Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Nhàn: Một cuộc đời

GN - 1. - Mày lên đưa Tám vài trăm đi chợ, nói thằng Mẫm gửi, bữa nào về tao tính!

Chiều đó, làm xong, tôi lên thẳng nhà ba của Tân (tức Mẫm - tên cúng cơm). Khi ông bà nội Tân mất, mấy cô lần lượt theo chồng thì ngôi nhà này một thời gian mình cô Tám ở. Sau khi ba nó chia tay với bà vợ thứ tư thì về lại nhà mình. Nói nhà nhưng thảm lắm, cửa nẻo tuềnh toàng, sứt sỉa, mọi thứ cũ kỹ bệ rạc.

anh mhoa.jpg

Ba Tân nằm thoi thóp trên chiếc chõng tre. Cái chõng rệu rạo, chỉ một tiếng thở đứt quãng của người bịnh cũng làm nó kêu cót két. Người đàn ông một thời gái gú lẫy lừng, buổi xế chiều lại cô đơn và tàn tạ thế này. Chữ “ngờ” làm người ta không dám ngờ luôn.

Tôi đứng một chặp, thấy hơi bất tiện thì ngồi chồm hổm hỏi han. Bố Tân rặn è è “Thằng Mẫm khỏe không?” rồi lim dim mắt thở. Tôi ngồi nhìn bộ dạng hom hem của ông thêm một lát rồi tìm Tám đưa tiền. Ồ, Tám đang lui cui nấu cơm. Tám đứng khum khum, bộ đồ nhăn rúm. Đôi dép mòn vẹt nhưng vẫn buộc lại bằng sợi thép mảnh. Vẻ ngoài rách rưới cộng dáng đứng vòng kiềng càng tô đậm vẻ lầm than không tả nổi.

Thấy tôi cất tiếng chào, Tám đưa tay lên dụi dụi mắt, mặt mày lem luốc hết vì tay Tám dính đầy lọ nghẹ - chụm củi. Tôi đứng nhìn trân trân vào đôi tay gân guốc. Đôi tay run bần bật nhưng hết sờ cái này lại cầm cái nọ. Chỉ là nồi cơm với xoong canh mướp nhưng thấy Tám bận bịu khiến tôi không thể rời mắt khỏi đôi bàn tay khốn khổ và nhẫn nại đó. Đang loay hoay cơm canh, bỗng Tám gõ lên đầu cái bốp rồi lấy bình thủy rót nước, đứng thổi vội thổi vã rồi đem lên đút từng thìa cho ông anh đang nằm bẹp gí trên giường. Xong, Tám lại xuống bếp. Tôi dúi tiền vào tay nói Mẫm gửi thì Tám chắp hít, cái thằng thương quá, không tiền mà cho ba cho Tám hoài.

2.

Về nhà, tôi gọi điện cho Tân liền.

- Sao không tranh thủ về thăm ba, thăm Tám?

- Về sao được mà về!

- Ủa, hai chân mày bị bà mụ thu lại rồi hả?

- Khùng quá! Nhận làm cho người ta, chưa xong sao về được!

- Thì sắp xếp, chớ mày chờ ba mất, Tám chết mới về hả?

- Cái mỏ… ăn mắm ăn muối!

- Chứ không phải ổng đang nằm thở thoi thóp. Còn Tám…

- Tám không khỏe à?

- Đôi tay lúc nào cũng run rẩy.

- À, Tám bị như vậy từ nhỏ.

- Thế hồi giờ không đi khám hả?

- Không!

- Sao vậy?

- Chưa bao giờ nghe Tám bảo sẽ đi khám bệnh. Mà nhà tao cũng không ai biểu nên cũng chẳng biết Tám bị bệnh gì nữa.

- Mày phải có nhiệm vụ chở Tám đi chớ.

- Hồi còn ở với Tám thì hỉ mũi chưa sạch, lớn chút thì ông bà chia tay, tao bỏ học theo mẹ mày không thấy hả. Giờ ra thanh niên thì bất tài vô dụng, cái thằng làm nghề tự do với cái thằng thất nghiệp có khác gì nhau đâu, cày đêm cày ngày cũng không nuôi nổi cái thân mập nên muốn giúp Tám cũng lực bất tòng tâm. Ráng chờ tao…

- Chờ mày kiếm đủ tiền chắc Tám đã về cát bụi.

- Hay tao đi cướp nhà băng nha?!

- Thế Tám không chồng con gì à?

- Không chồng nhưng con thì có, mà có cũng như không.

- Mày lòng vòng làm tao xót ruột gớm!

- Mồ côi từ tấm bé, ông bà nội tao thấy hiền lành nên thương thương rồi nhận làm con nuôi. Tiếng là con nuôi nhưng sống như người ở.

- Tám ở với nội đền ơn chứ không theo chồng?

- Lùi lũi ngoài đồng nên chẳng biết thanh xuân. Đến tuổi ba lăm thì như “trâu quá lứa, mạ quá thì”. Không rảnh rang sửa soạn yêu đương một phần, một phần vì người ta sợ cái lưỡng quyền cao ngất cộng thêm cái dáng đi chữ O nên không thấy anh nào “rớ” - mẹ tao kể vậy. Mà Tám con gái nhưng tay ngoài đồng chân trong nhà, suốt ngày ngụp lặn rồi quên luôn chuyện cây lớn trổ hoa, đò đầy sang bến, gái lớn theo chồng.

- Hồi nãy mày nói Tám cũng có con mà?

- Ừ.

- Không anh nào “rớ” thì đào đâu ra con?

- Nhưng tự dưng có một ngày Tám chửa. Người ta bảo một thằng say khật khưỡng nào đó đè hiếp bên đồng khi Tám làm về tối.

- Thế con Tám đâu?

- Tám sinh con, mẹ “tròn” nhưng con không “vuông”. Nếu phải tả về đứa bé thì đó là cực hình với người kể. Mẹ tao bảo, không có từ nào để diễn tả hết sự hãi hùng của bà khi nhìn thấy hài nhi khốn khổ đó - chỉ biết đau đến thâm tím ruột gan. Lúc nhìn thấy đứa bé, Tám đau đớn nhưng không hoảng sợ, rồi Tám ôm con vào lòng, hun hít vồ vập mà nước mắt chảy ròng ròng. Có chết mẹ cũng không tả lại hình hài của đứa bé đó, chỉ kể có vậy, và nói Tám đặt tên con là Hồng Ân. “Để cho Tám yên, cấm được hỏi chuyện chồng con của Tám!”, trước khi mất bà nội cũng dặn vậy.

- Tội Tám dữ ! Nhà mày có ai thương Tám như người nhà không chớ thấy Tám thương ba mày lắm đó.

- Ừ, cô Tám xem ba tao không đơn giản như một người anh. Tám chăm ba như hầu hạ một đấng bề trên. Có lần trong bệnh viện, ba tao hôn mê mấy ngày, lúc Tám đang xách túi đồ ăn đi ở ngoài sân thì tao la lên “Tám ơi, ba con tỉnh rồi!”. Tám hối hả chạy vô, vấp té bứt móng chân luôn.

3.

Đó là một đêm mưa. Ầm ầm ào ào, đang ngủ thì điện thoại rung lên hoảng hốt, tôi vội bật dậy nghe, đầu dây bên kia giọng Tân nhẹ như tiếng rụng của lá sau trận gió:

- Ba tao mất rồi!

Không nói một lời, tôi lập tức chạy lên nhà ba Tân.

Tôi vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là cô Tám nằm mê mết trên giường, tay mò mò sửa chiếc khăn tang trên đầu đang xệch qua một bên. Tôi lại gần:

- Tám gắng ăn uống chút gì nha!?

Cô khó nhọc:

- Tám không sao.

Thấy Tám nằm thở đứt quãng, tôi lẹ làng bước ra ngoài để cô nghỉ ngơi. Ra đứng trước sân, nghe rõ tiếng ồn ào, tranh cãi. Cô Năm lạnh tanh, giọng chua ngoa, chì chiết:

- Nhà nghèo khạc ra tro, ông anh một đời đào hoa lãng tử chết, cộng thêm bà Tám đổ bệnh. Đúng là họa vô đơn chí thiệt mà.

Nói xong, không thấy ai đáp từ, cô Năm tiếp:

- Trước mắt cứ rao bán đất bán nhà để lo hậu sự cho ổng.

Cô Sáu có vẻ hiền lành hơn (ít ra là còn biết Tám không có chỗ dung thân):

- Vậy mình “nhét” bà Tám chỗ nào?

- Có chân có cẳng thì tự tìm chỗ mà đi chớ. Ăn bám gần hết đời rồi còn gì!

Mẫm nghe cô Năm nói cạn tình cạn nghĩa thì quạu:

- Tám chẳng ăn không của ai hết. Giờ thì sức đâu nữa mà đi!? Chẳng phải gia đình ta đã vắt kiệt Tám rồi sao?

- Mày yên chí đi, bà con chòm xóm không để bả chết nằm đó mà ươn mà thối đâu. Ngữ đó là sắp đi rồi! - giọng cô Năm the thé.

- Tám cả đời hầu hạ nhà mình, giờ mọi người tính “vắt chanh bỏ vỏ” hả? - Tân bất lực gào to.

- Vậy mày mang bả về phụng dưỡng đi.

Cô Năm nói móc họng, Tân á khẩu liền. Hắn đang sống cơ cực với cái mác “nghề tự do”. Một mẹ già hắn đã lo không đàng hoàng, làm sao dám thêm cô Tám nữa. Nhưng bỏ thì không đành, không nỡ, hắn vẫn không bỏ cuộc, nói như van xin:

- Hay mình bán nhà bán đất rồi trích ít tiền để Tám vào viện dưỡng lão?

- Bán để lo hậu sự cho bố mày, còn mấy đồng thì chia chị em chớ đứa nào không có phần trong này.

- Nhà rách nát nhưng miếng đất to, dáng đẹp, lại nằm trên đường bê-tông của thôn thì chắc cũng bộn tiền. Tám một đời dồn sức dồn máu cho nơi đây, đương nhiên Tám cũng có phần.

- Con lượm con nhặt làm gì có!

Câu chuyện đang diễn ra tức rực nhưng có điện thoại của mẹ tôi, bà bảo bụng tự nhiên đau dữ dội nên tôi hối hả về.

*

Mẹ bị đau ruột thừa, mổ xong thì tôi gọi điện cho Tân.

- Tám giờ sao rồi?

- Không biết!

- Mày nói cái gì ngơ ngơ vậy? - tôi điên lên hét.

- Tám đi rồi!

- Đi đâu?

- Không biết!

- Cả nhà mày không ai hay biết à?

- Ừ… mà nếu giả mấy cô tao có biết, chắc sẽ như không biết.

- Tám thương mày lắm, sao bỏ đi mà không nói gì với mày được?

- Tám nhờ ông Tư hàng xóm gửi lại tao một tờ giấy!

- Tám không biết chữ mà viết cái gì.

- Nó là tờ di chúc của ba tao!

- Tám không được chia phần trong đó hả ?

- Ba để lại đất và ngôi nhà cho Tám!

Giọng thằng Tân nghẹn ngào lí nhí. Còn tôi, tôi bỗng thấy ngực mình nặng trịch như có tảng đá đè lên, thương quá Tám ơi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày