Trung Hoa thưởng trà

Trung Quốc được coi là quê hương của lá trà, là nơi bắt nguồn cho văn hóa trà đạo – một trong những nét văn hóa ẩm thực chính của người Trung Hoa. Cho đến nay, tập tục uống trà này đã lan rộng ra khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á.

Ngàn năm trà sử

Theo truyền thuyết, Thần Nông - vị hoàng đế Trung Hoa cổ đại - là ông tổ ngành trà của vương quốc này. Trị vì cách đây 5.000 năm, Thần Nông nổi tiếng về sự thông thái trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về khoa học và nghệ thuật. Tục truyền, thuận theo sở thích của nhà vua, các cung nữ thường dâng nước nóng cho ngài ngự thiện. Trong một lần rong ruổi cùng đoàn cận vệ lên đỉnh núi, ngài nghỉ lại dưới một bụi cây. Lá của cây này tình cờ rơi vào tách nước nóng thị nữ đang dâng vua và làm nước chuyển sang màu nâu nhạt. Là người có kiến thức uyên thâm, vị hoàng đế nhận biết ngay mình đang được thưởng thức một loại nước thần kỳ, từng giọt của nó khiến tinh thần trở nên phấn chấn, sảng khoái. Sử chép rằng, trà đã ra đời, từ khoảnh khắc tình cờ ấy.

Trà có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt trong đời sống Trung Hoa. Người dân ở quốc gia này đánh giá cao dược tính của trà. Họ thường dùng trà sau khi ăn vì trà kích thích khả năng tiêu hóa, làm đầu óc trở nên thanh thoát, cơ thể nhẹ nhàng. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ thứ VIII, trà và uống trà mới được nâng lên tầm nghệ thuật và trở thành một thứ đạo của người quân tử qua pho “Trà thuật” của Đường Vũ – thi nhân lừng danh đời Đường. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hoàng kim của triều đại, từ những tuyệt tác văn học và nghệ thuật đương thời, Đường Vũ viết nên “Trà thuật” gồm 3 quyển: trà, cách pha trà và uống trà. Theo sách của ông, pha trà là một nghệ thuật và người thưởng trà phải là một bậc quân tử. Nước pha trà phải lấy từ dòng suối trong và trà được đựng trong những chén sứ tinh khiết. Hậu thế tôn Đường Vũ là ông tiên trà và thờ ngài là ông tổ của trà đạo Trung hoa.

Khắp Trung Hoa rộng lớn, không nơi nào không có sự hiện diện của trà. Trà vừa là thú ẩm thực, là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, vừa là món quà tỏ tình thâm bằng hữu. Qua con đường bang giao hòa hảo, đặc biệt qua con đường tơ lụa lừng danh và phồn thịnh nối liền Trung Hoa với những vương quốc khác, trà theo chân những nhà ngoại giao, những vị thương gia đi khắp thế giới.

Giai điệu của trà

Trung Hoa có hàng ngàn loại trà, nhưng gom lại có thể phân thành 4 loại chính:

- Trà trắng: được sao từ lá trà còn non hoặc từ chồi còn đang đơm.

- Trà xanh: là loại trà được chế biến từ lá đã phát triển, khi sao còn giữ được nguyên vẹn màu xanh của lá.

- Trà đỏ và trà đen: lá trước khi sao đã được lên men cho màu sậm hơn.

Để hương vị thêm thơm thảo và đậm đà, trà thường được ướp với hoa sen, nhài, cúc, ngâu… Hương thơm dịu của những loài hoa này lan tỏa khi từng giọt trà nhỏ vào tách sứ. Nước đã nhạt, cuộc chuyện đã tàn nhưng hương hoa vẫn ngan ngát như quyến luyến không dời.

“Khách đến kính trà” là thói quen của người Trung Hoa. Dâng trà mời khách là một ứng xử biểu hiện lòng mến khách, khách uống trà phải uống từng ngụm nhỏ để thưởng thức vị thơm ngọt của trà và cảm nhận tình thâm của gia chủ.

Trà và văn hóa trà của Trung Hoa có ảnh hưởng sâu rộng đến những nước láng giềng. Nhật Bản có trà đạo, là sự giao thoa giữa thiền và trà của người Trung Quốc. Theo người Nhật, trà đạo tôn thờ cái đẹp và nếp sống thanh cao, tinh khiết. “Uống chén thứ nhất thấy lòng tĩnh lặng, tự soi được vào cõi tâm mình. Uống xong chén thứ hai thấy nơi ấn đường ấm nóng, tư duy thiền sắp được khai thông. Uống xong chén thứ ba cả hai trạng thái trên đều biến mất. Thân xác như hoà vào trời đất. Đó là đạt tới thiền và là Trà đạo" theo “Về Trà”, sách do Kakuzu Okakura chấp bút.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày