Trách nhiệm hộ trì Tam bảo của người Phật tử tại gia

Giác Ngộ - Trong vai trò đồng hành gắn bó keo sơn cùng dân tộc, thông qua mục tiêu “Phật hóa gia đình” nhằm đẩy lùi những vấn nạn xã hội, góp phần tái tạo nền đạo đức xã hội, có thể nói đây là cơ hội và điều kiện để toàn thể Phật giáo đồ thể hiện tốt vai trò đồng hành cùng dân tộc, đóng góp công sức phụng sự đạo - đời, trong giai đoạn đất nước mở cửa hội nhập. 
Phattu.JPG

Phật tử trẻ ngày nay

Như chúng ta đã biết, sự hình thành và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn dựa trên một nguyên thể bất di bất dịch là Phật, Pháp, Tăng. Đó chính là một cơ thể sống của Giáo hội Phật giáo từ nguyên thủy sơ khai cho mãi đến tận ngàn sau. Trên thực tế, Tăng già hình thành trong thế gian, sinh hoạt trong hoàn cảnh của pháp hữu vi, cho nên đòi hỏi phải khéo léo trong tổ chức, trong sinh hoạt, trong hoằng pháp và giáo dục… Trước những vấn đề đặt ra, thì cùng một lúc và bằng mọi cách, Giáo hội phải thành tựu hai mục tiêu căn bản đối với Tăng già: Một là tất cả thành viên trong Tăng già phải gìn giữ giới luật nghiêm minh và truyền bá Phật pháp để cứu độ chúng sanh. Hai là tất cả thành viên trong Tăng già đều phải đạt đến trình độ tu chứng nhất định. Như vậy, sinh hoạt của Tăng già vừa có tính cách cá nhân, vừa có tính cách xã hội. Cả hai nhân tố ấy phải hỗ tương nhau, cùng nhau khơi nguồn tuệ giác trong đời sống.

Đối với Tăng già, đòi hỏi Giáo hội phải thành tựu hai mục tiêu căn bản nêu trên, thì đối với Phật tử tại gia, không thể nào Giáo hội không có mục tiêu tối thượng nào dành cho họ, bởi từ trên 2.000 năm qua, hàng Phật tử tại gia cũng là “nhị chúng” trong “tứ chúng” đệ tử Phật, họ là một phần máu thịt trong cơ thể Giáo hội, họ không chỉ là thành phần hộ pháp đắc lực mà còn là những nhân tố tích cực trên con đường giác ngộ giải thoát. Một khi nhìn lại, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy, trách nhiệm của Tăng già thiêng liêng và cụ thể như vậy, trong khi đó trách nhiệm hộ trì Tam bảo của người Phật tử tại gia, từ lâu nay thường chỉ đóng khung trên con đường mòn “cúng dường” và “công quả”. Trong khi đó, ý nghĩa sâu xa của hộ trì Tam bảo là làm cho Tam bảo trường tồn, làm cho Phật nhật Tăng huy, khiến cho pháp luân thường chuyển. Do ý nghĩa thiêng liêng trọng đại này mà người Phật tử tại gia, ngoài bổn phận “cúng dường”, “công quả”, tham gia các hoạt động Phật sự, đóng góp tài trí, công sức cho sự phát triển của Giáo hội, thì họ rất cần phát huy vai trò và trách nhiệm hộ trì Tam bảo ở một tầm nhìn thấu đáo hơn, sâu sắc hơn, nhất là trong bối cảnh nền đạo đức xã hội đang có chiều hướng xấu.

Ở đây chúng tôi cũng xin nhấn mạnh vấn đề, để chủ trương “Phật hóa gia đình” đi vào cuộc sống, ngoài trách nhiệm của Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử, thì bản thân người Phật tử tại gia phải thể hiện một đời sống tu tập, đóng góp công tác Phật sự trên tinh thần vô ngã, có như vậy thì mới làm tròn trách nhiệm của người Phật tử tại gia một cách xứng đáng, đồng thời mới cảm hóa được con cháu trong gia đình dòng tộc hướng về Tam bảo.    

Ngoài ý nghĩa hộ trì Tam bảo theo hướng thông thường như tín đồ Phật tử bấy lâu nay đã thực hiện, chúng tôi thiết nghĩ, Giáo hội, cụ thể hơn là Ban Hướng dẫn Phật tử, nên xác định lại vai trò của người Phật tử trong giai đoạn Phật giáo vừa phát triển, vừa cộng sinh cùng với những vấn nạn xã hội thời đại, để từ đó giúp họ ý thức bổn phận trách nhiệm hộ trì Tam bảo ở chiều sâu, thông qua việc giữ gìn giới luật, trau giồi giới hạnh, công phu tu tập; và ở chiều rộng, thông qua sự dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc một cách thực tế và có trách nhiệm.

Phật tử tại gia

Thật ra, truyền thống “Tứ chúng đồng tu” trong đạo Phật và vai trò của người Phật tử tại gia (nam nữ cư sĩ) trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam đã được Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định. Quần chúng Phật tử tại gia là một thực thể nhân sự đông đảo nhất trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, trải dài theo dòng chảy lịch sử Phật giáo nước nhà, cùng với giới xuất gia, quần chúng Phật tử tại gia không chỉ luôn thể hiện tốt vai trò hộ trì Phật pháp, mà còn nhiệt tình dấn thân phụng sự xã hội trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, nghiên cứu, biên soạn, kiến trúc, xây dựng, từ thiện xã hội… Những đóng góp to lớn của giới Phật tử tại gia cho đạo pháp và dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử và ba thập niên qua đã được toàn thể Phật giáo đồ ghi nhận và họ thật sự xứng đáng với vai trò hộ trì Tam bảo.

Trách nhiệm hộ trì Tam bảo của người Phật tử tại gia trong một vai trò đặc biệt và cấp thiết trong bối cảnh đạo đức xã hội có chiều hướng xuống cấp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Như vậy, vai trò đặc biệt và vô cùng cấp thiết của giới Phật tử tại gia trong bối cảnh xã hội hiện nay, đó chính là hoàn thiện nhân cách đạo đức, thể hiện đời sống tu tập trên nền tảng giáo lý Phật Đà và đầy đủ năng lực cũng như tâm huyết để dấn thân trên con đường hoằng pháp lợi sanh. Đây chính là trách nhiệm lớn lao và vô cùng nặng nề mà bất kỳ người Phật tử tại gia nào tâm huyết với đạo pháp, nặng lòng với dân tộc cũng đều phải cưu mang, trăn trở.   

Như chúng ta đã biết, thời Phật tại thế, giới cư sĩ với vai trò trách nhiệm hộ trì Tam bảo, họ là nguồn sinh lực hậu thuẩn thiết thực và rất hiệu quả cho giới xuất gia, họ sớm có một vị trí quan trọng nhất định trong Giáo hội. Thời nay, trên thực tế, người Phật tử tại gia không chỉ đến chùa tụng kinh, nghe giảng, tham gia Phật sự, mà họ còn cùng chia sẻ trách nhiệm hoằng pháp lợi sanh cùng giới xuất gia. Nhất là trong bối cảnh đạo đức`xã hội đang có nhiều bất cập, thì chủ trương “Phật hóa gia đình” nhằm hướng đến “đạo đức xã hội” quả thật rất cần xác định lại trách nhiệm hộ trì Tam bảo của người Phật tử tại gia ở một tầng bậc chuẩn xác hơn, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế để nâng cao vai trò hộ trì Tam bảo của người Phật tử, chúng ta phải ý thức rằng, sự hiện diện kịp thời của người Phật tử tại gia trong vai trò những hoằng pháp viên thân thiện trong tình hình đạo đức xã hội hiện nay là điều kiện vô cùng cần thiết không chỉ đối với sự nghiệp phát triển Giáo hội, mà rất thiết thực đối với đời sống xã hội. Chính vì vậy mà Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cần kết hợp với Ban Hoằng pháp lên kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ hoằng pháp viên, để thực hiện được điều này rất cần sự quyết tâm và sự đầu tư đúng mức, có tạo điều kiện thuận lợi thì mới có thể giúp họ hoàn thành trọng trách mà Giáo hội cũng như xã hội giao phó.

Tuy nhiên, một khi nói đến trách nhiệm hộ trì Tam bảo của người Phật tử tại gia, tức là nói đến trách nhiệm của GH trong công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử, giúp họ xác định vai trò trách nhiệm của người Phật tử tại gia đối với đạo pháp và dân tộc. Như vậy, để xác định vai trò và trách nhiệm hộ trì Tam bảo của người Phật tử tại gia trong giai đoạn hiện nay, điều này luôn tùy thuộc vào hai yếu tố cơ bản:

1. Tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm của người Phật tử tại gia trong vai trò hộ trì Tam bảo.

2. Tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm của các nhà hoằng pháp, nói rộng ra và cụ thể hơn thì đó là tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm của chư Tăng Ni đối với công tác hướng dẫn Phật tử, giúp họ làm tròn vai trò và trách nhiệm hộ trì Tam bảo.

3. Một khi người Phật tử tại gia ý thức trách nhiệm cao cả này và đã xác định vai trò hoàng pháp lợi sanh là việc bổn phận, thì bản thân họ sẽ tự trang nghiêm thân tướng, thanh tịnh ba nghiệp, và các đối tượng hoằng pháp đầu tiên mà người Phật tử tại gia hướng đến, đương nhiên là những thành viên trong gia đình, trong tộc họ, rộng ra là bằng hữu, là đối tác trong giao dịch làm ăn, như vậy từ mục tiêu “Phật hóa gia đình” hướng đến “đạo đức xã hội” không còn là chủ trương trên bàn giấy.

wwwht.jpg

TT.Thích Huệ Thông

Trong phạm vi giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ nêu khái quát một số trách nhiệm mang tính bản lề của người Phật tử tại gia trong vai trò hộ trì Tam bảo:

1. Thực hành một đời sống mô phạm của một người Phật tử tại gia, thông qua các việc làm cụ thể như sau:

- Giữ gìn ngũ giới.

- Thực hành thập thiện.

- Sống, làm việc và tâm tư luôn hướng đến đời sống tu tập trên tinh thần Bát Chánh Đạo.

- Chọn một pháp môn để tu tập (đúng chánh pháp).

- Lập thời khóa và tiến hành công phu tu tập.

2. Thành kính cúng dường Tam bảo.     

3. Tham gia các công tác Phật sự (công quả) tùy theo điều kiện và khả năng trên tinh thần tự giác tự nguyện.

Ngoài ra, người Phật tử tại gia cần phải xác định công tác hoằng pháp lợi sanh cũng là một Phật sự vô cùng quan trọng mà họ cần phải chia sẻ một phần trách nhiệm với giới xuất gia.

Trong tổ chức Giáo hội Phật giáo từ thời Phật tại thế đến nay luôn có sự hiện diện của hàng tứ chúng. Trong đó, Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni thuộc hàng đệ tử xuất gia; cư sĩ nam, cư sĩ nữ thuộc hàng đệ tử tại gia. Dù là giới xuất gia hay giới tại gia, thì bổn phận trách nhiệm của người con Phật là đều phải hướng đến mục tiêu tu hành giác ngộ và giải thoát trên nền tảng giáo lý Phật Đà. Tuy nhiên do hoàn cảnh sinh hoạt và điều kiện tu tập khác nhau nên giới Phật tử xuất gia thường đặt mục tiêu tu hành giải thoát và hoằng dương chánh pháp lên hàng đầu, còn giới Phật tử tại gia, đa phần do hoàn cảnh sinh sống và điều kiện tu tập thiếu những trợ duyên thuận lợi, nên chỉ dừng lại ở mức độ hộ trì Tam bảo. Điều này cũng đồng với nghĩa, người Phật tử tại gia xem việc tu hành giải thoát là trách nhiệm của giới xuất gia, còn bổn phận của họ chỉ lo hộ pháp mà thôi. 

Xuất phát từ nhận thức này, nên giới Phật tử tại gia, rất ít người chịu khó đi sâu vào giáo lý, kinh điển; điều này dẫn đến sự giới hạn trên phương diện tri thức Phật giáo, do vậy mà họ chịu khá nhiều thiệt thòi trên bước đường hướng đến ngôi nhà giác ngộ giải thoát. Phật tử tại gia đừng nên quên rằng, mục tiêu tu hành giác ngộ và giải thoát luôn là mục tiêu chung của cả hai giới xuất gia và tại gia và cả hai giới cũng đều có trách nhiệm hộ trì Tam bảo như nhau cả. Tuy nhiên người Phật tử tại gia khi tu tập và đóng góp Phật sự phải thể hiện sự khiêm tốn, kính Phật trọng Tăng, hầu hoàn thiện vai trò hộ trì Tam bảo và làm gương cho quần chúng tăng thêm niềm tin đối với Phật pháp. Điều khác biệt ở đây là mỗi giới tùy theo hoàn cảnh và điều kiện tu tập đang có mà thực hiện mục tiêu tu hành giải thoát cũng như hộ trì Tam bảo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày