Từ câu chuyện của Sư cô và một Phật tử

GN - Tôi về ngôi chùa nhà hơi xa trung tâm thành phố để dự Pháp hội Vu lan. Cũng như mọi khi, lâu lâu mới có dịp chuyện trò với sư cô trụ trì nên tôi hay kể cho cô nghe đủ thứ chuyện... Còn cô thì hay hỏi mấy chuyện đời, chuyện trên mạng mà cô “thiếu thông tin”.

Và cũng như thường lệ cô cười rất to, khi nghe chuyện nào đó có phần thú vị, rồi cô thường giải thích vì sao mà cuộc đời có những chuyện như vậy xảy ra. Tôi thường suy nghiệm lời cô nói như một cách nghe pháp, nó rất cụ thể khiến ta hiểu nhanh nguồn cội sự tình. Hôm đó cũng từ nơi cô, tôi học được một cách ứng xử thật đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng.

5a263dc6d95f4.jpg


Nhẹ buông - Ảnh minh họa

Lúc đang thưa chuyện với sư thì tôi thấy phía sau lưng cô, có người đang bưng một mâm có mấy bình bông đi ngang để chuẩn bị sắp lên mấy ban thờ. Sư cô xoay lại nhìn người đó rồi nói:

- Ủa, hôm nay vô công quả hả? Hổng giận nữa sao, bữa giờ không thấy, tưởng giận luôn rồi chớ!

Tôi nhìn kỹ, thì thấy người đó là một phụ nữ trẻ, độ tuổi ba mươi. Chị ấy trả lời sư cô rằng:

- Có giận đó chứ thầy, oan quá mà, nhưng thôi bỏ qua..., hôm nay vô công quả.

Sư cô cười và nói: Vậy hả, giỏi vậy đó hả!

Chị đó nói tiếp: Hôm bữa, người ta mới trên lầu xuống, có biết gì đâu mà bị la, người đâu mà dữ quá à...

Nghe vậy sư cô cười càng sảng khoái và nói: Ủa, không biết tôi dữ hả? Xưa nay tui nổi tiếng dữ mà...

Bưng mấy bình bông, chị đó vừa đi vừa cười vừa nói: Dạ, dữ thiệt chớ!

Tôi không rõ và cũng không hỏi nội dung câu chuyện mà cô ấy bị la hôm trước là gì. Tôi không biết ai đúng, ai sai. Nhưng tôi nghiệm được rằng: Cô ấy có thể bị mắng oan và tìm ra lý do mình bị oan là do sư cô “dữ” (có thể hiểu nhẹ nhàng là lúc đó sư cô hiểu nhầm nên cô mới dữ). Và chính vì lý giải như vậy nên cô không giận và tiếp tục đến chùa.

Còn về sư cô, khi cô cười lớn và tự nhận: “Ủa, không biết tôi dữ lắm hả, và khen cô kia giỏi” - thì có nghĩa là cô đã nhận phần lỗi về mình rồi, không cần truy tìm đúng sai.

Thông thường trong mọi ứng xử về cả hai phía, đôi khi hiểu nhầm là chuyện rất bình thường. Và hiểu nhầm lại có thể gây ra những tác hại xấu nhưng nếu ta kịp nhận ra thì hóa giải nó rất dễ dàng.

Điều đơn giản như vậy nhưng không phải là ai cũng đều làm được đâu!

Hoàng Dũng Hùng (Q.10, TP.HCM)

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày