GN - Hàng năm, cứ đến dịp lễ Phật đản là tôi có cơ hội vẽ Phật. Khách hàng của tôi toàn là người quen trong đạo tràng cho nên vấn đề tiền thù lao cũng không quan trọng lắm đối với một người thợ vẽ nghiệp dư như tôi. Qua nhiều năm được vẽ, thành ra việc vẽ Phật của tôi đã có nhiều kinh nghiệm và càng ngày bức vẽ càng hoàn hảo hơn trước.
Các em nhỏ trong khóa tu "Gieo hạt từ tâm" (Quan Âm tu viện, TP.HCM) vẽ Phật
Muốn vẽ chân dung một ai đó, chưa nói là vẽ Phật, thầy tôi dạy (thầy tôi là một vị Đại đức), ngoài cái phần tướng, tức là biểu hiện sắc tướng bên ngoài, người họa sĩ cần phải biết cách lột tả cái thần, tức là cái tánh bên trong, “tùng tướng nhập tánh”.
Dân số thế giới ước tính đến tháng 7-2013, có 7.095.217.980 người. Hơn 7 tỷ người trên thế giới có hình dáng, mặt mày, tính nết khác nhau, “bá nhơn, bá tánh”, ít có người giống nhau (trừ trường hợp song sinh), kẻ cao người thấp, kẻ mập người ốm. “Nhân vô thập toàn”, kẻ tốt mặt này, người chưa tốt mặt kia. Tại sao vậy? Câu hỏi này làm đau đầu nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu tìm cách giải mã bí ẩn này của con người. Nhưng vấn đề ấy, đạo Phật lý giải một cách dễ dàng. Sự khác biệt ấy là do nơi hành vi khác nhau của mỗi con người. Thế gian đủ loại người: kẻ thiện, người bất thiện; kẻ tham lam ích kỷ, người rộng lượng vị tha; người tánh tình cục cằn, kẻ nhã nhặn hiền từ; người hống hách tự kiêu, kẻ khiêm cung từ tốn. Do hành vi khác nhau nên khi tái sinh lại trong quốc độ hoặc cảnh giới mới (đời vị lai) có những hình dáng khác nhau tùy theo tướng tánh hành vi trong kiếp trước. Vì vậy mà không ai có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp như Đức Phật.
Đức Phật, Ngài đã tu từ vô lượng vô vô lượng kiếp, thực hiện tròn đủ mười pháp Ba-la-mật mới được những quả lành để tạo ra đủ tướng vẻ tốt đẹp ấy. Người vẽ Phật không thể vẽ hết tất cả tướng vẻ tốt đẹp của Đức Phật, nhưng cũng nên biết rõ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Ngài. Có như vậy mới thể hiện được cái sắc tướng tốt bên ngoài và cái tánh đẹp cao quý tiềm ẩn bên trong của Phật.
Với tôi, vẽ Phật dễ nhất là vẽ đôi tai dài biểu thị thọ mạng, lắng nghe thấu rõ hết nỗi đau, phiền não của chúng sanh. Kế đến là vẽ vầng trán mênh mông biểu thị sự thông thái cao siêu của bậc Đại trí tuệ. Nhưng khó nhất là vẽ mắt, làm sao cho đôi mắt ngời sáng lung linh, hiền từ quán chiếu nhìn sâu, gieo rắc tình thương bao la. Thích nhất là vẽ đôi bàn tay mềm mại của Phật. “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, tay phải chỉ “thiên thượng” trên cao, nguyện làm việc phải; tay trái chỉ “thiên hạ” dưới thấp, cũng nguyện làm việc phải. Cái thích kế nữa là vẽ đôi bàn chân sơ sinh thơ ngây của Phật. Ngài đứng trên đài sen an nhiên thư thái, gót chân vàng oai nghiêm vững vàng dũng mãnh. Hoàn thiện tác phẩm là nét vẽ ánh hào quang ngũ sắc soi lối, chỉ đường cho những con thuyền quay về bến giác. Những con thuyền đang lạc nẻo lênh đênh chìm nổi trầm luân giữa biển khổ cuộc đời nhìn thấy ánh hào quang định hướng nhận biết đâu là bờ bến Phật.
Tôi vẽ Phật.
Anh vẽ Phật.
Chúng ta vẽ Phật.
Nếu không có hình ảnh Phật ngự trị trong trái tim thì làm sao con có thể vẽ thật giống Ngài như vẽ đôi môi cười chúm chím, nụ cười thanh tịnh an vui “niêm hoa vi tiếu”.
Con đã hoàn thành tượng Phật đản sinh, cung kính treo lên trên ngôi cao nhất, và chắp tay chiêm bái đấng Cha lành Giáo chủ cõi Ta-bà, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Trải qua 2.638 năm rồi, vậy mà hôm nay Phật vẫn tươi mới trẻ trung Đản sinh trong lòng những người con Phật.