Trung thu gợi nhớ mùa trăng cũ

GN - Đã thấy bánh trung thu bày bán từ sau ngày lễ Vu lan. Đến nay, đi trên dường phố, ngõ chợ nào cũng bắt gặp những cửa hàng đầy bánh với những thương hiệu nổi danh như: Kinh Đô, Đồng Khánh… Những chiếc bánh trông thật hấp dẫn, dĩ nhiên không rẻ tiền chút nào. Đi kèm với bánh trung thu là những chiếc lồng đèn đủ hình đủ dạng bán đầy khắp nơi. Vậy là Trung thu lại đến nữa rồi.
tet trung thu4.jpg
Tết Trung thu - Ảnh minh họa

Tôi đi trên đường phố Sài Gòn, đi giữa mùa Trung thu, chợt nhớ lại những mùa trăng cũ hồi còn ở quê nhà.

Thuở còn đi học, quê tôi mừng đón Trung thu thật vô cùng đơn giản. Không có những chiếc bánh thơm ngon. Không có những chiếc lồng đèn khác biệt. Người lớn chẻ những thanh nan tre đan thành hình ngôi sao năm cánh, phất giấy ngũ sắc thô sơ để “tặng” cho con cháu. Và hình như chỉ có trẻ con mới cầm lồng đèn đi chơi thành đoàn, thành nhóm. Người lớn không thấy có cảnh uống trà thưởng bánh ngắm trăng. Đêm thôn quê trăng bàng bạc trải vàng trên ngàn cây nội cỏ. Ánh lửa từ những chiếc lồng đèn chập chờn tỏa ra hòa lẫn với những tiếng hồn nhiên vui cười của đám trẻ con đã vỡ òa trong đêm vắng.

Khi đã có gia đình, tôi thay người xưa chẻ nan tre làm lồng đèn cho các con. Màu mè khung vàng khung đỏ cũng chỉ là giấy ngũ sắc, cũng chỉ là hình ảnh ngôi sao năm cánh. Thêm vào mấy đường chỉ ngang dọc, mấy túm tụi treo nơi đầu các cánh đã là đổi mới. Bánh trung thu mua cho các con chỉ đơn thuần là bánh ngọt rẻ tiền thường thấy.

Dần dần, Trung thu không còn là Tết dành riêng cho trẻ con nữa. Người lớn đã chen chân vào chiếm lĩnh cả sự hồn nhiên của tuổi thơ. Trẻ con trở thành phụ thuộc. Người lớn đã lợi dụng trẻ con để lấy lợi về mình. Bánh trung thu đủ loại hình tung ra thị trường. Lồng đèn đủ kiểu dáng hiện đại bày bán khắp nơi. Tôi lại cặm cụi làm lồng đèn cho các cháu. Không phải vì muốn ngoảnh mặt với trào lưu tiến hóa, mà vì bản thân không đủ khả năng để mua sắm. Tuổi già rồi thì làm được gì.

Tôi làm lồng đèn, nhưng không phải theo “bổn cũ soạn lại”. Tôi đã cải tiến dùng lon sữa bò kết hợp lại mà thành. Dùng dây kẽm cứng xuyên ngang qua hai đầu lon sữa bò, kết liền với một lon khác nằm dọc bên trên. Đầu dây kẽm buộc vào một thanh cây dài để nắm đẩy đi. Mỗi lần đẩy, chiếc lon bên dưới lăn tròn thì bên trên cũng quay theo tạo thành tiếng kêu lốc cốc nghe thật vui tai, đồng thời với ánh sáng phát ra từ chiếc đèn cầy nhỏ xíu gắn bên trong, lung linh trông thật đẹp mắt. Các cháu tôi tha hồ đẩy lồng đèn đi chơi đêm trung thu với bạn bè hàng xóm, không thấy đứa nào ao ước có một chiếc lồng đèn thắp sáng bằng đèn pin cả.

Sau này tôi vào thành phố. Các cháu tôi đứa lớn đã không còn ở lứa tuổi chơi lồng đèn nữa, đứa nhỏ chắc cũng chẳng chịu với chiếc lồng đèn bằng nan tre đan ngôi sao năm cánh phất giấy gương màu, nói chi đến lồng đèn bằng hai chiếc lon sữa bò kết lại? Thời xưa ấy chắc chẳng ai còn nhớ tới.

Ở thành phố, năm nào tôi cũng được ăn bánh trung thu. Những chiếc bánh đắt tiền, ăn miếng đầu thấy ngon, mấy miếng sau đã thấy ngán. Những lần như thế, tôi không sao quên được những mùa Trung thu xưa cũ ở quê nhà.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày