TT.Thích Đức Thiện trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ

GN - Trước thềm Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2020 do Trung ương Giáo hội tổ chức vào ngày 26-5 tại Hà Nội và 30-5 tới tại TP.HCM, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN.

hoinghi 5.jpg

TT.Thích Đức Thiện báo cáo tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội các tỉnh phía Bắc - Ảnh: Phúc Thịnh

Nói về thành phần tham dự và nội dung trọng tâm của sự kiện lần này, Thượng tọa cho biết:

- Đây là Hội nghị sinh hoạt Giáo hội thường niên của GHPGVN. Năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên thời gian diễn ra hội nghị có muộn hơn so với các năm trước. Các đại biểu tham dự hội nghị lần này là chư tôn đức Ban Thường trực HĐCM, chư tôn đức Ban Thường trực HĐTS, chư tôn đức lãnh đạo các Ban, Viện T.Ư, các Ban Trị sự (BTS) GHPGVN các tỉnh, thành phố, các đại biểu tiêu biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị tổ chức nhằm thảo luận và đưa ra các đề xuất, các biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hoạt động Phật sự trong năm 2020 đã đề ra. Thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị kỳ 4 khóa VIII HĐTS. Đồng thời, HĐTS  sẽ  tập trung vào một số Phật sự trọng tâm trong thời gian tới do diễn biến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

 Chúng ta vừa trải qua một mùa Phật đản PL.2564 đặc biệt, không rầm rộ nhưng lại có chiều sâu, đáng chú ý nhất là việc Giáo hội khuyến khích Phật tử thiết trí và thực hiện lễ Tắm Phật truyền thống tại tư gia trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Ở cái nhìn tổng thể của Trung ương Giáo hội, Thượng tọa nhận định như thế nào về những đóng góp của Phật giáo cả nước trong công cuộc đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh? Theo Thượng tọa, có sự sáng tạo nào đáng tôn vinh và những sự vụ nào cần lưu ý?

- TT.Thích Đức Thiện: Đúng là chúng ta đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản PL.2564 - DL.2020. Sự thành công ở đây là tất cả chúng ta đều có một cảm nhận về một mùa Phật đản rất đặc biệt, rất khác trong cách tổ chức, sâu lắng mà thiêng liêng. Thành công của mùa Phật đản năm nay là nhà nhà thực hiện nghi thức Tắm Phật, chùa chùa Tắm Phật. Lễ Tắm Phật còn diễn ra ở công sở của các công ty, ở các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, và đặc biệt là Tắm Phật trên không gian mạng xã hội… Tuy không rước xe hoa kính mừng Phật đản, không lễ đài tập trung đông người nhưng cờ hoa Phật đản, cờ Phật giáo, băng-rôn kính mừng Phật đản vẫn tưng bừng khắp nơi từ thôn quê đến thành thị, miền núi tới đồng bằng… một không khí hân hoan với tất cả mọi người.

Sự đặc biệt của Đại lễ Phật đản năm nay chính là đóng góp to lớn nhất của Tăng Ni, Phật tử vào thắng lợi của Việt Nam trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tăng Ni cấm túc nơi chùa, cơ sở tự viện của mình thực hiện các khóa lễ cầu quốc thái dân an, hồi hướng để bệnh dịch sớm tiêu trừ đã thể hiện được sự đoàn kết, chung tay đồng lòng cùng toàn xã hội, cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Chúng ta đã thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối, tin tưởng vào các quyết sách, chỉ thị của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sự hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đóng góp, ủng hộ nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Tăng Ni, Phật tử, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước ước tính hàng trăm tỷ đồng gồm tiền, nhu yếu phẩm, các trang thiết bị y tế… đã góp phần làm cho niềm tin chiến thắng được nhân lên, đem lại thành công của Việt Nam trong công cuộc chống dịch Covid-19 được thế giới đánh giá cao.

Trước hoàn cảnh chung, có thể nói chúng ta có nhiều sáng tạo đã được áp dụng trong sự nghiệp hoằng dương Chính pháp mà nổi bật nhất là nhiều buổi thuyết giảng Phật pháp trực tuyến, các thời tụng kinh online kết nối hàng vạn người… Trong mùa dịch bệnh có rất nhiều chư tôn đức Tăng Ni đã áp dụng các hình thức trực tuyến để đáp ứng cho nhu cầu của Phật tử.

Tuy nhiên, vẫn còn một số Tăng Ni, cơ sở tự viện còn chưa thực sự chấp hành nghiêm các chỉ thị của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, thông tư hướng dẫn của HĐTS trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chúng ta cần hết sức nghiêm túc tự nhìn nhận, vượt lên mọi ngụy biện để xây dựng niềm tin và hình ảnh GHPGVN.

GHPGVN đã đi được nửa nhiệm kỳ VIII (2017-2022), theo kế hoạch, năm 2020 cũng sẽ diễn ra Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Phật giáo các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có vấn đề nhân sự. Thượng tọa cho biết chủ trương định hướng về vấn đề này như thế nào, đặc biệt đối với các BTS chuẩn y có thời hạn ½ nhiệm kỳ? Với Trung ương Giáo hội, cụ thể là HĐCM, HĐTS, các Ban, Viện, Phân viện, Học viện… có sự điều chỉnh không?

- Theo Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VI, tại Điều 50 có nội dung Hội nghị giữa nhiệm kỳ của BTS GHPGVN cấp tỉnh để sơ kết công tác Phật sự giữa nhiệm kỳ và bổ sung nhân sự khuyết vị. Nội dung này cũng đã được Hội nghị HĐTS kỳ 4 khóa VIII giao cho các BTS. Tuy nhiên, bởi tác động của dịch bệnh Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội trong gần hết nửa năm 2020.

Do đó trong 6 tháng cuối năm, các BTS GHPGVN tỉnh, thành phố có kế hoạch tổ chức hội nghị giữa nhiệm kỳ cần chủ động chương trình, đề án chi tiết gửi đến Ban Thường trực HĐTS.

Những năm gần đây, với việc bùng nổ mạng xã hội, có hiện tượng Tăng Ni trẻ lạm dụng, tạo sự quan tâm trong dư luận về oai nghi cũng như sự bất nhất trong thuyết giảng, phát ngôn liên quan tới người xuất gia. Thượng tọa nhận định như thế nào về hiện tượng đó? Nên chăng Giáo hội có những quy định về chuẩn mực ứng xử trên mạng xã hội đối với Tăng Ni, bổ sung Nội quy Tăng sự hiện hành chưa thấy đề cập tới vấn đề mới này?

- Thực tế đã xảy ra các tình trạng đó. Ban Tăng sự T.Ư đã có những điều chỉnh về các vấn đề này trong nhiều hội nghị và các sinh hoạt chuyên đề Tăng sự, nhất là đối với các Tăng Ni trẻ. Nếu chúng ta thực sự gìn giữ giới luật trang nghiêm, thực hiện đúng theo Nội quy Ban Tăng sự T.Ư và các quy định của Giáo hội thì đã bao hàm sự điều chỉnh tất cả các hành vi, các chuẩn mực trên mạng xã hội rồi.

 Xin cảm ơn Thượng tọa!

H.Diệu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày