GNO - Nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tăng cường sự tin tưởng, đồng thuận cao của đồng bào các tôn giáo trong việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 25-10, tại TP.HCM, Ban Thường trực UBTƯMTTQVN tổ chức hội nghị nghiên cứu, triển khai những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cho các đại biểu các tôn giáo ở phía Nam.
Chủ tọa hội nghị - Ảnh: Q.Định
Về dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯMTTQVN Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN Lê Bá Trình; ông Mai Văn Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; các đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, cùng hàng trăm biểu biểu đại diện các tôn giáo các của 25 tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào.
Tại buổi khai mạc hội nghị, đại biểu các tôn giáo được nghe Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh, thông tin, trao đổi nội dung cơ bản Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác tôn giáo.
Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN Lê Bá Trình thay mặt Ban thường trực UBTƯMTTQVN giới thiệu chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQVN về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác tôn giáo.
Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN Lê Bá Trình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Q.Định
Theo đó, nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên với các cơ quan chức năng của Nhà nước, sự chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp thống nhất hành động giữa UBMTTQVN với các tổ chức thành viên, công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt được kết quả cơ bản. Điều này đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tăng cường vận động, tập hợp, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên nhiều lĩnh vực và đối với nhiều tôn giáo, Mặt trận thể hiện vai trò cầu nối giữa tôn giáo với Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân; góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào các tôn giáo; thực hiện giám sát của nhân dân đối với các chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và phàn biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội và đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại biểu các tôn giáo, dân tộc tham dự hội nghị tại TP.HCM - Ảnh: Q.Định
Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc sẽ tăng cường, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tìm hiểu để nắm chắc tình hình, tập hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo, đồng thời kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật đến chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo…
Về Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, thời gian tới nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện với các nhiệm vụ như: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động tập hợp, các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”;
Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; nâng cao hiệu quả việc phát huy dân chủ, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước vững mạnh; hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo hướng “Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQVN và các đoàn thể nhân dân”…
Các đại diện Phật giáo tham gia hội nghị - Ảnh: Q.Định
Đại biểu đại diện các tôn giáo tỉnh, thành phía Nam - Ảnh: Q.Định
Phát biểu cảm nghĩ của mình, Linh mục Phan Khắc Từ - Phó Chủ tịch UB Đoàn kết Công giáo Việt Nam, nói: “Từ tầm vĩ mô, chúng tôi có thể triển khai những việc làm, mô hình cụ thể đến đồng bào công giáo. Những hoạt động do Mặt trận phát động được đồng bào hưởng ứng và thực hiện rất nghiêm túc, đem lại những kết quả cao. Qua Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng bào theo đạo được tham gia tất cả các hoạt động, người dân theo đạo không đứng ngoài, chủ trương nhiệm vụ của đất nước. Điều này được người dân rất vui mừng, sẽ tạo sự đoàn kết, tạo được sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giúp cho cũng tôi hiểu hơn, có trách nhiệm hơn với Tổ quốc của mình”.
Hòa thượng Đào Như, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ: Tôi nhớ rằng, trước năm 1975, các tôn giáo chưa bao giờ đoàn kết toàn diện nhưng từ 1975 đến nay, Mặt trận Tổ quốc đã đóng vai trò rất lớn đó là đoàn kết được các tôn giáo, làm cho các tôn giáo hiểu nhau, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Hôm nay những kiến thức truyền đạt của Ban Tuyên giáo Trung ương nói về tình hình chính trị, kinh tế, đất nước, nhất là lĩnh vực đối nội đối ngoại làm cho chúng tôi hiểu hơn những việc làm của Đảng, Nhà nước ta là phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.
HT.Đào Như phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Q.Định
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cảm ơn các đại biểu về tham gia đầy đủ, đồng thời đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp hết thức ý nghĩa, thiết thực. Điều này thể hiện một tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các tôn giáo đối với các vấn đề của đất nước.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, với mong muốn phát huy toàn diện các nguồn lực xã hội để phát triển đất nước, trong đó có các vai trò quan trọng của các tôn giáo.
“Các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nước ta, các tôn giáo dù có khác nhau về giáo lý, phương thức hoạt động nhưng đều có chung mục tiêu giải phóng con người, xây dựng một đất nước an lành, hạnh phúc. Đó cũng là mục tiêu xây dựng đất nước theo hướng: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn mình mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới” - Phó Chủ tịch Lê Bá Trình khẳng định.