Thượng tọa Thích Nhật Từ - trưởng ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM - khẳng định những hành vi phản cảm tại các lễ hội xuất phát từ hiểu biết sai lầm.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nói:
- Tôi cho rằng đó là những hành vi phản cảm về mặt văn hóa cần được điều chỉnh từ trong nhận thức. Trên tinh thần nhân - quả của Phật giáo, việc đi chùa đầu năm là một việc làm tốt, cần khuyến khích trong khuôn khổ đây là một nét đẹp văn hóa, đến chùa để làm cho tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn chứ không phải nhét tiền vào tay tượng Phật, thánh thần nhằm cầu xin sự đáp trả nào đó.
Thật ra những vị Phật, thánh thần hay đức Trần Hưng Đạo - một vị anh hùng dân tộc - là những bậc đáng kính với nhân cách và trí tuệ hơn người, nên mỗi người đến chùa lễ Phật hay đến các đình, đền lễ bái (đúng ra) là để học hỏi nhân cách, đạo đức của những vị ấy, làm thăng hoa đời sống, tâm hồn của mình.
Tới viếng các đền thờ những vị khai quốc công thần từ xưa đến nay cũng là để nghĩ về việc xả thân chống ngoại xâm của tiền nhân, từ đó sống xứng đáng ngay hôm nay, để gìn giữ bờ cõi đất nước vẹn toàn, chống sự xâm nhập văn hóa không lành mạnh của nước ngoài vào, làm mất đi bản sắc tốt đẹp của người Việt mà cha ông đã xây dựng, giữ gìn bao đời.
Do đó việc đến đền, đình hay chùa chiền xin được làm ăn giàu có là một hành vi sai lầm, bởi những vị đó không mang sứ mệnh phù hộ cho ai có được những ước muốn cá nhân của mình.
* Theo thượng tọa, làm thế nào để người dân, nhất là những người tham gia lễ hội, thay đổi nhận thức sai lầm như thầy nói, từ đó có hành vi đúng hơn?
- Những đền, chùa, miếu, phủ, những nơi tổ chức các lễ hội phải truyền thông đến người tham gia và dân chúng thấy rõ họ nên đến chùa trong tâm thế như thế nào. Nếu mang niềm tin cầu xin, đổi chác đến với Phật, thánh thần thì không những không đúng tinh thần nhân - quả vốn là định luật tất nhiên của cuộc sống, mà còn bất kính với những bậc thánh thần ấy.
Đồng quy ước muốn của bản thân và đạt được nó bằng con đường hối lộ dành cho người thường với những bậc có nhân cách lớn, vượt thoát hành xử tầm thường của chúng ta là một suy nghĩ bất kính, thực thi nó là hành vi bất kính.
Tôi thấy báo chí ngày nay nặng về thông tin giải trí và rất ít thông tin văn hóa mang tính định hướng suy nghĩ, hành vi của con người theo hướng tốt đẹp, lành mạnh, nhất là những dịp trước, trong các mùa lễ hội... nên các cơ quan truyền thông cũng cần có định hướng thông tin cho phù hợp, giúp ích cho nhiều người, đồng thời tạo ra một nền văn hóa ứng xử văn minh.
Chẳng hạn, việc đề cao văn hóa xếp hàng hằng ngày, trong các sinh hoạt lễ hội. Dần dà theo thời gian, thói quen tốt hình thành sẽ thay thế những hành vi chưa đẹp.
* Không chỉ cướp ấn, nhét tiền vào tượng Phật, nhiều người đi chùa dù được lưu ý đốt một nén nhang nhưng vẫn cứ đốt cả bó...
- Có một sự thật là nhiều người thấy người ta làm sao thì mình làm vậy cho yên tâm. Đốt nhang nhiều cũng trong ý niệm đó. Thật ra việc đốt nhang không phải là văn hóa gốc của Phật giáo (từ Ấn Độ), mà là sự tiếp biến văn hóa từ Trung Quốc nói chung, Phật giáo Trung Quốc nói riêng.
Tôi nghĩ các vị trụ trì, các chùa nên có hướng dẫn cho phật tử, người đi chùa hiểu rõ điều này để đến chùa, đến viếng các nơi thờ tự những bậc khai quốc công thần phải bằng tinh thần tôn kính, học hỏi như đã nói.
Nếu không có sự hướng dẫn hay kiên quyết từ những chùa, đình, đền, miếu... thì người dân khó thay đổi. Khói nhang cũng gây hại rất lớn cho sức khỏe, cần phải hạn chế. Bên cạnh đó, việc đốt nhang, vàng mã chỉ gây tốn kém tiền bạc một cách lãng phí, nên để tiền đó làm từ thiện.
* Có thể thấy những người đi lễ, đi hội đều mong muốn bình an, ước nguyện điều tốt đẹp đầu năm. Nhưng thưa thầy, làm sao để mọi người hiểu việc xây dựng bình an đâu phải chờ dịp tết, dịp lễ, càng không phải cầu xin mà có?
- Nét văn hóa đi chùa đầu năm có từ lâu. Người Việt tiếp nối nhiều thế hệ đều gìn giữ nét đẹp đó. Tuy nhiên, đến chùa dâng ước nguyện là khởi đầu việc kiến tạo điều tốt lành, còn để đạt được nó thì mỗi người cần thực hiện theo một quy trình đúng (chứ không phải đúng quy trình).
Quy trình đúng ở đây là đúng theo nhân - duyên - quả, tức là chúng ta phải có kế hoạch và bắt tay vào thực hiện ước nguyện của mình một cách tốt đẹp, bằng sự nỗ lực, chân thành, chứ không phải cưỡng cầu.
Theo tôi, để có một cuộc sống an lành, hạnh phúc thì mỗi người phải thực tập tình thương, lấy tình thương để giải quyết mọi vấn đề; đồng thời trong mọi mối quan hệ phải giải quyết bằng cách tháo gỡ những khúc mắc bằng sự hợp tác thay vì trả đũa, thay vì đối đầu (như chiến trường một mất một còn) thì hãy đối thoại (để đôi bên cùng có lợi). Trong mọi việc, mỗi ngày đều làm vậy thì được bình an. Bình an do chính mình tạo ra!
Lưu Đình Long thực hiện
(theo Tuổi Trẻ)