các thế hệ tổ sư tiếp nối như HT.Thông Huệ-Chân Hưng (người dạy Phật giáo Đại thừa cho vua Mongkut, Rama IV của Thái - Sơ tổ của phái Thammayuttika-nikāya); HT.Phổ Liên - người có công trong việc đóng góp những nghiên cứu về lịch sử của phái An Nam; Hòa thượng Tăng trưởng Bình Lương (Sư cụ Ba - người con của đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, Bậc Trưởng tông của Annamnikai một thời, người từng cưu mang Bác Hồ tại chùa Từ Tế khi Người sang hoạt động tại Thái giai đoạn 1928-29).

Ngoài ra còn có các Hòa thượng, Đại đức khác như HT.Bản Mặc-Viên Mãn, HT.Bích Vân (Võ Văn Hạnh - Huế), Đại đức Pháp Thiền (Võ Văn Khước, Huế)...  nhưng nổi bật hơn cả là Tổ Bảo Ân người Kiên Giang.

Trong giới hạn bài nghiên cứu này, chúng tôi chỉ trình bày về nhân cách và hành trạng của bậc ‘Danh tăng An Nam tông’ tại Thái Lan vốn ít được biết đến tại Việt Nam nói chung và Phật giáo nước nhà nói riêng. Bài viết xin dùng từ ‘Tổ Bảo Ân’ thay cho các tôn hiệu khác vì người Thái Lan và tu sĩ An Nam tông vốn đã quen gọi như thế.

Tiểu sử:

Do sự cách biệt về địa lí và hoàn cảnh lịch sử, nên chưa có bài nghiên cứu thực thụ nào về Tổ Bảo Ân - vị danh sư của dòng thiền An Nam tông Thái, ngoại trừ một bài phụ lục lược khảo (chỉ vỏn vẹn một trang A.4) về ngài của tác giả Thanh Vân[2] nhưng lại bị gán cho là tiểu sử của HT.Phổ Sái - một trong hai nhục thân (với HT.Hổ Phách) còn lưu lại của Phật giáo An Nam tông. Tại Thái Lan, người Thái cũng chỉ biết Tổ Bảo Ân là người Việt chứ không rõ ngài đến từ tỉnh/thành nào ở Việt Nam.

Theo tác giả Thanh Vân, ‘Hòa thượng Báo Ân tên thật là Nguyễn Văn Báo, sinh năm Đinh Mùi 1906[3] tại xã Vĩnh Thanh Vân, [tổng Kiên Hảo], huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)’. Hòa Thượng là bậc đồng chơn xuất gia, thọ giới Sa-di năm 1921 tại chùa Sắc tứ Tam Bảo và được thầy bổn sư - người đồng hương, đạo hiệu Hồng Nguyện - Trí Thiền[4] đặt pháp danh là Nhật Đáp tự Bảo Ân. Trong thời gian này, ngoài lúc theo thầy học đạo, Tổ còn tham gia lớp học Phật pháp do HT.Khánh Hòa tổ chức. Bốn năm sau, khi vừa tròn 20 tuổi tức năm 1925, ngài thọ giới Tỳ-kheo tại Trường Hương chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh do HT.Khánh Hòa làm Pháp sư.

Tuy nhiên, bài vị tại Điện Tổ sư Bảo Ân tại chùa Cảnh Phước (Bangkok) lại ghi: ‘Từ Lâm Tế Chánh tông, Tứ Thập nhứt thế, thọ Tỷ-kheo giới, đệ tử pháp danh, thượng Nhật hạ Đáp, tự Bảo Ân lão giác linh’ = [Kính lễ] lão giác linh, thuộc dòng Chánh tông Lâm Tế [Đạo Bổn[5]], đời thứ 41, thọ Tỳ-kheo giới, pháp danh Nhật Đáp, tự Bảo Ân. Hơn nữa, bản Hán chép tay dùng vào dịp cúng Tổ, do HT.Tịnh Liên đương kim trụ trì chùa Cảnh Phước (Bangkok) cung cấp, lược ghi về Tổ Bảo Ân: ‘Sanh Đinh Mùi niên, nhị nguyệt, chấp nhị nhựt, cát thời. Chung, Giáp Thìn niên, chánh nguyệt, chấp nhứt nhựt, Mão thời. Hưởng dương ngũ thập bát tuế’ = Ngài sinh ngày 22 tháng 2 năm Đinh Mùi [ngày 4 tháng 4 năm [1906], 1907], viên tịch giờ Mão (từ 3-5 giờ) ngày 21 tháng Giêng, năm Giáp Thìn [ngày 4 tháng 3 năm 1964], hưởng dương 58 tuổi.

HT Bảo Ân 1.jpg

Chân dung HT.Bảo Ân

Theo lời kể của HT.Tịnh Liên, Tổ Bảo Ân cũng để lại nhục thân (di thân), sau hơn tuần lễ mà thân thể vẫn hồng hào, thơm tho, nhưng thể theo di nguyện của Tổ là được chôn cất, nên chùa đã cho ‘nhập tháp’ nhục thân Tổ bên dưới Điện tưởng niệm ngài, tại chùa Cảnh Phước.

Ở đây có vài sai biệt, căn cứ vào bản viết tay tại chùa Cảnh Phước, Tổ Bảo Ân ‘hưởng dương 58 tuổi’ như vậy nếu tính theo dương lịch 1964 - 1906 là 58 tuổi, đúng theo cách tính dương lịch của người Thái. Nhưng nếu tính theo tuổi Việt thì phải thêm 1 tuổi âm nữa thành ra 59 tuổi. Ngoài ra, theo tác giả Thanh Vân (sđd), năm sinh của Tổ Bảo Ân là Đinh Mùi 1906, nhưng khi tra niên biểu lịch âm dương thì năm Đinh Mùi thuộc 1907, còn năm 1906 thuộc năm Bính Ngọ.

Một sai biệt khác, theo tác giả Thanh Vân, pháp danh của ngài là Báo Ân nhưng chúng tôi vừa tìm được một bản ‘Kiết/tòng Hạ’ của Tổ[6] và những ghi chép còn lại tại chùa Cảnh Phước như đã nêu trên, pháp danh Bảo Ân có vẻ chính xác hơn. Cuối cùng về năm thọ giới, nếu năm 1926 (Bính Dần) mới thọ giới, thì năm 1925 sao ngài lại qua Thái được. Sai lầm này có thể là do cách tính lịch âm lịch của Thái và Việt đôi khi sai lệch nhau một năm vậy. 

Hàng năm vào ngày mùng 3, mùng 4 tháng 3 Tây lịch[7], tại chùa Cảnh Phước, Bangkok - nơi thờ Tổ Bảo Ân - sẽ tổ chức lễ húy kỵ Tổ sư. Đây là lễ lớn và quan trọng đối với An Nam tông nhằm kỷ niệm một vị tiền bối hữu công của tông phái với sự tham dự của đông đảo tu sĩ, Phật tử An Nam tông Thái Lan, một vài học Tăng Việt Nam và thỉnh thoảng cũng có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thái.

Hành trạng tại Thái Lan

Sau thời gian tu học với thầy Bổn sư - HT.Trí Thiền tại chùa Sắc tứ Tam Bảo và thọ giáo tại Tăng học đường do Tổ Khánh Hòa tổ chức, cuối năm Ất Sửu (1925), Tổ Bảo Ân theo thầy qua Thái Lan để hành đạo. Đây là bước ngoặt quan trọng trên đường hoằng hóa của ngài nơi đất khách quê người - miền đất của nền Phật giáo Nam truyền Siam đã có lịch sử trên 2.000 năm. Chúng ta có thể khảo cứu hành trạng của ngài qua những nét chính: hộ quốc, trước tác, nghi lễ và mỹ thuật.

Hộ quốc:

Thời gian đầu, với hành trạng hộ quốc an dân, Tổ Bảo Ân đã vân du khắp vùng đồi núi Đông Bắc Thái Lan - nơi có nhiều đồng hương Việt Nam sinh sống. Do địa hình hiểm trở khó đi lại, nên ngài nhiều lúc phải dùng đến ngựa, hình ảnh còn lưu lại tại chùa Cảnh Phước là một minh chứng.

Đến Bangkok, ngài lưu trụ tại chùa Hội Khánh[8] (會慶寺, วัดมงคลสมาคม, Wat Mongkol Samakhom) và sau này về trụ trì ‘Sắc tứ Trấn Quốc Cảnh Phước tự’ (景福寺, วัดสมณานัมบริหาร, Wat Samananam Boriharn, tên Thái do Vua ban) tại số 416, đường Luk-luang, phường Mahanak, quận Dusit, thủ đô Bangkok, mail box 10300[9]. Tại Thái, ngài là đầu mối thông tin hoạt động ngoài nước Việt để cung cấp tài liệu, hỗ trợ kinh phí cho phong trào đấu tranh cứu nước và chống thực dân Pháp tại quê nhà.

Một phần hạn chế về tư liệu, vả lại Phật giáo Thái Lan là nền Phật giáo Nam truyền nên việc một vị sư tham gia vào hoạt động chính trị là cấm kỵ, không được tán dương và tôn trọng, cho nên chúng tôi chỉ xin trích dẫn đôi nét về vấn đề này. ‘Qua lời kể của bác Lê Văn Một và Trần Văn Giàu - những người tiên phong trên con đường xuyên Tây vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về miền Nam - Việt Nam qua đường bộ và đường biển của những ngày đầu Nam bộ kháng chiến - rằng: ‘Một vài ngôi chùa Việt ở Thái là nơi tập kết [vũ khí] sau khi thu mua được và chính thầy Bảo Ân là người đã “ngồi trên xe chở vũ khí đi cùng xuống tận bến cảng để đảm bảo xe vận chuyển không bị lục soát” trong chuyến chở 10 tấn vũ khí đầu tiên về Việt Nam và cập cảng Vàm Ông Trang vào ngày 11-7-1946’[10].

Ngoài các sự kiện trên, Tổ Bảo Ân cũng từng tiếp kiến ông Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng) tại chùa Cảnh Phước hay ‘sự việc sư Thiện Ân tại chùa Tam Bảo, Kiên Giang’ làm cho cảnh sát Thái và mật thám Pháp tới chùa Cảnh Phước, Bangkok nơi ngài trụ trì, phỏng vấn, tra xét khắp chùa từ chánh điện đến hậu liêu xem có tàng trữ vũ khí, đạn dược hay các phương tiện giúp đỡ chiến tranh cho Việt Nam không. 

Trước tác:

Với hạnh nguyện của bậc hành giả hóa đạo ở nước ngoài, bước đầu tiên để hòa nhập với Tăng đoàn tại Thái Lan là vấn đề ngôn ngữ, phương thức hành đạo và đời sống tu sĩ. Theo ghi chú tại chùa Cảnh Phước và kết quả phỏng vấn HT.Diệu Giác Tịnh Liên - vị học trò từng thọ giáo với Tổ Bảo Ân - thì ngài rất giỏi chữ Hán cổ và tiếng Thái. Cụ thể, ngoài các thủ bút rất đẹp còn lưu lại tại chùa, Tổ Bảo Ân còn trước tác ‘trên dưới 10 đầu sách ngắn’ chủ yếu là giáo lý giảng dạy cho Phật tử tại gia người Thái, viết bằng tiếng Thái.

Nghi lễ:

Về nghi lễ, An Nam tông chỉ có nhị thời khóa tụng gồm công phu sáng (từ 8-9 giờ sáng)[11], công phu chiều (4-5 giờ chiều) và nghi thức thù ân sám hối vào ngày Rằm và 29/30 mỗi tháng. Kinh điển chỉ gói gọn vào các kinh: Di Đà, Hồng danh, Mông sơn, Phổ môn, Chú Lăng Nghiêm. Nghi chẩn tế dùng bản khoa ‘Mông sơn thí thực du già đại tập’[12], nghi Công Téch [tiếng Tiều Châu và Hán Việt là Công Đức] và Chiêm Tinh Bái Đẩu [cúng sao hạn] - hai nghi sau chỉ có ở Thái Lan và không thấy truyền tại Việt Nam, đặc biệt trong nghi Công Téch, có phần nghi Quá Kiều (qua cầu Nại Hà) từng xuất hiện vào thế kỷ 17 nhưng nay chỉ còn trong văn học của Nguyễn Du: ‘Cầu Nại Hà kẻ trước người sau/ Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau/ Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ’.

Ngoài ra, các nguyên mẫu của loại tranh Thập Vật vốn rất cổ và từng xuất hiện tại Việt Nam trước cả tranh Đông Hồ vẫn được tìm thấy tại các buổi lễ của An Nam tông ví dụ hình mẫu một vị cầm bảo cái trong bức tranh ‘Bảo Liên’ vẫn còn được tái hiện trong nghi thức Đề Phan, Công Téch. 

Giới Điệp of HT.jpg

Giới điệp của HT.Bảo Ân

Tìm hiểu nghĩa lý của các bài kinh tụng không quá khó vì đã có ít nhiều truyền bản hay trong kinh tạng nên chúng ta có thể tra cứu được, song vấn đề âm nhạc, kỹ thuật tán tụng thì lại khá phức tạp. Nghi thức tán tụng của An Nam tông, không phải lá tán rơi, xắp, trạo của Huế, hay tán Phú yên, Bình Định, miền Tây… mà là một bản ‘phối âm giao thoa giữa Việt - Thái - Hoa’. Do vậy, để thực hành nghi lễ An Nam tông, các Tổ sư Việt đều phải học lại từ đầu. Tuy nhiên, theo các vị Đại lão Hòa thượng của An Nam tông thì Tổ Bảo Ân là vị Thầy Cả[13] rất giỏi. Ngài không chỉ thông lầu hết thảy các nghi lễ tán tụng mà còn là người có công rất lớn trong việc sáng tạo ra các nghi thức, điệu tán, bài tụng kết hợp giao thoa giữa 3 nền âm nhạc Việt - Thái - Hoa thống nhất tạo nên một cách thức tán tụng rất hay với nhạc cụ gồm trống, linh, sáo, khánh, đẩu, đàn cò, đàn organ, đàn kìm, chuông, mõ… gắn micro, trong cùng một buổi lễ. Việc kết hợp các loại nhạc cụ nói trên là điểm nhấn đặc biệt của nghi lễ tán tụng của An Nam tông - mà Tổ Bảo Ân là một trong những người có công sáng tạo và truyền thừa. Chính vì sự kết hợp đa âm sắc và đa văn hóa này mà An Nam tông luôn có mặt trong hầu hết các nghi lễ của Hoàng gia Thái.

Tính vùng miền là một đặc trưng khác trong nghi lễ An Nam tông. Vì là người miền Tây nên âm điệu tán tụng của người miền Tây thể hiện rõ nét trong lối nhã chữ, ví dụ: Nam mô Đại Trí Dăng Thù Sư Lợi Bồ-tát, Nam mô Địa Tạng Dương Bồ-tát… Tất cả V đều được thay bằng chữ D. Theo ĐĐ.Thích Thiện Tài - một du học Tăng người miền Tây, cho rằng các điệu tán: Tự Quy y, hay Bồ-đề diệu pháp biến trang nghiêm đều mang phong cách tán miền Tây và có dấu ấn của Tổ Bảo Ân trong đó. Do những đóng góp của Tổ đối với Phật giáo Thái Lan mà vua Rama IX, Bhumibol Adulyadej của triều đại Chakris (Chất Trì) đã sắc phong Tổ thụy hiệu là ‘Ông-sổ-ra-phan-má-thụ-rốt-Bảo Ân (องสรภาณมธุรส (เบ๋าเอิง))' - nghĩa là Bậc Thầy Cả có biệt tài nghi lễ, tán tụng. Chỉ xét điều kiện này thôi, theo 10 khoa[14] của Cao tăng truyện của Tuệ Cảo và Tục cao tăng truyện của Đạo Tuyên để phong cao/danh tăng thì Tổ Bảo Ân đã là danh tăng (Đọc Tụng (khoa số 8)) rồi.

Mỹ thuật:

Trong thời gian lưu trú giáo hóa tại Thái Lan, ngoài việc trước tác trên dưới mười đầu sách, hướng dẫn nghi lễ, dấu ấn của Tổ Bảo Ân còn được lưu lại qua các công trình văn hóa, thờ phụng đóng góp cho Phật giáo Thái Lan. Trước hết là vấn đề đúc mẫu tượng bác sĩ Kỳ Bà (Pāli: Jīvaka) mà người Thái gọi là Mỏ Chi Vốk [Mỏ= Bác sĩ, Chi Vốk = Jīvaka] hay Luẩng Pù Chi Vốk - vị bác sĩ cùng thời và thân cận của Đức Thế Tôn.

Duyên khởi tạo tượng bắt nguồn từ sự khác biệt giữa truyền thống tôn thờ của Phật giáo Nam và Bắc truyền. Trong khi Phật giáo Bắc truyền có hình tượng Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang - vị Phật Bác Sĩ - thì đối với Phật giáo Nam truyền tại Thái Lan lại không. Để lắp vào khoảng trống này, Tổ Bảo Ân đã tạo ra mẫu tượng Bác sĩ Kỳ Bà - được tôn thờ như là thần y, Tổ dược của người Thái để họ lễ bái cầu nguyện các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Việc tạo nên hình mẫu pho tượng rất đẹp và mang nhiều điểm linh dị. Theo HT.Tịnh Liên, để tạo ra mẫu tượng Bác sĩ này, Tổ đã cung thỉnh các Trưởng lão, Tăng chúng và mời các họa sĩ tạo hình về chùa Cảnh Phước, sau đó dùng mật pháp để ‘giao tiếp’ với bác sĩ Kỳ Bà và thỉnh mời vị bác sĩ có tuổi đời hơn 2.000 năm này hiện về trên ngón tay cái của Tổ để các họa sĩ vẽ phác thảo, tạo hình và truyền thần cho pho tượng.

Sau khi vẽ xong, Tổ hỏi ý kiến ngài Kỳ Bà xem có chỉnh sửa gì không, và sau khi được sự đồng ý của ‘vị bác sĩ’ đặc biệt này thì mới đem mẫu tượng đi đúc đồng. Pho tượng Bác sĩ Kỳ Bà đầu tiên tại Thái Lan do Tổ Bảo Ân thực hiện bằng đồng, hiện đang tôn thờ tại chùa Cảnh Phước (Bangkok) đúc năm Phật lịch 2499 (1955).

Ngày nay, mẫu tượng này được tôn thờ trên hầu hết các tỉnh thành, không kể chùa Thái Nam truyền, Đại thừa Hoa tông, hội quán, hay giáo quán tại Thái Lan. Ngoài ra, Tổ Báo Ân còn cho đúc các mẫu Bác sĩ Kỳ Bà nhỏ để làm mặt dây chuyền bằng vàng, đồng và thạch cao được giới chơi tượng cổ ưa chuộng, sưa tầm và có giá trị khá cao, đặc biệt là mẫu tượng nhỏ bằng vàng đúc năm Phật lịch 2499 hiện nay rất hiếm và có giá trị lớn. Đối với người Thái, giá trị của pho tượng không hoàn toàn phụ thuộc vào chất liệu mà nó được đúc nên mà quan trọng nhất là vào giá trị tu tập, đạo hạnh và sự gia trì của người đúc nên pho tượng đó.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng trong quá trình hành đạo nơi xứ người, Tổ đã phương tiện sử dụng pháp môn ‘gọi hồn’, giao tiếp với người ở cõi khác mà ngày nay chúng ta hay gọi là ngoại cảm, và sau khi Tổ Bảo Ân viên tịch năm 1964, An Nam tông Thái Lan không còn ai thực hiện được khả năng này. Theo đó, phương pháp ngoại cảm đã có lịch sử hình thành từ rất sớm, cụ thể là Tổ Bảo Ân đã thực hiện ngoại cảm từ khoảng 60-90 năm về trước, khi Tổ bắt đầu hành đạo tại Thái Lan từ 1925.

Ngoài pho tượng Bác sĩ Kỳ Bà, Tổ Bảo Ân còn là người đã kiến tạo và an vị mẫu tượng Tứ Diện Phật - mà thực chất là thần Phạm thiên Brahma trong truyền thống Hindu giáo - tại trung tâm mua sắm nổi tiếng nhất Thái Lan là khu Pratunam, nơi mỗi ngày có rất nhiều du khách từ khắp thế giới đến lễ bái, cầu nguyện. Trong những năm cuối đời, Tổ Bảo Ân còn phác thảo đại trùng tu lại già-lam Cảnh Phước quy mô tráng lệ, nhưng khi công trình còn đang dang dở, chỉ nằm trên bảng vẽ kiến trúc thì vào ngày 21 tháng Giêng, năm Giáp Thìn [ngày 4 tháng 3 năm 1964] Tổ Bảo Ân viên tịch.

Bác sĩ Kỳ Bà.jpg

Tượng bác sĩ Kỳ-bà tại chùa Cảnh Phước

Vào ngày 11 - tháng 12-2017, tại chùa Cảnh Phước (Bangkok) đã tổ chức lễ gia trì mẫu tượng Tổ Bảo Ân. Và như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Tổ Bảo Ân là vị thầy Việt thứ 2 được người Thái đúc tượng tôn thờ, phát hành rộng khắp[15]; trước đó là mẫu tượng ‘Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân’ do một Việt kiều tại Thái làm thí chủ và cũng làm lễ gia trì tại chùa Cảnh Phước này.

Phần kết:

Công đức và hành trạng của Tổ Bảo Ân trên đất nước chùa tháp Siam và quê hương Việt Nam là không nhỏ, đúng như câu đối trong Tổ đường ca tụng: “Bảo quang Tây đài ký lôi âm, Ân huệ từ ái chiếu phàm tâm” - Ánh Bảo đài Tây ghi lời sấm, Ân huệ từ ái rọi lòng phàm.

Ngài đã đến và đi thể theo hạnh nguyện hóa độ của bậc ‘phi tích cao tăng’ không hề có ý để lại di tích của mình trên dòng sông sanh tử. Tuy nhiên, là đàn hậu bối, thiết nghĩ chúng ta phải có trách nhiệm với lịch sử của tiền nhân, luôn luôn trân trọng và gìn giữ, nhằm kế thừa và phát huy những tinh hoa của các ngài, và đó cũng là nét đẹp có tính lịch sử và văn hóa của một dân tộc mà nền Phật giáo đã tồn tại xuyên suốt hơn mấy nghìn năm lịch sử vậy.

Phụ lục:

GIẤY KIẾT HẠ CỦA TỔ BẢO ÂN

啟示禪機要規䇿衆執憑

蓋聞

佛門定制,理實顯明,事權相應.夫結夏安居之法,乃納子之本源,是禪和之年臘.若無年臘,非出家皃.五夏以上 闍黎位,十夏以上卽和尚位,茲當梅舉夏臘,若干以立,柱石法門,用作來生龜鏡. 若不立法,濫預僧流,胡行非法.是以緣故,頒下執照,正定明微,給授禪家,庶免遺漏.原有

大南國, [16] ,堅好總,永清雲社,居三寶寺,法名日答,字寳恩之職.表信奉行向來受夏己周圓,豈容空腹高心,溫尋貝葉,精捜義理,行解雙全,戒德精嚴,接引後來,扶持正法,無得蹉跎而甘下陋.此規正理,非圖名利之壽,不可觸柢,暗言邪規之想.

善哉丈夫慎之勉之!

覺圓寺弘義和尚當爲證明

恩寺清印和尚當爲證壇

隆福寺萬安和尚當爲證壇

會慶寺聞和尚當爲視事

仙靈寺慶和和尚當爲法師

永長寺安樂和尚當爲布薩

圓覺寺心光和尚當爲禪主

平安寺光智和尚當爲書記

隆福寺圓明和尚代位法師

慧光和尚講演法師

隆慶寺妙法和尚爲副主香

隆福寺弘德和尚爲正主香

諸山同護念

天運丙寅年七月初八日旹示

執照 (có nền dấu mộc)

Dịch nghĩa:

Mở đầu khải thị yếu chỉ thiền cơ, sách tấn đồ chúng giữ Giới, hộ mạng.

Tằng nghe:

Các định chế của Phật giáo, ‘lý’ thì thật tế rõ ràng, ‘sự’ thì khéo léo, tương xứng.  Phàm, hết thảy căn bản của người xuất gia (nạp tử), như pháp Kiết hạ, An cư… đều phải căn cứ vào tuổi Hạ (niên lạp, hạ lạp) của nhà thiền [chùa]. Nếu không có tuổi Hạ, thì không phải là bậc xuất gia. [Thầy nào] đạt từ năm Hạ trở lên thì được gọi là bậc [A-] xà-lê. Cũng vậy, [Thầy] mười Hạ thì được tôn xưng Hòa thượng. Ngày nay nên căn cứ vào Hạ lạp, mục đích là để thiết lập pháp môn kiên cố (đá, trụ), dẫn dắt kẻ hậu lai quy kính. Còn nếu như không thiết lập pháp [hạ lạp] thì thành ra kẻ lạm xưng thầy Tăng (dự vào dòng Tăng) để rồi thực hành phi pháp. Trên cở sở đó mà ban hành giấy Kiết hạ này, hoàn toàn chính đáng rõ ràng, hợp lý nhà thiền cũng như tránh các sai lầm cho đời sau. Nay có:

Thầy pháp danh Nhật Đáp, chức tự Bảo Ân, tu học tại chùa [Sắc tứ] Tam Bảo, xã Vĩnh Thanh Vân, tổng Kiên Hảo, tỉnh Rạch Giá, nước Đại Nam - biểu đạt đầy đủ, chánh tín phụng hành, mong muốn thọ Hạ [an cư]; lại không hiện tướng ‘bụng rỗng tâm ngạo’, nghiên cứu giáo điển, tinh thâm nghĩa lý, hành giải song toàn, giới đức tinh nghiêm, tiếp dẫn hậu lai, giữ gìn Chánh pháp; không có các lỗi lầm mà còn khiêm cung. [Giấy Kiết hạ] này hoàn toàn đúng lý, không phải để thọ nhận danh lợi, không xúc chạm đến nguồn cội, không nói lời ‘ám ngữ’ hoặc khởi tư tưởng trái giới phạm quy.

Lành thay bậc trượng phu, hãy nên cẩn trọng và gắng sức!

HT.Hoằng Nghĩa, chùa Giác Viên, làm Chứng minh,

HT.Thanh Ấn, chùa Từ Ân, làm Chứng đàn,

HT.Vạn An, chùa Long Phước, làm Chứng đàn,

HT.Từ Văn, chùa Hội Khánh, làm Thị sự[17],

HT.Khánh Hòa, chùa Tiên Linh, làm Pháp sư,

HT.An Lạc, chùa Vĩnh Trường, làm Bố-tát,

HT.Tâm Quang, chùa Viên Giác, làm Thiền chủ,

HT.Quang Trí, chùa Bình An, làm Thư ký,

HT.Viên Minh, chùa Long Phước, thay mặt Pháp sư,

HT.Tuệ Quang, chùa Long Hòa, làm Pháp sư diễn giảng,

HT.Diệu Pháp, chùa Long Khánh, làm phó chủ hương,

HT.Hoằng Đức, chùa Long Phước, làm chánh chủ hương,

Cùng các vị [sơn môn pháp phái] đồng hộ niệm.        

Ngày 8, tháng 7 năm Bính Dần [Chủ Nhật ngày 15-8-1926]

Tình trạng văn bản:

(Giấy chứng nhận kiết Hạ (tòng Hạ) này được chúng tôi sưu khảo tại chùa Cảnh Phước Bangkok, nằm sâu dưới lớp y áo mão và đồ dùng vật dụng cá nhân của Tổ Bảo Ân. Sau hơn 90 năm, dù giấy đã mục và giòn, nhưng bảng kiết Hạ này vẫn bảo lưu đầy đủ các chữ cần thiết. Ngoài ra, trên mặt bản còn có 3 dấu triện mộc phía bên trái 2 và 1 bên phải nhưng trải qua năm tháng bào mòn nay chỉ còn màu trắng bạc, không thể đọc được chữ triện của 3 dấu mộc này, và gốc dưới bên trái là hình ảnh [cũng đã bạc màu] của Tổ Bảo Ân lúc ngài vừa tròn 20 tuổi)

Phụ chú:

Giấy kiết Hạ và giới điệp hoàn toàn khác nhau. Giấy kiết Hạ là bằng chứng vị Tỳ-kheo đã tùng/tham gia an cư kiết hạ, nay mãn hạ nên được cấp giấy này để làm bằng chứng để tính tuổi Hạ hay hạ lạp. Ngày nay chỉ đóng dấu an cư vào sổ an cư với vài dòng về thời gian, địa điểm chứ không ghi rõ toàn thể chư tôn chứng minh của trường Hạ và hạnh kiểm của người nhập Hạ như xưa.

Còn ‘Giới điệp’ gọi đủ là Giới điệp thọ giới Tỳ-kheo, giấy chứng nhận thọ giới (Tỳ-kheo) xưa gọi là Giới đao-độ điệp. Theo Thiền sư Nhất Hạnh, ‘Giới đao và độ điệp ngày xưa thay cho chứng thư và thông hành của tăng sĩ, do vua ban.’[18] Tùy theo cấp phẩm của mỗi người mà có nhiều loại giới đao độ điệp khác nhau, ví dụ giới đao độ điệp của Tăng cang, Tăng lục, Quốc sư thường có độ dài hơn tỳ kheo bình thường có lẽ làm thêm lời tán thán, khen tặng. Ngoài ra, đôi khi do năng lực đặc biệt mà biệt cấp độ điệp ví dụ như Thầy Huyền Trang được cấp giới điệp làm Tăng lúc ngài mới tròn 13 tuổi.

Nguồn gốc của thể lệ ban cấp giới đao độ điệp bắt nguồn từ thời Đường nước Trung Hoa khi đặt ra cuộc thi tuyển Tăng phỏng theo mô thức thi tuyển nhân tài của triều đình phong kiến. Những người trúng cách sẽ được thọ Cụ túc giới và được cấp giới đao độ điệp[19]. Theo Phật tổ thống kỷ 51 (52), Đường Trung Tông, niên hiệu Cảnh Long thứ nhất (707) xuống chiếu thiên hạ, thí độ Tăng… rồi tới Đường Đại Tông (793) lệnh cho thi cả ba khoa Kinh, Luật, Luận rồi mới cấp điệp cho làm Tăng.

Ngày nay, giới điệp được giáo hội Phật giáo cấp phát sau khi vị Tỳ-kheo đã thọ giới thành công. Ngoài ra, còn có Tăng tịch hay giấy chứng nhận Tăng Ni rút gọn từ giới điệp để dễ mang theo, làm bằng chứng chứng thực hay giấy thông hành cho vị Tăng Ni chân chính.

Nguyên Chơn (Đại học Mahidol)


Tài liệu tham khảo:

1. Thanh Vân, (1974) Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo. Sài gòn: Phật Học Viện và các chùa xuất bản (nội bộ) tr. Phụ lục cuối cùng.

2. Nguyên Chơn, Đạo Bình, (2015) Phật giáo An Nam tông trên dòng Mê-kông. Sài gòn: Học viện Phật giáo TP.HCM và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xuất bản (kỷ yếu hội thảo khoa học).

3. Nguyễn Lang, (1979) Việt Nam Phật giáo Sử luận, Hà Nội: Nxb Văn Học, tập I. 

4. Thích Trí Thủ giảng thuật, Thích Đỗng Minh, Nguyên Chứng biên tập (2011), Yết Ma Yếu Chỉ,  HCM, Nxb Phương Đông.

5. Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, TP.Hồ Chí Minh.


[1] Chữ dùng của HT.Nhất Hạnh

[2] Thanh Vân, (1974) Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo. Sài gòn: Phật Học viện và các chùa xuất bản. (nội bộ) tr. Phụ lục cuối cùng.

[3] Tra cứu lịch Âm dương thì năm 1906 là năm Bính Ngọ, còn năm 1907 là năm Đinh Mùi

[4] Thiền sư thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40, pháp húy Hồng Nguyện hiệu Trí Thiền, thế danh Nguyễn Văn Đồng (1882-1943) – vị thiền sư, liệt sĩ, Hội trưởng hội Phật giáo Kiêm Tế có trụ sở tại chùa Tam Bảo và là vị tiền bối trong phong trào chấn hưng Phật giáo và Phật giáo cứu quốc tại tỉnh Kiên Giang giai đoạn 1930-45. Ngài đã được tôn vinh là ‘Danh Tăng Việt Nam’ thế kỷ XX (sách cùng tên do TT.Thích Đồng Bổn chủ biên)

[5] Theo dòng kệ: Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên, Minh như Hồng Nhật lệ trung thiên...

[6] Xem phụ lục bên dưới, cuối bài viết này.

[7] Do hoàn cảnh lịch sử và địa lí nên sơn môn pháp phái bên Kiên Giang và gia quyến của ngài chưa từng qua dự lễ này, xin hi vọng trong tương lai vậy.

[8] 會慶寺, วัดมงคลสมาคม, Wat Mongkol Samakhom, chùa duy nhất có biển tiếng Việt). Địa chỉ: 48 Plaeng Nam Rd, Samphanthawong, BANGKOK 10100. Tel: 02-222-0909, 083-187-6939,

[9] Xem thêm danh sách 20 chùa Việt tại địa chỉ website: http://www.vietthaitoday.com/2016/04/20-ngoi-chua-viet-tai-thai-lan.html#.VxjpItR96t8

[10] Tài liệu này do Đỗ Thúy Hà (Tiwaree Kosittanakiat) - giảng viên Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Bộ môn Ngôn ngữ Đông Phương, đại học Chulalongkorn, Bangkok, Thailand - cung cấp.

[11] Theo lời kể của HT. Tịnh Liên, trước đây tại chùa Cảnh Phước bangkok từng duy trì thời khóa công phu khuya [4 giờ sáng] và thỉnh chuông sớm theo truyền thống Việt, vì chùa gần Hoàng Cung Disit nên vào một buổi sáng nọ, hoàng hậu Sirikit (vợ vua Rama IX, Bhumibol Adulyadej) giật mình trở dạy sớm, nghe tiếng chuông chùa vang vọng từng hồi, làm Bà khó ngủ. Sáng ra, Bà cho người đến chùa thưa ý kiến, và từ đó chùa không còn thỉnh chuông khuya nữa. Sau này, Tổ Bảo Ân cũng tiến cúng cho triều đình quả chuông đồng làm vật kỷ niệm, và hiện tại toàn quốc Thái không còn duy trì thỉnh chuông theo lối Việt dù thỉnh thoảng cũng có nơi đóng chuông vào một dịp lễ nhất định nào đó.

[12] Bản khoa này hoàn toàn khác với bản “Chánh khắc trung khoa du già tập yết” thường được dùng để làm nghi  chẩn tế tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.

[13] Các sư An Nam tông khi làm Sám chủ các cuộc lễ thì được gọi là Thầy Cả. Chữ Thầy Cả vẫn được dùng ở Việt Nam chỉ vị Thầy Lớn, đạo hạnh cao niên, Hòa thượng trụ trì… nhưng ở Thái Lan thì chỉ có nghĩa là vị Sám chủ mà thôi, dù lớn hay nhỏ tuổi mà làm Sám chủ thì đều được gọi là Thầy Cả cả. Còn chữ Sám chủ thì họ không dùng và cũng không biết nghĩa là gì.

[14] (1- Dịch kinh, 2- Nghĩa giải, 3- Tập Thiền, 4- Minh luật, 5- Hộ pháp, 6- Cảm thông, 7- Di thân (cốt) 8- Đọc tụng, 9- Hưng phúc, 10- Tạp khoa. Thích Đồng Bổn, 1995. Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX . Hồ Chí Minh: Thành hội PG TP.HCM ấn hành, tr. 2, phần ‘Lời giới thiệu’.

[15] Các HT.Việt Tông trước đây, sau khi viên tịch thì được đúc tượng đồng, tôn thờ trong phạm vi tại chùa mình thôi, chứ chưa được đúc thành tượng nhỏ và phát hành theo kiểu Thai amulet - một loại hình mang tính kinh tế và tâm linh kiểu Thái  

[16] Tỉnh Rạch Giá được viết theo lối chữ Nôm, và đọc âm hán việt là Lịch Giá. Tuy nhiên, theo văn bản chữ Hán các tỉnh - thành Việt Nam, thì Rạch Giá được dịch là Do Thạch (迪石)

[17] Thị sự [視事] giống như Tri sự -  người thường hay quán xuyến mọi việc trong một ngôi chùa thay cho thầy trụ trì, tuy nhiên trong ngữ cảnh truyền giới thì ‘thị sự’ là người quản giới đàn (trường hương, trường Kỳ).

[18] Nguyễn Lang (1979) Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nxb Văn Học, tập I.  http://cusi.free.fr/lsp/suluan/vnpgsuluan1-4.html

[19] Thích Trí Thủ giảng thuật, Thích Đỗng Minh, Nguyên Chứng biên tập (2011), Yết Ma Yếu Chỉ, Nxb Phương Đông, tr.135

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày