GN - Khi nhét cây kim vào quả dâu tây, bà My Ut Trinh - một công dân Úc gốc Việt - có lẽ đã không nghĩ rằng hành động tưởng chừng đơn giản đó của bà khiến cho ngành nông nghiệp trị giá nửa tỷ USD của Úc phải lao đao.
Cảnh sát Úc phát hiện kim trong dâu tây
Vụ việc bắt đầu nghiêm trọng kể từ ngày 9-9, khi một người đàn ông nuốt phải cây kim trong quả dâu tây và phải nhập viện. Sau đó, hàng chục vụ “cây kim trong quả dâu tây” liên tục được phát hiện, khiến cộng đồng Úc hoang mang, lo sợ. Đáng nói, đó là thời cao điểm của mùa vụ thu hoạch dâu tây - ngành sản xuất có doanh thu lên đến 130 triệu AUD (93 triệu USD) mỗi năm của Úc.
Ngay lập tức, ngành sản xuất này trở nên điêu đứng khi các siêu thị, cửa hàng rau quả ngưng bán dâu tây; hàng dài xe tải chở hàng tấn dâu tây tươi đổ xuống hố chôn tiêu hủy; bảy thương hiệu liên quan phải tạm thời đóng cửa để phục vụ điều tra và vì người dân không dám mua mặt hàng này nữa. Các trang trại, các nhà sản xuất dâu tây trực tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề; các đối tác thương mại xuất nhập khẩu dâu tây cũng cùng chung số phận.
Bộ trưởng Y tế Úc, Greg Hunt, mô tả đây là một “tội ác”. Tội ác này gây chấn động xã hội Úc vốn dĩ coi trọng nhân quyền và đặt sự an nguy của người dân lên trên hết.
Ngày 11-11, bà Trinh bị bắt và lập tức đưa ra tòa. Các nhà chức trách phát hiện DNA của bà trong một hộp dâu tây nhiễm độc. Thông tin ban đầu cho hay, bà Trinh, vì bức xúc với cách bị đối xử bất công tại trang trại bà đang làm việc, muốn cho giới chủ “sập tiệm” và “khiến họ khỏi làm ăn”, nên đã thực hiện vụ việc mưu hại nêu trên. Lúc này, có lẽ bà Trinh mới thấu hiểu và thấm thía được việc làm tưởng chừng như rất nhỏ của bà là một tội ác. Và, với tội ác đó, bà có thể sẽ phải đối diện với một bản án lên đến 10 năm tù.
Vụ việc vẫn đang được tiến hành điều tra, song qua đó gióng lên một hồi chuông cảnh báo, rằng: Tội ác thường đến từ những việc làm tưởng chừng nhỏ nhất. Một đốm lửa có thể đốt cháy cả khu rừng. Một lỗ muội có thể làm vỡ toang cả một con đê. Không ai dám coi thường con rắn nhỏ. Nếu không chánh niệm, một việc làm nhỏ có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ việc này, chúng ta có thể thấy rõ lời Phật dạy: Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó. Rằng, Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Kẻ ngửa mặt lên trời phun nước bọt, kẻ cầm đuốc hay tung bụi ngược gió, ắt hẳn bản thân họ phải là người gánh chịu hậu quả trước nhất.
Một trong những phương pháp kiểm soát và làm chủ hành động, làm chủ nghiệp của mình chính là chánh niệm. Phật dạy, chánh niệm chính là sự phòng hộ tốt nhất; mất chánh niệm là mất công đức:
“Sống chế ngự, chánh mạng
Giải thoát, nhờ chánh trí
Vị ấy sống như vậy
Ðời sống được tịch tịnh
Những ai bị phỉ báng
Trở lại phỉ báng người
Kẻ ấy làm ác mình
Lại làm ác cho người”.
Trở lại với vụ việc nêu trên, chúng ta thấy rằng, với một niệm ác, bà Trinh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ với chính bà, mà việc làm đó còn gián tiếp gây nên sự mất niềm tin của thế giới đối với cộng đồng người Việt. Việc giáo dục con người theo đó không chỉ dừng lại ở mặt kiến thức, mà cần chú trọng đến đạo đức, đến việc nhận thức rõ kết quả trong từng việc làm, dù nhỏ nhất.
Quảng Kiến