Trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần VI

GNO - Tối qua, 29-3, tại khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM)  đã diễn ra lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VI.

Tham dự lễ trao giải có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ và gần 100 giáo sư, học giả, các nhà nghiên cứu dịch thuật, những cá nhân, người thân và bạn bè  người được vinh danh tham dự.

image.jpg

Bà Nguyễn Thị Bình trao giải cho TS Bùi Trân Phượng

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Bình phát biểu, cho biết, Phan Châu Trinh là nhà  thơ, nhà văn, chí sĩ yêu nước có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong các nhà nho yêu nước tiến bộ trong thời cận đại của Việt Nam. Với chủ trương “Khai dân trí - chấn dân khí - Hậu dân sinh” của ông như một khẩu hiệu và cho đến bây giờ nó vẫn mang tính thời sự nóng hổi.

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ ấy, Quỹ văn hóa  Phan Châu Trinh thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam được một nhóm các nhà trí thức tâm huyết với văn hóa đất nước lập nên, với mong muốn mọi người chung tay góp sức trong việc nâng dân trí, góp phần hiện đại hóa đất nước, đưa dân tộc Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy và tiến bộ của nhân loại.

Giáo Sư Chu Hảo, Phó chủ tịch điều hành quỹ đã đọc quyết định vinh danh 6 cá nhân được nhận giải gồm:

  • Nhà nghiên cứu Lê Thành Khôi, sinh năm 1923; vì những cống hiến nghiên cứu bác học trong quá trình chiêm bái các nền văn hóa từ Đông sang Tây.
  • Nhà dịch thuật Chu Tiến Ánh, sinh năm 1933; vì những nỗ lực các nhân xuất sắc và tài sản trí tuệ lớn mà ông đã mang lại cho những người nghiên cứu và độc giả Việt Nam nói chung.
  • Giáo sư Philippe Langlet, sinh năm 1935; giải Việt Nam học, vì đã có nhiều cống hiến cho ngành văn hóa Việt Nam, không chỉ giới thiệu văn hóa và Lịch sử Việt Nam ra thế giới mà còn là người bạn thủy chung thân thiết của Việt Nam.
  • Nhà dịch thuật Phạm Duy Hiển (tức Phạm Nguyên Trường), sinh năm 1951; vì ông đã chuyển ngữ thành công một số tác phẩm nổi tiếng giới thiệu tinh hoa tri thức thế giới, và với mong muốn tiếp tục nỗ lực khai hóa qua con đường đưa đến cho độc giả Việt Nam những giá trị kinh điển của nhân loại.
  • Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, sinh năm 1950, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen; vì bà đã có những bước đột phá trong việc làm mới nền giáo dục nước nhà.
  • Họa sĩ Vũ Đức Hiếu, sinh năm 1977, giám đốc bảo tàng không gian văn hóa Mường; đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Ông được vinh danh vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục, vì đã góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Mường bên cạnh đó còn thúc đẩy nghệ thuật Việt Nam đương đại.

Có ba người đã không đến trực tiếp nhận được đó là nhà nghiên cứu Lê Thành Khôi, Giáo sư PHILIPPE LANGLET và  nhà dịch thuật Chu Tiến Ánh,  nhưng ngày 21 tháng 3 vừa qua bà Nguyễn Thị Bình đã đại diện cho quỹ trao những phần thưởng cao quý này đến họ tại Pari. Riêng nhà dịch thuật Chu Tiến Ánh đã cử ông Phạm Khiêm Ích nhận thay mình trong ngày vinh danh.

IMG_7738.JPG

Các học giả và đại diện nhận giải thưởng

Các cá nhân được nhận giải lần lượt đọc diễn từ bày tỏ niềm vinh dự và sự biết ơn vì quỹ đã tin tưởng mà giành phần thưởng cao quý này đến mình như một sự động viên khích lệ lớn lao trong việc nghiên cứu, tìm tòi và định hướng phát triển mới cho xã hội Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khoa học của quỹ trong phát biểu bế mạc của mình đã khẳng định, gần 7 năm kể từ khi thành lập (12-10-2006) đã  trải qua được sáu chặng đường nhỏ trên chặng đường dài góp phần canh tân văn hóa, phục hưng dân tộc và phát triển lâu dài của đất nước. Những minh chứng và nỗ lực chung mà ngày nay các cá nhân được vinh danh càng khẳng định tôn chỉ thiết tha đó của giải thưởng ngày một kiên định, những người được vinh danh là một nhân chứng cho sự cống hiến và lao động miệt mài không biết mỏi mệt. Chính họ là những người đi trước, đặt những viên gạch nền móng cho thế hệ sau tiếp tục xây đắp và tô bồi. Chính tài năng, cống hiến và uy tín của họ tạo nên giá trị, uy tín và độ tin cậy cho quỹ và cho giải thưởng cao quý này.

IMG_7729.JPG

Đông đảo người quan tâm và người nhà của người nhân giải tham dự

Bên cạnh đó ông còn khích lệ, động viên thế hệ kế thừa cũng như những người sẽ được vinh danh ở những lần tiếp theo, để họ nỗ lực đem tài năng của mình ra cống hiến, góp phần làm đẹp cho quê hương, làm giàu cho đất nước và phát triển nhân loại.

Trong số tác giả nhận giải thưởng, có tác phẩm Kinh Tuệ Trung (Tuệ Trung Ngữ Lục) của giáo sư Philippe Langlet được hoàn thành và xuất bản sẽ đóng góp vào kho tàng nghiên cứu Phật học ở Việt Nam - có cái nhìn mới hơn về Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XII.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày