GN - Mỗi độ thu về, trẻ thơ háo hức chào đón chị Hằng, nào là quà bánh, đồ chơi, nào là lồng đèn đủ kiểu dáng, sắc màu được làm ra để phục vụ cho các cháu nhỏ. Người lớn nắm tay con trẻ tung tăng dạo chơi giữa phố phường ngập tràn ánh đèn, trông ấm áp và dễ thương làm sao…
Mỗi độ thu về, trẻ thơ háo hức chào đón chị Hằng - Ảnh: H.D
Thế nhưng, bên mảng màu hạnh phúc ấy, vẫn phảng phất những vầng mây u ám từ những người mẹ, những cô gái nhìn theo tiếng cười hồn nhiên trẻ nhỏ mà chợt nhói trong tim khi không thể nào quên được nỗi đau thầm kín chôn giấu bao năm, nỗi đau dứt ruột hủy bỏ mầm sống đang tượng hình trong bụng mình.
Phía sau những bước chân tung tăng, những bước chân ngập ngừng đến chùa còn có những bờ vai khẽ run lên, có dòng nước mắt nghẹn ngào cố ngăn lại...
Mùa trăng tưng bừng rộn ràng của trẻ nhỏ cũng là mùa thương nhớ các hài nhi không được chào đời. Nhiều ngôi chùa tổ chức trai đàn chẩn tế sản nạn thai nhi cho những người mẹ vì lý do nào đó đã hủy đi đứa con của mình. Có cả các cô gái còn trẻ cũng về đây sám hối và thầm thì lời yêu thương trong nỗi ân hận.
Tôi đến chùa vào những ngày tháng Tám. Bên cạnh dòng người thành kính lễ lạy, có những người phụ nữ ngượng ngùng khẽ hỏi:“Có phải ở đây tổ chức trai đàn?”. Người trực phòng tiếp khách khẽ gật đầu. Cầm tờ giấy ghi danh sách, người phụ nữ đỏ ửng mặt mày, ấp úng không thốt nên lời. Một sư cô bước đến, nhẹ nhàng chìa tay nắm lấy tay người phụ nữ, giải thích: “Ghi tên là để vong linh các cháu bé biết có cha mẹ của mình đến thăm.” Người phụ nữ cố ghìm lại tiếng nấc, lí nhí nói tên họ rồi quay đi. Chị vừa bước ra, thì trên thềm đã có một nhóm người chờ đợi. Trong những khuôn mặt ngại ngùng cúi xuống, có cả vóc dáng đàn ông; vò chiếc mũ trong tay, ông lúng túng phân trần: “Tại tôi, tại tôi vô dụng không kiếm ra tiền nên vợ phải…”.
Những cô gái tuổi đôi mươi bồng bột và thiếu hiểu biết, lỡ mang thai, quá sợ hãi nên vội vàng bỏ đi đứa trẻ vừa mới thành hình. Những gia đình mang trong mình tư tưởng phong kiến nặng nề, quyết phải sinh quý tử kế thừa dòng tộc nên siêu âm mà biết đó là bé gái thì hủy đi. Nhiều cặp vợ chồng vì sinh kế khó khăn nên buộc phải bỏ đi đứa con còn trong bụng mẹ. Bao mảnh đời, bao phận người, bao lý do, thế nhưng cho dù lý do gì chăng nữa thì những mầm sống không được nhìn thấy mặt trời cũng trở thành nỗi ray rứt khôn nguôi.
Có lẽ, những linh hồn ấy từng có lần quay về buồn rầu hỏi cha mẹ tại sao mình không được sinh ra? Vì vậy mà nhiều gia đình đã không được yên giấc. Thế nên họ tìm về chùa, hối hận, mong được con tha lỗi.
Thấu hiểu nỗi đau, thương cho thai nhi bé bỏng không được chào đời, nhiều ngôi chùa đã tổ chức trai đàn chẩn tế sản nạn thai nhi, mong xoa dịu phần nào nỗi đau ấy. Ân cần và tràn đầy thông hiểu, hình ảnh trẻ nhỏ xuất hiện khắp nơi trong chùa.
Này bầy trẻ vui vẻ nô đùa tinh nghịch xoa bụng tròn xoe của Đức Phật Di Lặc nguyện chứa hết thống khổ nhân gian. Phía tường bên cạnh, đám trẻ con háo hức dưới cây đào xum xuê trái. Và lồng đèn, đồ chơi, bánh kẹo... được dọn ra cho một bữa tiệc tưng bừng dưới ánh trăng, có cả đường rước đèn và đồng hồ đếm ngược đợi giờ phá cỗ.
Giữa cảnh chùa thường ngày trang nghiêm hiện ra một không gian tuổi thơ dễ thương đến trào nước mắt. Xấu hổ, ngại ngần, sợ người khác biết là tâm lý chung của những bậc cha mẹ trót bỏ con trong hoàn cảnh này. Những ngày đầu, chỉ vài người rón rén đến chùa đăng ký tham dự trai đàn chẩn tế, thậm chí có người giấu mặt, chỉ email và điện thoại về chùa dò hỏi. Bằng lòng từ bi, quý thầy, quý sư cô kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn, nên dần dần lượng người về chùa ngày càng đông.
Thấu hiểu nỗi đau thương cho thai nhi bé bỏng không được chào đời,
chùa Từ Quang đã tổ chức trai đàn chẩn tế sản nạn thai nhi - Ảnh: H.D
Tôi gặp chị H.H trong không khí tràn đầy tình thương và sự thấu hiểu này. Giọt ngắn, giọt dài, chị ngập ngừng mở lòng: “Từ ngày bỏ đi đứa thứ hai vì kinh tế gia đình, tôi luôn bị ám ảnh. Cũng là con, mà đứa được vợ chồng tôi nâng niu, đứa thì… Không đêm nào tôi yên giấc, cứ nằm xuống là hình ảnh đứa con đỏ hỏn lại hiện ra. Tình cờ một người bạn nói tôi đến đây. Ban đầu, xấu hổ lắm, nhưng cứ nghĩ vì con, làm một chút muộn màng còn hơn, phải không cô?” - Ánh mắt chị đỏ hoe lướt nhìn qua khắp dãy đèn lồng, đồ chơi, rồi nhìn tôi như tìm một sự thông cảm. “Nếu biết thế này, vợ chồng tôi cố một chút, mình nhịn ăn, nhịn mặc cho con được thấy mặt trời”.
Câu chuyện của Tr. là sự nhẹ dạ của cô gái trẻ từ thôn quê lên thành phố làm công nhân, yêu, sống thử, có thai, rồi kẻ sở khanh cao chạy xa bay.
Những câu chuyện nối nhau bất tận, những phận người xót xa. Quỳ trước Phật đài, tiếng đại hồng chung ngân vang, bao người mẹ, người cha cất lời : “Xin tha lỗi cho cha mẹ”. Những giọt nước mắt chảy dài. Tiếng kinh giảng về sự sống trầm ấm. Con là tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên. “Cha mẹ ở trong con / Nhìn mẹ cha con thấy / Có con trong cha mẹ…”.
Chẳng thể làm gì nữa cho đứa con không được chào đời của mình, các bậc cha mẹ biến nỗi hối hận thành sự giúp đỡ những đứa trẻ khó khăn như một nỗi bù đắp. Có lẽ, họ thầm hy vọng bên kia thế giới, những đứa con bé bỏng cũng được ai đó quan tâm chăng? Chăm chút từng phần quà, họ cẩn thận đếm rồi nhìn quanh những đứa trẻ nghèo đang xếp hàng, xem có đủ không? Mỗi đứa trẻ bước lên nhận phần quà trao tặng, và vui vẻ nói lời cảm ơn, thì mỗi người mẹ người cha miệng mỉm cười mà ánh mắt thăm thẳm xa xăm. Nếu ngày xưa con họ được chào đời, thì hôm nay bé cũng đã lớn ngần này rồi.
Rằm tháng Tám lung linh ánh nến, những chiếc lồng đèn đung đưa. Ánh trăng vằng vặc soi rọi mùa của bao dung, thứ tha.