GNO - Ngày 2-10, tổ đình Vạn Thọ (Q.1, TP.HCM) tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 34 của Đại lão HT.Thích Thiện Tường - Tổ khai sơn chùa.
Chứng minh tại buổi lễ có HT.Thích Thanh Sơn, Chứng minh BTS Phật giáo TP.HCM; HT.Thích Minh Nghĩa, Chứng minh BTS Phật giáo Q.4; TT.Thích Minh Quang, Trưởng BTS Phật giáo Q.1 cùng chư tôn đức Tăng Ni các tự viện trên địa bàn TP.HCM và môn đồ đệ tử tham dự.
Di ảnh cố HT.Thích Thiện Tường
Tại buổi lễ, sau nghi thức dâng hương tưởng niệm, ĐĐ.Thích Đồng Phước thay mặt chư tôn đức đã cung tuyên tiểu sử của cố HT.Thích Thiện Tường.
Theo đó, HT.Thích Thiện Tường pháp danh Thanh Giới, tự Chơn Như, hiệu Thiện Tường, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41, sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Bình Xuân, tổng Hòa Lạc, tỉnh Gò Công (nay là Tiền Giang).
Ngài xuất thân trong một gia đình nha phong, bần nông theo đạo Phật. Thân phụ là cụ ông Ngô Văn Chồn, thân mẫu là Đỗ Thị Thơ. Ông bà sinh hạ được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Người anh cả đã chết từ thuở bé, kế đến ngài là 2 em gái, cùng 1 em trai.
Năm lên 9 tuổi, Hòa thượng đã mồ côi cha sớm. Vốn lòng rất chí hiếu nên hết lòng thức khuya dậy sớm phụ giúp việc đồng áng, lao động cần cù cực nhọc với mẹ hiền để lo sinh kế gia đình và nuôi dạy các em thơ.
Mặc dù hằng ngày vẫn lam lũ lao động, phụ giúp kinh tế gia đình, nhưng lúc nào trong tâm hồn của ngài vẫn sẵn có một chí hướng xuất trần. Vì đối với việc đời, ngài thường không tha thiết mà hằng thích theo thân mẫu về chùa trong làng lễ Phật nghe kinh. Rồi một hôm thiện duyên đến, ngài khăn gói xin phép mẹ hiền xuất gia chùa Long Quang (làng Bình Thạnh sở tại) tu học đạo mầu vào mùng 8-4-Đinh Sửu (1937) - nhằm mùa Phật đản. Bấy giờ Hòa thượng được 19 tuổi.
Năm 23 tuổi, nhận thấy ở chùa làng chẳng phải là nơi mình có thể tiến tu trên đường đạo nghiệp tương lai, ngài bèn khăn gói y bát nâu sòng lên Sài Gòn tá túc chùa Linh Sơn công quả và học đạo. Nơi đây, hạnh duyên được gặp thầy tổ là Hòa thượng Lê Phước Trí, ngài liền theo cầu học đạo, sớm khuya cần mẫn tham cứu kệ kinh. Thầy tuy còn trẻ mà đã biết tinh thần tu học như thế, Hoà thượng Tổ rất quý mến, bèn truyền đạt cho ngài những yếu lý thâm huyền theo lời Phật dạy.
Năm 1941, ngài được thọ tam đàn Cụ túc tại chùa Xuân Quang (Phan Thiết). Năm 1943, với ước nguyện được quảng bá kinh văn, suốt thông bối diệp, mở mang Phật huệ ngõ hầu làm ngọn thiền dẫn lối cho hậu lai, ngài cùng sư huynh Thới An y bát ôm kinh quẩy luật lên đường tầm học nhiều nơi, hễ nghe ở đâu có bậc cao đức là tìm đến xin được thọ học.
Ngài đã quá bước đến thọ học với Hoà thượng Hòa Bình ở chùa Kim Huê, Hòa thượng Bửu Đạt chùa Linh Sơn…
Chư tôn đức môn đồ đệ tử cung tuyên tiểu sử
Năm 1944, Hòa thượng trụ trì chùa Long An (Sa Đéc). Một hôm trên đường hoằng hóa, Hòa thượng Hành Trụ ghé vào chùa Long An tạm nghỉ; nhơn cảnh mến hạnh nguyện và đạo phong khả kính của Hòa thượng Hành Trụ, ngài bèn hợp cùng các sư huynh đồng cung thỉnh Hòa thượng dừng chân ở lại nơi đây mở Phật học đường dạy chúng Tăng tu học, tôn làm huynh trưởng kiêm Hóa chủ chùa này. Được Hòa thượng hứa khả và sau đó cả 4 vị đồng phát nguyện kết nghĩa làm bạn lữ đời đời kiếp kiếp, hợp tác với nhau trên đường hoằng dương Chánh pháp, tiếp độ chúng Tăng và tu hành giải thoát không hề bỏ nhau.
Năm 1946, nhận thấy lúc ấy ở đất Sài Gòn, cơ duyên hoằng pháp thuận tiện, dễ dàng cho việc hoằng pháp lợi sanh nên đã cùng 3 vị Hòa thượng sư huynh y bát lên Sài Gòn cùng nhau dựng chùa Tăng Già, hiện giờ là Kim Liên để tiếp chúng Tăng tựu về tu học.
Năm 1947, ngài lại cùng 3 vị Hòa thượng dựng thêm ngôi già-lam thứ hai, hiện nay là tổ đình Giác Nguyên, để tiếp độ chư Tăng Ni tựu về hai ngôi già-lam, nương nơi 4 vị Hòa thượng tu học mỗi ngày một đông.
Duyên lành hóa độ đã đến, năm 1950, Hội Vạn Thọ hiến cúng chùa Vạn Thọ ở Tân Định cho Hòa thượng để có nơi tiếp Tăng độ chúng tu học. Lòng từ bi của ngài chan khắp gần xa, uy đức của ngài ngát tỏa đó đây. Từ đó suốt hơn 10 năm, Hòa thượng đã lặn lội tứ phương lo việc hoằng dương chánh pháp, kế vãng khai lai, tiếp độ chúng Tăng báo Phật ân đức, ngài lại trùng tu và kiến tạo các ngôi già-lam ở các nơi.
Năm 1960, Hòa thượng trở về làm Hóa chủ tổ đình Giác Nguyên để nhiếp độ tứ chúng.
Năm 1968, Hòa thượng cùng với phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi thăm các nước như: Singapore, Mã Lai, Nhật Bản… Năm 1969, Hòa thượng vừa làm Hóa chủ vừa làm Ban Giám đốc Phật học viện tổ đình Giác Nguyên. Do giới hạnh nghiêm minh, đạo cao đức trọng của Hòa thượng, nên về sau tất cả những giới đàn của Giáo hội tổ chức từ thành phố cho đến tỉnh lỵ đều cung thỉnh ngài làm Giới sư để truyền trao giới pháp cho các Tăng Ni.
Năm 1973 - 1981, Hòa thượng làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh và Kiến thiết; năm 1975, ngài làm Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn Ấn Quang; năm 1977, ngài làm Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn Quảng Đức; năm 1980, ngài làm Đệ nhứt Tôn chứng tại Đại giới đàn Thiện Hòa.
Suốt cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương trong sáng cho hàng Tăng Ni chốn thiền môn noi theo - trọn đời chỉ lo việc thượng hoằng Phật đạo hạ hóa chúng sanh.
Hòa thượng lại cũng dạy chúng nên siêng năng lao động công việc chùa theo tinh thần nếp sống Thiền của Tổ Bách Trượng: “Nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực” - cuộc đời của ngài quả thật đã thể hiện một cách trọn vẹn và rất sống động về nếp sống ấy.
Qua hơn 50 năm, hoằng pháp độ sanh, vào ngày 15-4-Giáp Tý (1984), Hoà thượng lâm trọng bịnh. Đến 8 giờ 15 phút tối 23-8-Giáp Tý, Hòa thượng an nhiên thâu thần thị tịch, để lại cho tứ chúng đệ tử muôn ngàn bi thiết nhớ thương.
Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm tại chùa Giác Nguyên - Q.4
Trước đó, sang 1-10 cung tại tổ đình Giác Nguyên (Q.4) chư tôn đức Tăng Ni cùng môn đồ đệ tử cũng đã thành kính dâng hương tưởng niệm tại tổ đình Giác Nguyên nơi Hoà thượng Thích Thiện Tường khai sơn.
VG