GN - Chiều nay, giữa những cơn mưa chuyển mùa giăng kín trời Đà Nẵng, tôi chợt dừng lại bên dòng người vội vã, dừng lại để nghĩ về chính mình, nghĩ về “tôi trong mắt tôi”.
Tấm gương phản chiếu
Cách dễ dàng nhất để nhìn thấy tôi là đứng trước gương. Lúc ấy tha hồ mà ngắm nhìn hình ảnh của chính mình, có lúc là một cô gái dịu dàng và vô cùng duyên dáng trong tà áo dài trắng tinh khôi, có lúc quyến rũ khi mặc một chiếc váy với thiết kế vừa đủ để lộ đôi vai mảnh khảnh, có lúc tràn đầy vẻ năng động và phóng khoáng của lứa tuổi 19 khi khoác lên mình chiếc quần jean cùng áo thun cộc tay.
Mỗi lần soi gương là mỗi lần nhìn thấy một sắc màu khác ở chính tôi. Nhưng đó là trường hợp tâm trạng tốt, còn lúc có chuyện không vui thì nhìn đâu cũng cảm giác như tôi không được dễ thương, mặt mũi tối sầm lại.
Chiếc gương đã giúp tôi thấy được mình với muôn hình vạn trạng, với những phong cách, sắc thái khác nhau. Nhưng tất cả điều ấy chỉ là hình tướng bên ngoài, cái đó không chỉ riêng tôi mà mọi người đều có thể nhìn thấy được.
Khánh Nhi - tác giả bài báo
Tôi trong mắt tôi không chỉ dừng lại ở đó mà còn là tâm hồn, khối óc bên trong. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, tôi hiểu sự khắc nghiệt, gian khổ của cuộc sống quê mình. Điều ấy khiến tôi sớm ý thức được nỗi vất vả của ba mẹ và chăm chỉ học tập với mong muốn thoát khỏi thực tại ảm đạm nơi quê nghèo, nhen nhóm trong tôi ý chí, nghị lực, sự quyết tâm trong học tập và cuộc sống. Trải qua những năm tháng đèn sách, hiện tại tôi là sinh viên năm 2 ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
Tuổi đôi mươi, tôi sống với tràn trề nhiệt huyết và đam mê cháy bỏng. Tôi luôn tiến về phía trước cùng những hoạch định, mục tiêu cho tương lai. Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, bản thân đâu phải lúc nào cũng đủ trí và lực để chinh phục hết tất thảy những điều mình đặt ra. Nên cũng lắm lúc tôi thất bại, vấp ngã. Khi đó tôi thường nghĩ về mình của thời còn học cấp 1. Tự dưng tôi muốn tìm lại tôi của ngày xưa, cái ngày mà mình là “đệ nhất”. Tại các kỳ thi như: Học sinh giỏi, Rung chuông vàng, Trưởng sao giỏi,… không một ai có thể đánh bại tôi. Tổng kết cuối năm, lúc nào tôi cũng nhận hàng tá giấy khen, vở sách nhận thưởng lên đến hàng trăm cuốn. Phần thưởng nhiều đến nỗi tôi không thể nào tự mình đem hết về nhà. Loay hoay trong mơ mộng về một thời đã xa, tôi giật mình tự hỏi: Tại sao tôi của năm 19 tuổi lại ước mình được như ngày tôi 8, 9 tuổi? Không lẽ vì chút thành tích ở trường làng mà mình dấy lên lòng tham, sự ham muốn đạt được như vậy sao? Tôi của hiện tại chẳng phải đã tốt hơn rất nhiều, hà cớ gì đi tìm lại mình của ngày xưa - ngày mà kiến thức chỉ dừng lại ở cộng, trừ, nhân, chia, ngày mà tôi chưa biết gì đến nỗi đau và mất mát ở đời. Quay cuồng trong mớ suy nghĩ đó, tôi nhận ra rằng chỉ nên xem “tôi trong mắt tôi” của ngày xưa như một hồi ức đẹp nuôi dưỡng mình lớn lên.
Tôi hiện tại luôn cố gắng hết mình để hoàn thành công việc ở mức hiệu quả nhất có thể. Việc học ở trường, việc làm thêm, nhiều thứ chồng chất đôi lúc khiến tôi áp lực. Tôi cứ hoài phấn đấu, tự nhắc bản thân phải cố lên. Nhưng phấn đấu thế nào là đủ, đâu mới là đích đến cuối cùng khi cuộc sống cứ vận động không ngừng nghỉ?
Và rồi tôi nhận ra bản thân cần một khoảng lặng. Khoảng lặng để tôi tìm về với bình yên, thâu vén tâm hồn, dung nạp nguồn năng lượng tích cực. Tôi biết rằng sau những bộn bề của cuộc sống, trái tim rất cần được ủi an, vỗ về.
Những lúc mệt mỏi như thế, tôi chọn ngồi thật yên, để cái lạnh theo gió đầu mùa phà vào mặt, lặng nhìn từng chiếc lá rơi trong những ngày cuối thu đầu đông. Những hôm có nhiều thời gian, tôi tham gia các công tác thiện nguyện để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa,… Sau những lần ấy, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của những người được tôi và các anh em trong câu lạc bộ giúp đỡ, lòng tôi mở ra và tươi vui như mới. Tham gia công tác thiện nguyện còn giúp tôi biết đồng cảm, sẻ chia, nuôi dưỡng lòng nhân và trân trọng những gì mình đang có.
Tôi từng đọc câu thơ của Cù Huy Cận viết rằng: “Hạnh phúc rất đơn sơ/ Nhịp đời xin bước chậm”. Đằng sau một con người năng nổ, nhiệt tình với mọi hoạt động, tôi luôn tự cân bằng chính mình bằng cách “bước chậm lại giữa thế gian vội vã” để không bỏ lỡ điều kỳ diệu nào của cuộc sống và thấu rõ từng sát-na trong đời.
Cuối cùng thì…
Sau những tháng năm của tuổi trẻ, “tôi trong mắt tôi” vẫn là cô gái hồn hậu, đa sầu cảm và yêu quý cái đẹp. Cảm ơn thời gian, cảm ơn những nghịch cảnh đã tôi luyện nên một Khánh Nhi bền bỉ và kiên cường để rồi mỗi lần nhìn lại thấy tự hào về bản thân với những gì mình đã làm được, thấy tiếc nuối và rút kinh nghiệm cho những lần mình vấp ngã. Bởi có buồn, vui, thất bại, thành công, khổ đau, hạnh phúc,… mới là thanh xuân, là cuộc đời.
Cũng có lúc ngẫm mình mệt nhoài, nhưng đứng trước mênh mông của tình đời, tình người, của những điều chưa biết mặt, chưa gọi thành tên, tôi lại thấy tuổi trẻ là khoảng giới hạn nhất của đời người nên muốn sống sao cho trọn vẹn, vậy thôi.