Ngày Tết an lạc lễ chùa

Những dịp lễ chùa trong mùa tết là cơ hội cho chúng tôi đi vãn cảnh đẹp của các ngôi chùa, đi để tự vấn bản thân, đi để cảm nhận hạnh phúc mà mình đang có và nguyện gìn giữ sự an lạc trong tâm hồn.

Đầu năm an lạc lễ chùa
Tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM), dù rất đông khách
đi lễ chùa dịp xuân nhưng tất cả đều xếp hàng vào lễ Phật - Ảnh: H.P.

Tôi thích thời khắc giao thừa khi mà năm cũ trôi qua nhường cho những phút giây đầu tiên của năm mới bước vào, lòng người cũng rạo rực chờ đón những điều mới mẻ.

Từ lúc cả nước không còn đốt pháo, và nhất là năm nay không có pháo hoa, thì tiếng chuông, tiếng trống vọng ra từ các ngôi chùa chính là âm thanh báo hiệu thời khắc chuyển mình của trời đất.

Tôi nghe tiếng chuông trầm ấm, tiếng trống mạnh mẽ quyện vào nhau, hòa cùng mùi hương trầm tinh khiết lan tỏa trong không gian và tôi biết mình đang còn được đứng hạnh phúc trên đất nước của mình.

Năm nay tôi ăn tết ở nhà, TP.HCM thật yên bình trong những ngày đầu xuân. Tôi chọn những ngôi chùa ngay gần nhà mình, khu vực quận 3, quận 10 và Tân Bình để vãn cảnh.

Đâu đâu cũng trang hoàng đẹp đẽ, trang nghiêm với đủ loại mai, đào, lan, cúc... khoe sắc thắm tươi. Tiếng mõ đều đều như giữ nhịp thời gian, xen lẫn tiếng chào nhau bằng câu niệm A Di Đà Phật thật nhẹ nhàng, thanh thoát.

Nụ cười và vẻ tươi tắn của người đi lễ đủ làm sáng bừng ngay cả buổi chiều mưa, thật là những ấn tượng đẹp cho một khởi đầu mới. Lúc nhận lộc đêm giao thừa ở chùa Kim Cương (Q.3), thấy hàng người dài dằng dặc nhưng ai cũng kiên nhẫn xếp hàng, thăm hỏi nhau một cách vui vẻ.

Lại chợt nghĩ tới những hình ảnh không đẹp. Hình ảnh được chia sẻ nhiều lâu nay vẫn là những đồng tiền lẻ nhét vào tay tượng Phật thường thấy ở các ngôi chùa ở miền Bắc.

Có một lần tôi đã hỏi một vị sư ở chùa Viên Giác (Q.Tân Bình) rằng người miền Nam thường chỉ bỏ tiền vào thùng Phước Sương thôi chứ không đặt tiền ở những nơi khác. Vậy ngôi chùa này có rất đông phật tử người miền Bắc đến lễ, tại sao không có hiện tượng đặt tiền vào tay tượng Phật?

Thầy trả lời rằng với các phật tử thường hay đi lễ nơi đây đã được các thầy hướng dẫn rất kỹ, rất am hiểu Phật pháp nên không làm thế. Còn người ở nơi khác đến có thể chưa quen thì các thầy sẽ có cách “ngăn chặn” ý định đó.

Tôi nhìn theo hướng tay thầy và thấy xung quanh mỗi bức tượng có rất nhiều chậu hoa xếp vòng xung quanh. Những chậu hoa trang trí làm tôn lên vẻ đẹp của tượng, đồng thời không gian của cái vòng ấy đủ lớn để ngăn không cho ai có thể “tiếp xúc” gần bức tượng (có muốn cũng chả thể nào để tiền vào tay tượng được).

Nhờ các chùa có sự chuẩn bị và thông báo rõ ràng nên mọi người đều văn minh, nhường nhịn nhau. Không còn cảnh tranh nhau vặt trụi cây lá của chùa, cảnh giẫm đạp lên nhau để giành lộc.

Chùa Pháp Vân (Q.3) còn để sẵn một số cành hoa cho các phật tử nếu thích có thể xin đem về cắm trên bàn thờ mấy ngày tết. Mà năm nay tôi thấy nhiều chùa ở Sài Gòn đều làm như thế, thật đúng là “lộc vui vẻ” cả năm.

Thêm vào đó, các ngôi chùa mà gia đình tôi, cũng như các bạn của tôi, đi viếng trong những ngày vừa qua tại TP.HCM như: Viên Giác, Định Thành, Kim Cương, Pháp Vân, Pháp Hoa, Giác Ngộ, Giác Uyển, Xá Lợi..., ở thời điểm chúng tôi đến thấy ít đốt vàng mã.

Điều này vừa giúp người dân hiểu rõ hơn về lời dạy của Đức Phật, vừa giảm được sự lãng phí rất lớn cho xã hội.

Nhiều chùa để lư hương ngoài trời cho phật tử đốt nhang tỏ lòng thành kính, còn trong chánh điện cũng hạn chế đốt nhang, nhờ vậy không khí của ngôi chùa thật dễ chịu. Tôi thấy nhiều cụ bà thành kính lần tràng hạt, người lớn tuổi ngồi thiền, niệm Phật, người trẻ bước đi một cách an nhiên.

Hòa thượng Mãn Giác đã có thơ rằng: “Mái chùa che chở hồn dân tộc - nếp sống muôn đời của tổ tông”. Dù đang ở Việt Nam hay tại nơi đâu trên trái đất, người Việt vẫn tìm đến ngôi chùa, tìm đến nơi nương tựa tâm linh của mình, nơi gắn bó mình với những ký ức cội nguồn dân tộc.

Mong sao những điều không tốt, không phù hợp sẽ dần bị loại bỏ, những điều phù hợp sẽ được nhân rộng để việc “đi lễ chùa đầu năm” thực sự là một tập tục tốt đẹp, làm cho mọi người gắn bó hơn với cộng đồng, làm cho mọi người cảm nhận được sự hạnh phúc và bình an mỗi khi nhớ về.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày