Tôi là một người con bất hiếu?

Tôi là một người con bất hiếu?

LTS: Một trong những mục đích của trang Sống đạo là giới thiệu những câu chuyện có ý nghĩa đạo đức nhìn theo lăng kính Phật giáo, với hy vọng những câu chuyện ấy được chia sẻ từ đông đảo độc giả. Điều này có ý nghĩa thực tế cho những người trong cuộc - nhân vật của câu chuyện, và còn có giá trị tham khảo cho những ai quan tâm hoặc có cùng cảnh ngộ.

Câu chuyện về một người con lập nghiệp xa cha mẹ đang “tiến thoái lưỡng nan” giữa lòng hiếu thảo và tình trạng kinh tế cá nhân khó khăn dưới đây cũng rất cần sự chia sẻ từ các độc giả. Có thể là một ý tưởng, một kinh nghiệm, một lời khuyên chí tình..., sẽ giúp cho tác giả - người trong cuộc - thêm một chút quyết tâm, mở ra một hướng quyết định, để cuộc sống không còn những day dứt, lòng hiếu thảo chẳng những được thực hiện mà qua đó còn khẳng định rằng đạo hiếu là giá trị quan trọng, có tác dụng thực tế trong cuộc sống của mỗi người con - mỗi số phận con người.                 G.N

Chuông điện thoại reo  vang, đầu dây bên kia là     giọng của bố tôi có vẻ yếu  ớt. Đúng thôi, bố đã gần 80 tuổi rồi còn gì. Giọng bố tràn đầy nỗi nhớ con, nhớ cháu. Trước khi cúp máy, bố còn dặn tôi: “Từ nay đến Tết, con cố gắng đưa cháu về thăm bố lần cuối nhé!”.

Lời bố dặn đã làm cho tim tôi quặn thắt. Từ khi nhận được điện thoại của bố, đêm đêm tôi cứ thao thức, đau đáu trong lòng hình ảnh về bố. Kể từ ngày tôi bắt đầu nhận biết về cuộc sống, về gia đình đến nay đã gần 30 năm rồi. Vậy mà tôi vẫn như một đứa trẻ, chưa làm được gì cho bố. Tôi tự hỏi rằng: phải chăng tôi là một đứa con bất hiếu?

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền núi phía Bắc. Ngày còn nhỏ, tôi thường chứng kiến cảnh bố mẹ tôi cãi nhau, mà nói đúng hơn là chửi rủa nhau một cách thậm tệ. Lúc ấy, sự nhận thức của tôi còn non nớt nên tôi chỉ thấy hơi buồn chứ không hề mặc cảm, xấu hổ với bạn bè cùng trang lứa.

Bố tôi, một người đàn ông được mẹ tôi và một số người hàng xóm đánh giá là “không bình thường”, thậm chí một số người mạnh miệng còn bảo bố bị “điên”. Mẹ sống thiếu tôn trọng bố. Hàng xóm, láng giềng lại có thái độ miệt thị, xa lánh bố. Chẳng bao giờ họ nói chuyện với bố một cách tôn trọng và bình đẳng cả. Và ngày đó, do ảnh hưởng cách giáo dục của mẹ nên chúng tôi cũng nghĩ rằng bố bị “điên” thật. Tôi rất thương mẹ vì mẹ đã quá vất vả để lo cho con cái từng miếng cơm manh áo. Tôi còn nhớ cảnh hàng năm, cứ đến thời điểm giáp hạt, mẹ lại đội chiếc nón rách đi từng nhà để vay mấy lon gạo nấu cháo cho các con ăn qua ngày.

Từ chiến trường trở về, bố tôi rất tích cực lao động sản xuất. Bố làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối, vậy mà cơm ăn cũng không đủ no. Bố đi nhiều, biết nhiều và nói những điều mà rất ít người ở quê tôi có thể hiểu được nên họ lại nghĩ là ông hoang tưởng. Lúc còn nhỏ, mỗi khi có đoàn văn công về xã biểu diễn, tôi thường được bố cõng trên lưng đi xem. Quãng đường từ nhà tôi đến xã khoảng gần 3km và phải đi qua một cánh đồng lầy lội nhưng chưa bao giờ bố từ chối khi tôi đòi đi xem. Bố là người dạy cho tôi những nét chữ đầu tiên, dạy cho tôi biết thế nào là đạo lý làm người. Khi đó, tôi vẫn chưa hiểu hết được những gì bố dạy. Thời gian lặng lẽ trôi đi, các anh tôi lớn dần và lần lượt lấy vợ, sinh con. Bố lại là người chăm sóc, bế ẵm các cháu.

Còn tôi, tôi cũng lớn lên và xa quê hương, xa gia đình để tạo dựng cho mình một cuộc sống mới. Tôi lập gia đình và sinh con nhưng cuộc sống thì vô cùng khó khăn, vất vả. Với đồng lương công chức ít ỏi lại phải ở nhà thuê nên muốn về quê thăm bố mẹ một lần cũng phải mất 3-4 năm tích góp.

Bây giờ, tôi rất muốn mời bố vào chơi với chúng tôi để chúng tôi chăm sóc bố một thời gian nhưng sao mà khó quá. Phòng trọ thì chật chội, vợ chồng tôi cũng hay hục hặc vì chuyện cơm áo gạo tiền. Nếu bố vào, liệu bố có thể vui được không hay tôi lại vô tình làm bố thêm đau khổ. Tôi phải làm sao đây để tôi bớt đi phần nào day dứt?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày