Trái tim cùng một nhịp đập

Giác Ngộ - Giác Ngộ đang bước vào năm thứ 36 tràn trề sức sống, được xem là một trong những tờ báo có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử báo chí Phật giáo VN.
kyniem-1.gif

Ban Biên tập Báo Giác Ngộ và lãnh đạo UBMTTQ TP chụp ảnh lưu niệm

nhân Ngày Báo chí VN 21-6 trước cổng tòa soạn cũ


Sự ra đời của báo vào thời điểm năm 1976 với nhiều khó khăn về mọi mặt trong giai đoạn đất nước vừa thống nhất, tình hình kinh tế xã hội, chính trị chưa thực sự ổn định. Chính trong bối cảnh đó, Báo Giác Ngộ đã nếm trải nhiều thăng trầm trong quá trình hình thành và phát triển qua 2 đời Tổng Biên tập, từ cư sĩ Võ Đình Cường (1976-1990) và HT.Thích Trí Quảng từ 1990 cho đến nay. Những ai có cơ duyên đồng hành cùng Giác Ngộ từ những ngày đầu mới được dịp trải nghiệm, cảm nhận những thay da đổi thịt về diện mạo nội dung hôm nay của của tờ báo Phật giáo qua nhiều năm tháng với biết bao thế hệ con người gắn bó, ra sức xây dựng từng trang mục đáp ứng được kỳ vọng ở nền báo chí Phật giáo non trẻ trong bước phát triển đi lên của đất nước.


Riêng với tôi, từ những ngày đầu đến với Báo Giác Ngộ, tôi đã cảm nhận ra mình có một cơ duyên với nghề báo, vì trong tôi, vị Tăng trẻ có máu nghề nghiệp thôi thúc đầy nhiệt tình và lòng hăng say lao vào một nghề hoàn toàn xa lạ và mới mẻ, hoàn toàn chưa được đào tạo làm nghề báo bao giờ! Cũng từ ngày đầu, cư sĩ Võ Đình Cường (anh em chúng tôi thường gọi bác Cường) mời tôi vào phòng nói: “Tôi thấy Tăng Ni mình không mấy người yêu thích làm báo, thầy là vị Tăng trẻ đầu tiên đến với Giác Ngộ, thầy cũng biết nghề cầm bút là nghề cần phải có năng khiếu và lòng say mê nhưng cũng nhiều vất vả.  Tôi thấy thầy có tâm huyết, nên về đây góp duyên với anh em chúng tôi đi…”. Cũng từ buổi gặp gỡ đầu tiên đó, tôi đã là một người gắn liền với Giác Ngộ trên 20 năm qua. Thật ra, có những lúc vấp phải những chông gai trong công việc, tôi cũng có ý định rời khỏi tòa báo nhưng rồi “nghiệp duyên” từ sự say mê nghề nghiệp thực sự đã níu chân tôi gắn bó ở lại cho đến tận bây giờ.


Nghĩ và nhớ lại những ngày đầu tôi còn bỡ ngỡ nhưng dần dần rồi cũng hòa chung với sinh hoạt tại tòa soạn, trong một ngôi biệt thự với lối kiến trúc cũ xây dựng khoảng thập niên 1960, mái ngói rêu phong, cửa lá sách, các phòng bố trí theo kiểu sinh hoạt của gia đình, không phù hợp với công việc đặc thù của cơ quan báo chí. Nhiều phóng viên, biên tập của Báo Giác Ngộ thời kỳ đầu có một vài anh chị đã “ra đi”, cũng có người chuyển công tác khác, nhưng điều đặc biệt ở họ là tinh thần nghề nghiệp gắn bó với báo Giác Ngộ; tuy có những anh chị chưa thấm nhuần tinh thần đạo lý nhà Phật và sinh hoạt Phật giáo, nhưng cho đến hôm nay vẫn tự hào, hãnh diện vì đã làm việc một thời gian với Báo Giác Ngộ, trong đó có anh Minh Đỗ, chị Thái Thanh, anh Nguyệt, chị Hà… tất cả đều với một tấm lòng mong muốn tờ báo Phật giáo phát triển.

Ngay cả những phóng viên của thế hệ thập niên 1990 do hoàn cảnh kinh tế phải rời khỏi Giác Ngộ như các anh chị Uyên Viễn, Kim Tuyến, Việt Nhân, Giang Phong… nhưng vẫn còn đó sự lưu luyến như họ từng chia sẻ: “Chúng tôi không thấy ở Giác Ngộ môi trường làm việc náo nhiệt như ở các tòa soạn khác, mà yên ả, bình thản, không gay gắt và không tạo nhiều áp lực. Chuyển sang làm việc nơi khác mới cảm nhận thương mến Giác Ngộ!”. 

Tòa soạn Giác Ngộ lúc đó tất cả trên dưới 10 người từ lãnh đạo, biên tập, phóng viên, phát hành, kế toán, thủ quỹ, mỗi phòng không quá 16m2. Bên ngoài căn làm việc chính của tòa soạn là các dãy phòng dành bố trí cho 4 căn hộ gia đình CBNV trong điều kiện chật vật, thiếu thốn tiện nghi. Cứ mỗi chiều khi rời tòa soạn, tôi tự hỏi làm sao các anh chị ấy có thể sống với hoàn cảnh nhiều thiếu thốn như vậy ở một cơ quan báo chí Phật giáo suốt nhiều năm liền trong điều kiện số lượng phát hành không quá 3.000 số mỗi kỳ nửa tháng một lần. Lương của mỗi người thời kỳ đó thấp nhất so với các báo và cơ quan doanh nghiệp ngoài xã hội, nhưng các anh chị vẫn bám trụ làm việc ở một tờ báo Phật giáo được xếp loại hạng 3 trong các báo đoàn thể tại thành phố lúc bấy giờ. Có người còn nói với chúng tôi “Báo Giác Ngộ là tờ báo nghèo nhất nước”(?), do vậy nếu không phải vì lòng nhiệt tình yêu nghề trong môi trường Phật giáo thì có lẽ khó mà trụ được trên 10 năm cho đến khi Báo Giác Ngộ chuyển mình sang giai đoạn mới vào năm 1990.

kyniem-2.gif

Ngôi biệt thự dùng làm tòa soạn Báo (ảnh chụp năm 1990)

nay đã được xây dựng mới khang trang

Nhìn lại chặng đường đã đi qua suốt chiều dài 36 năm của Báo Giác Ngộ đến hôm nay  chỉ còn trụ lại cư sĩ Tống Hồ Cầm, anh Trần Công Đức… thế hệ này tiếp nối thế hệ trước tạo nên sức sống như một sự kế thừa trong dòng chảy của thời gian bất tận. Chúng tôi vui mừng chứng kiến diện mạo Báo Giác Ngộ hôm nay với công nghệ in ấn tương đối hiện đại, hình thức trình bày, nội dung, số lượng phát hành tăng gấp nhiều lần so với những thập niên trước đây trong một cơ ngơi tòa soạn khang trang, đầy đủ phương tiện làm việc của thời đổi mới… Nhiều anh em nói với tôi: “Nhìn vào các cơ quan Phật giáo cả nước hiện nay, tòa soạn Giác Ngộ là một cơ quan có tầm cỡ hiện đại nhất. Tuy còn khiêm tốn so với các cơ quan báo chí ngoài xã hội, nhưng trong giới Phật giáo thì Giác Ngộ phải tự hào với phương tiện và công cụ tác nghiệp: đường truyền internet cáp quang, điện thoại liên thông trên 8 số/32 lines để liên lạc các phòng ban, mạng LAN (nối mạng nội bộ)  v.v…”. Bên cạnh các ấn phẩm báo in, phiên bản điện tử Giác Ngộ online ngày càng được cải tiến nhiều công cụ tiện ích hơn nhằm phục vụ độc giả trong và ngoài nước truy cập thông tin nhanh chóng nhất. Đây thực sự là một bước tiến khá dài trong định hướng phát triển của báo chí Phật giáo.


Trong giới làm báo, có phóng viên viết bài được đăng có tên trên mặt báo và cũng có những người “âm thầm, lặng lẽ” sau lưng mặt báo như người tưới nước cho hoa trổ bông xanh tươi mà không được nhắc đến, đó là các nhân viên sửa bản in, nhập dữ liệu, dàn trang và cuối cùng là những người phát hành chở báo bằng phương tiện cá nhân hàng tuần đem tờ báo đến tận tay Tăng Ni, Phật tử độc giả vào ngày thứ Sáu... 


Tất cả những người ở Báo Giác Ngộ tuy vai trò nhiệm vụ có khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp nhưng cùng chung một nhịp đập đưa máu về tim nuôi lớn và làm lành mạnh cơ thể. Có thể nói, tất cả chúng tôi đều là những nhân tố luôn luôn tưới tẩm cho vườn hoa báo chí Phật giáo mãi mãi xanh tươi trong ngôi nhà Phật giáo VN. Đến hôm nay, mọi phương tiện xem như tạm đủ của một cơ quan báo chí hiện đại nhưng cũng không phải không còn những khó khăn mà chúng tôi cần phải vượt qua. Từ hình thức, nội dung, phát hành, quảng cáo…, mọi thứ đặt ra cho chư tôn đức lãnh đạo Báo Giác Ngộ về một thời kỳ không còn “một mình một chợ” như những năm 1990 thực sự là một thử thách lớn trước sự xuất hiện ngày càng nhiều tạp chí Phật giáo với các thông tin được chia sẻ. Bên cạnh đó, nhu cầu hưởng thụ sách báo của Tăng Ni, Phật tử trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay đòi hỏi Báo Giác Ngộ luôn luôn phải cải tiến về mọi mặt trong điều kiện chấp nhận cạnh tranh trên lĩnh vực kinh tế thị trường, ngay cả đối với Phật giáo.


“Có hiểu mới thương” - châm ngôn máu thịt này giúp tôi và mọi người đang nỗ lực viết tiếp lịch sử báo chí Phật giáo trong đoạn đường trước mặt cảm nhận với lòng mến thương, kính phục những thế hệ tiền nhiệm đã dày công khai phá ở giai đoạn đầu đầy khó khăn gai góc về mọi mặt của báo chí Việt Nam qua từng giai đoạn, trong đó có Báo Giác Ngộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày