Truyện ngắn: Con dâu

GN - Trời lem nhem tối, tự nhiên gió nổi, mây đen mù trời. Trong nhà, ông Phiên ho sù sụ không ngớt. Bà Phiên lóng ngóng chẳng biết giúp chồng bằng cách nào, hốt hoảng gọi điện cho con dâu.

Giờ này mà nó vẫn ở tận đẩu tận đâu, chưa về nhà nấu cơm cháo gì cho bà. Bố chồng ốm liệt giường, mẹ chồng lấn bấn với hai đứa cháu, mà nó cứ bình chân như vại. Hiệu thuốc của nó đâu phải lúc nào cũng đông khách, chắc lại la cà đâu rồi. Đàn bà con gái mà hay ngồi lê đôi mách, nhí nhách quà vặt thì chẳng bao giờ chăm sóc gia đình tốt. Tiếng cửa đập sầm sập, gió ràn rạt xô cây cối nghiêng ngả ngoài vườn làm bà Phiên càng thêm sốt ruột.

gieotrong.jpg


Chăm sóc - Ảnh minh họa

Ông Phiên ốm dai dẳng cả năm nay nhưng tháng gần đây bệnh của ông trầm trọng hơn. Lúc tăng huyết áp, lúc cơn hen suyễn lên cao trào, ông dùng thuốc tại nhà không ăn thua. Mỗi lần vậy, bà đều bắt con dâu gấp gáp gọi xe đưa ông vào viện, điều trị bình ổn mới đưa ông về nhà. Bà chẳng ưa gì con dâu, nhưng bà ngại phiền con trai bà, nó bận trăm công nghìn việc ở cơ quan, đàn ông phải lo việc lớn, bà làm rối rắm nó vì chuyện lặt vặt trong gia đình làm gì.

Dù rất cố gắng nhưng bà chưa bao giờ xuôi lòng được với cô con dâu. Đã bao lần bà ngồi ngắm con trai và con dâu bà khi chúng nó lúi húi, to nhỏ bên nhau. Bà thật không hiểu nổi, trên đời này thiếu gì con gái đâu mà con trai bà lại chọn nó. Vóc dáng nó lều khều, thô thô, nhìn toàn xương xẩu, răng lại hơi hô, học hành thì hết trung cấp, ai học mà chẳng được. Con trai bà vừa đẹp trai, vừa hiền lành ngoan ngoãn, lại là thạc sĩ, giảng viên một trường đại học. Sự chênh lệch ấy làm lòng bà hụt hẫng tột độ ngay từ lần đầu con trai bà đưa bạn gái về ra mắt. Bà khuyên giải thế nào con trai cũng không nghe, nó nằng nặc, kiên quyết lấy con bé lều khều ấy.

Sau khi chúng nó lấy nhau, con dâu bà chỉ ăn với đẻ. Hai năm hai đứa, học dược sĩ gì mà chẳng biết cách phòng tránh thai. Nó đẻ dày nhưng nó có vất vả đâu, hàng ngày, tay bà chăm hai đứa cháu nội là chính. Nó đẻ xong đứa thứ hai thì đòi mở cửa hiệu thuốc ngoài phố. Nó đi miết để bà ở nhà vật lộn với một người ốm, hai đứa trẻ nhỏ, bảo sao bà không điên tiết.

Cơn ho của ông Phiên mỗi lúc một dữ dội. Bà Phiên vỗ vỗ lưng rồi xoa xoa ngực, ông Phiên vẫn nhăn nhó, mặt ông có vẻ hơi tím tái. Chỉ tí nữa thôi là bà Phiên chửi um nhà mất. May mà cái dáng lều khều của con dâu bà đã thấp thoáng ngoài sân. Bà nói như gào lên:

- Chị có nhanh lên không, bố chồng chị sắp không chịu nổi đây này.

- Con đây, con đã cố phóng xe về nhanh nhất có thể. Mẹ chuẩn bị mấy đồ như lần trước cho bố đi, để con đỡ bố, xe con gọi vào ngay bây giờ.

Ông Phiên cố thều thào khi cơn ho ngắt quãng:

- Cứ từ… từ… hụ hụ… đi xe… không… lái nhanh… vượt ẩu được... hụ hụ…

- Vâng bố, con vẫn cẩn thận mà. Bố đừng nói gì nữa, cố gắng giữ người thoải mái, thở đều sẽ bớt cơn ho.

- Tôi xong rồi, hai đứa nhỏ tôi gửi bên nhà bác Lâm. Chị dìu ông ấy ra xe mau.

Taxi lao đi, thúc ngược cơn gió mạnh. Người lái taxi ghì chặt vô-lăng, trầy trật vượt qua quãng đường xóc long sòng sọc. Hai mẹ con bà Phiên nghiêng bên này, rồi lại xô biên kia chúi chụi. Ruột già ruột non nháo nhào trong ổ bụng, cổ họng lờm lợm chỉ chực nôn. Ông Phiên mệt lả trên ghế. Cuối cùng cũng đến bệnh viện. Dù đang say xe, bà Phiên vẫn lồm cồm bò dậy để ôm đống đồ, tất tả bước xuống xe một cách nhanh nhất. Cô con dâu vội vàng gồng hết sức mình xốc bố chồng ra khỏi taxi.

Tiếng người, tiếng xe cứu thương loạn xị trước cửa bệnh viện. Trong chớp nhoáng, ông Phiên đã nằm trên chiếc xe đẩy có ga phủ màu trắng xóa, nhân viên y tế nhanh chóng đẩy ông vào phòng cấp cứu.

Con trai bà Phiên đi làm về hay tin, vội vã vào viện ngay.

- Bố con thế nào rồi mẹ?

Bà Phiên vừa nhìn thấy con trai, miệng mếu máo, lu loa:

- Ôi con ơi! Bác sĩ không cho mẹ vào, họ đang tiêm thuốc gì ấy. Bố mày bị hôn mê, chắc tại đưa đến bệnh viện muộn, chỉ tại con vợ mày về nhà muộn. Họ chằng toàn dây xung quanh người ông ấy. Ông ấy mà bỏ mẹ đi, mẹ biết sống với ai, mẹ sống làm sao nổi con ơi!...

- Mẹ cứ bình tĩnh nào. Chưa gì đã…

Con dâu bà Phiên đứng nép góc tường như đứa có tội. Nó luôn ra vẻ đáng thương trước mặt chồng nó.

Bác sĩ báo ông Phiên bị hôn mê do cơn đột quỵ, giờ phải thở máy. Lần này, chưa biết ông phải nằm ở viện bao lâu, gia đình phải bố trí người thay phiên nhau ở lại viện với ông.

Bà Phiên hậm hực với cô con dâu mấy ngày, chẳng nói chẳng rằng. Cũng không hẳn vì con dâu mà ông Phiên thành ra như thế, nhưng đang trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, cộng thêm nỗi xót xa khi nhìn thấy chồng bất tỉnh, bà Phiên cứ trút lên nó. Gớm, mà bà có giận mấy, chắc nó cũng mặc. Nó khinh bà sao ấy, chẳng bao giờ nó đối lại lời bà, cứ “dạ”, “vâng” lấy lệ. Bố chồng nó nằm li bì ở viện, nó cũng có chịu hy sinh công việc để ở viện chăm bố đâu. Hai đứa con nhỏ nó quẳng bên bà ngoại cả ngày. Nó vẫn mê mải với quầy thuốc, chỉ thỉnh thoảng đảo qua bệnh viện, rồi lại biến mất, đến bữa mới mang cơm vào cho bà, chắc nó sợ mùi hôi hám, bệnh tật của bệnh viện. Riêng buổi tối, nó bắt bà về nhà với bọn nhỏ. Hai vợ chồng thay phiên nhau trông bố buổi tối, có hôm cả hai cùng ngủ qua đêm ở bệnh viện. Nẫu lòng bà, con dâu bà nó thuộc tuýp phụ nữ muốn trốn con nhỏ.

Ông bà Phiên đẻ được một mụn con trai, tất cả tình yêu thương và niềm tự hào đều dồn lên nó. Ngày nó được nhận vào làm giảng viên ở trường đại học cách nhà 30km, bà Phiên rơi nước mắt vì mừng, thế cũng bõ công ông bà. Tính tình nó hiền hòa, dễ chịu, biết nghe lời bố mẹ. Ấy thế mà khi lấy con vợ này, nó trở nên khác lạ. Lời bà Phiên nói với nó không còn hiệu lực tất thảy như trước. Bà mang nặng đẻ đau, nuôi nó mấy chục năm trời, con dâu mới bước vào cuộc đời nó được vài năm, sao con trai có thể nặng nhẹ, quay mặt với bà. Ông Phiên bảo bà già rồi nhưng tính còn trẻ con, đi so đo rõ buồn cười. Chuyện đó càng làm bà tức anh ách.

Cả tuần, ngày nào bà cũng ở bên trò chuyện với chồng vì bác sĩ bảo phải nói chuyện, động viên thường xuyên, bệnh nhân mới nhanh tỉnh. Giờ ông Phiên mở mắt, nhìn được theo các động tác của bà rồi, mà vẫn chưa được rút ống thở. Bà Phiên tính khí thất thường, đôi khi lời nói có vẻ ngoa ngoắt nhưng bà yêu chồng yêu con hết mực. Từng giây, từng phút nhìn thấy chồng chịu đựng khổ sở, bà cũng đau thắt ruột.

Hai vợ chồng nó làm gì ngoài hành lang không biết, bà bảo con dâu ra ngoài lấy cốc nước mà nó đi lâu thế chứ. Bà đẩy cửa đi ra ngoài, thấy con trai và con dâu đang to nhỏ với nhau. Định cất giọng mắng cho chúng một trận, nhưng câu chuyện giữa chúng làm bà lặng đi:

- Em nghỉ bán hàng một thời gian đã, cứ chạy đi chạy lại hai nơi sức nào chịu nổi?

- Nhìn em “que củi” thế thôi, chứ khỏe lắm anh. Mà em nghỉ bán hàng thì lấy tiền đâu chạy chữa thuốc men cho bố.

- Ừ, tội nghiệp em. Anh xin lỗi. Anh mang tiếng giảng viên mà lương ba cọc ba đồng, lại bận rộn quá, mọi phát sinh trong gia đình em phải lo toan hết.

- Sao anh lại nói thế, anh làm cả nhà mở mày mở mặt ý. Em cũng thấy hãnh diện lắm khi được làm vợ của một giảng viên. Anh cứ yên tâm công tác, việc nhà đã có em lo. Mai em lấy tiền hàng sẽ trả đủ tiền viện phí cho bố. Nhà mình chỉ gặp chút sóng gió nhỏ thôi, bố sẽ sớm khỏe lại và về nhà. Dù có chuyện gì, vợ chồng mình sẽ cùng nhau vượt qua. Anh đừng nói gì, để mẹ biết, mẹ thêm suy nghĩ. Thôi, anh về trước, sang bà ngoại đón các con giúp em…

Bà Phiên lặng lẽ quay lại phòng bệnh. Ngồi xuống bên cạnh chồng, bà nắm chặt tay ông, ngậm ngùi. Hóa ra, con trai bà cũng trầy trật tiền nong đến vậy. Thực lòng từ trước đến giờ bà không để ý. Bà ngẫm ngợi, trong nhà có rất nhiều khoản chi tiêu phải lo. Nào là tiền ma chay hiếu hỉ, đóng góp này nọ ở họ hàng, làng xóm. Nào là tiền thức ăn, tiền sữa cho bọn nhỏ, tiền mua thuốc thang cho ông bà… Hàng tháng, ông Phiên có chút lương hưu nhưng thấm vào đâu. Chưa bao giờ vợ chồng nó để ông bà ở nhà thiếu thốn thứ gì. Bà thích gì là bắt chúng làm theo ý và bà nghiễm nhiên cho rằng đó là nghĩa vụ của chúng nó phải lo.

Cô con dâu mang nước vào phòng, nhìn thấy bà Phiên ngồi bần thần, cô lo lo. Thời gian này cô rất sợ bà suy sụp, bà có làm sao nữa thì cô sống dở chết dở, xoay xở làm sao.

- Mẹ à, mẹ uống nước đi. Con biết, thời gian này mẹ vất vả nhiều nhưng mẹ suy nghĩ quá làm gì. Cứ coi như gia đình ta gặp đợt sóng gió nhỏ, rồi mọi chuyện sẽ lại ổn, rồi bố con sẽ sớm bình phục và cười nói với mọi người. Giờ con ở đây với bố. Mẹ về nhà nghỉ ngơi cho lại sức, có sức khỏe mới chăm được bố con chứ. Cơm tối con nấu rồi, mẹ ăn và giục các cháu ăn hộ con nữa.

Bà Phiên nhìn chồng, rơm rớm nước mắt:

- Tôi biết rồi, chị không phải nói nhiều thế. Ông ấy phải khỏe lại chứ, ai lại nằm mãi thế đâu, phải không ông? Tôi không sao. Tôi về nhà tắm ù cái rồi lại vào viện, đêm nay tôi muốn trông ông ấy, chị về ngủ với bọn trẻ. Làm mẹ thì phải gần gũi với con cái, lâu không gần chúng nó quên cả hơi chị rồi.

Ra đến cửa phòng bệnh, bà ngoảnh lại nói thêm:

- Hoa quả đầy đấy, chị tranh thủ ăn đi, chị để người ngợm như ma ốm thế, ai mà nhìn cho được.

Con dâu bà mỉm cười, khẽ “vâng”. Bà Phiên quay đi, lần đầu tiên bà thấy nụ cười của con dâu bà nhìn cũng không đến nỗi nào.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày