Tồn tại hay sở hữu?

GN - Chúng ta bị lao vào một cuộc khủng hoảng kinh tế với diện rộng hiếm có, đòi hỏi phải đặt lại từ căn cơ mô hình phát triển, xây dựng nền tảng trên sự tăng trưởng bền vững của sản xuất và tiêu thụ.

Từ “crise” tiếng Pháp, (“crisis” tiếng Anh) (khủng hoảng) theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “quyết định”, “phán xét” và gửi gắm ý tưởng về một thời điểm bản lề ở đó “việc cần phải quyết định”. Chúng ta đang trải qua một thời kỳ mấu chốt ở đó những lựa chọn căn bản phải được thực thi, nếu không thì cái xấu sẽ ngự trị, có thể theo chu kỳ, nhưng chắc chắn.

1.jpg

Như Jacques Attali1 và André Comte-Sponville2 đã nhắc nhở chúng ta trong một đối thoại lý thú, những lựa chọn đó có thể là chính trị, bắt đầu bởi một sự lành mạnh hóa cần thiết, và cũng có thể là một khuôn khổ hiệu quả hơn và đúng đắn hơn của hệ thống tài chính lệch lạc mà lâu nay chúng ta đang sống trong đó. Những lựa chọn đó cũng có thể liên quan trực tiếp hơn đến những tập thể công dân, họ cần định hướng lại nhu cầu về việc mua những sản phẩm hợp sinh thái hơn và liên đới hơn. Lối thoát bền vững của khủng hoảng tùy thuộc chắc chắn vào một quyết định đúng đắn để thay đổi những luật chơi tài chính và những thói quen tiêu thụ của chúng ta. Nhưng chừng đó thôi là không đủ. Đó phải là phương thức sống, xây dựng trên sự gia tăng nhất định của tiêu thụ cần phải điều chỉnh.

Từ cuộc cách mạng công nghiệp, và còn kể từ những năm 1960, quả thật chúng ta sống trong một nền văn minh lấy tiêu thụ làm động cơ cho sự tiến bộ. Máy móc không chỉ là kinh tế, mà còn là ý thức hệ: tiến bộ tức là sở hữu nhiều hơn. Quảng cáo có mặt khắp nơi trong cuộc sống chúng ta, chỉ làm suy tàn niềm tin tốt đẹp dưới mọi dạng thức. Có thể nào sung sướng nếu không có xe hơi đời mới? Mô-đen cuối cùng của đầu đọc DVD hay điện thoại cầm tay? Một tivi và máy tính hợp nhất? Ý thức hệ đó hầu như không bao giờ đặt lại nguyên nhân, miễn sao mình có cái mình muốn. Và phần đông những cá nhân xuyên khắp hành tinh ngày nay dòm ngó đến mô hình mẫu phương Tây, nơi mà lấy sở hữu, tích trữ và sự biến đổi thường xuyên những của cải vật chất làm ý nghĩa tối thượng của sự tồn tại ở đời. Khi mô hình đó bị đau thì hệ thống trật đường ray; khi lộ rõ người ta không thể nào tiếp tục tiêu thụ vô giới hạn với nhịp điệu phóng túng, khi lộ rõ những tài nguyên của hành tinh không phải là vô hạn và nó phải trở thành khẩn cấp để cùng chia sẻ, thì cuối cùng những câu hỏi tốt sẽ được đặt ra. Người ta tự vấn về ý nghĩa của kinh tế, về giá trị đồng tiền, về những điều kiện thực sự của sự cân bằng giữa xã hội và hạnh phúc cá nhân.

Đến khi đó, tôi tin rằng khủng hoảng có thể và phải có một tác động tích cực. Khủng hoảng giúp chúng ta đặt lại nền móng văn minh, lần đầu tiên trở thành toàn cầu, trên những tiêu chuẩn khác với đồng tiền và sự tiêu thụ. Khủng hoảng đó không chỉ là kinh tế và tài chính, mà cũng là triết học và tâm linh. Nó đặt lại những tra vấn toàn bộ: cái gì được xem như là một tiến bộ thực sự? Con người có thể hạnh phúc và sống hòa hợp với người khác trong một nền văn minh hoàn toàn được kiến tạo chung quanh một lý tưởng về sở hữu? Không còn nghi ngờ gì nữa. Tiền bạc và sở hữu của cải vật chất chỉ là những phương tiện, chắc chắn là quý báu, nhưng không bao giờ tự nó là mục đích của con người. Sự ham muốn sở hữu, một cách tự nhiên, là vô độ. Và nó sinh ra sự tước đoạt và bạo động. Con người vốn không ngừng có khuynh hướng thèm khát sở hữu cái mà họ không có, nay cần phải từ bỏ dùng sức mạnh để cướp nó nơi láng giềng.

Như thế, một khi những nhu cầu vật chất chính yếu được đảm bảo - tự nuôi sống, có một mái nhà và phương tiện sống đàng hoàng - con người cần phải thâm nhập một lôgic khác với lôgic đã có để tự hài lòng và trở thành tràn đầy nhân tính: đó là lôgic con người. Con người phải học để tự biết mình và tự chủ, để lãnh hội thế giới xung quanh và tôn trọng thế giới đó. Con người phải khám phá vì sao yêu thương, vì sao sống cùng với người khác, vì sao từ bỏ tước đoạt, vì sao cần lãnh hội sự trong sáng, vượt qua đau khổ không tránh khỏi của cuộc sống, nhưng cũng chuẩn bị cái chết với đôi mắt mở. Vì nếu tồn tại là một thực tế, thì sống là một nghệ thuật. Một nghệ thuật cần phải học, bằng cách tìm học các nhà hiền triết và làm việc tự thân.

Frédéric Lenoir
Cao Huy Hóa dịch

(Theo Le Monde des Religions số tháng 7-8, 2009)

 _____________

1 Jacques Attali, sinh năm 1943, nhà kinh tế, nhà văn và viên chức cao cấp Pháp.

2 André Comte-Sponville, sinh năm 1952, nhà triết học Pháp.

Frédéric Lenoir, người Pháp, sinh năm 1962 tại Madagascar, là một nhà triết học, nhà xã hội học, nhà sử học về tôn giáo. Ông đỗ tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cao cấp các ngành khoa học xã hội (EHESS: Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales), với đề tài luận ánĐạo Phật ở phương Tây”, và tiếp tục hoạt động nghiên cứu tại viện đó.

Ông đã sản xuất và dẫn một chương trình hàng tuần trên đài phát thanh với chủ đề về tâm linh, từ tháng 9-2009. Frédéric Lenoir là tác giả của rất nhiều tiểu luận, tiểu thuyết, chuyện kể, và bách khoa toàn thư, được dịch ra vào khoảng 20 ngôn ngữ và khoảng 6 triệu bản sách được bán rộng rãi. Ông cũng viết nhiều vở kịch, kể cả kịch truyền hình và hài kịch.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày