Từ chuyện tử tế của một học sinh lớp 11...

GN - Lối sống tử tế là phẩm chất căn bản của một con người trong bất kỳ thời đại nào. Một người sống tử tế chính là một bông hoa trong vườn hoa xinh đẹp giữa đời thường. Hương thơm của bông hoa ấy sẽ “ngược gió khắp tung bay”, “tỏa khắp mọi phương trời”...

 anh PGTT.jpg
Mẩu giấy nhận lỗi của bạn trẻ học lớp 11 ở Hải Phòng thành câu chuyện đẹp có sức lan tỏa - Ảnh: FB

Chuyện bình thường thôi!

Bắt đầu từ trung tuần tháng 11 đến nay, hành động xin lỗi của một cậu học sinh lớp 11 tại Hải Phòng đã được các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội lan truyền hết sức nhanh chóng, tạo nên một làn sóng bình luận sôi nổi. Câu chuyện đơn giản chỉ là cậu học sinh ấy vô ý làm bể kính xe ô-tô của một người đậu bên đường và đã viết lại lời xin lỗi kèm số điện thoại di động rồi dán lên cửa xe. Nguyên văn như sau: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô-tô. Cháu xin lỗi ạ! Liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ (Do cháu không biết chủ ô-tô là ai)…”.

Biết được sự việc, nhà báo tìm gặp, khi được nhà báo hỏi về hành động đó, bạn trẻ ấy nói: “Cháu thấy có lỗi thì nhận, không làm vậy cháu áy náy lắm”. Bạn còn nói đừng đưa tên cháu và tên trường lên báo, vì đó là chuyện thường thôi. Còn chủ xe thì nói với báo chí là khi ra xe thấy mẩu giấy anh rất vui. Thiệt hại thì có nhưng không sao cả, anh nói với bạn trẻ là không cần đền gì cả. Anh còn chụp và post hình ảnh đáng yêu này lên Facebook.

Bạn Võ Quốc Anh (sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM) nhận xét: “Cậu học sinh đó là người có trách nhiệm, việc làm bể kiếng là một tai nạn, biết nhận lỗi như vậy là quá tốt. Lúc đó cậu ấy có thể rời đi mà người khác không biết nhưng tinh thần nhận lỗi thể hiện việc sống có trách nhiệm với lỗi mà mình gây ra. Nếu ở lại để nhận lỗi trực tiếp ngay lúc đó cũng chưa hẳn là tốt”.

 “Chuyện đó là bình thường mà, hàng ngày vẫn đầy người tốt. Nói chung bạn này là người có lòng tự trọng” - bạn Phạm Thị Tường Vi (sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho biết.

Cô Võ Hoài Danh (giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông Thực hành sư phạm An Giang) nhận định: “Hành động của cậu bé chứng tỏ cậu có trách nhiệm với việc mình đã gây ra. Tôi nghĩ đây là hành động cũng bình thường thôi, nhưng là một bài học cho giới trẻ trong việc tạo cho mình thói quen tốt như nói lời xin lỗi và cảm ơn”.

Mọi người nghĩ hành động biết nhận lỗi của cậu bé ấy là một việc hết sức bình thường. Điều ấy không sai. Có rất nhiều câu chuyện tương tự như thế hoặc hơn thế xảy ra hàng ngày trong cuộc sống xung quanh chúng ta. Có lẽ tần suất chúng ta bắt gặp những lời xin lỗi như thế ngày càng ít đi khiến cho tôi và nhiều người khác nghĩ nó không còn bình thường nữa. Trên thực tế, cậu bé ấy có thể bỏ đi ngay khi làm bể kiếng, kiểu như “ma không biết, quỷ không hay” và đó sẽ mãi là một bí ẩn đối với người chủ chiếc xe.

“Lời xin lỗi bình thường ấy tôi cho rằng nó thấm đượm sự tử tế giữa con người với con người trong cuộc sống thường ngày”, nhiều nhận định sau câu chuyện.

Tử tế có khó không?

Ông bà xưa có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” để chỉ con người sống trong xã hội phải học lễ nghi trước, lấy lễ nghi làm đầu để đối nhân xử thế cho đúng đắn, cho chuẩn mực rồi sau đó mới đến học kiến thức sách vở. Chúng ta thường đau đáu với câu hỏi làm thế nào để trở thành một người tử tế? Việc tử tế là việc như thế nào?

Theo tôi, sự tử tế là những việc hết sức nhỏ trong cuộc sống như nói một lời cảm ơn hay biết tự giác xin lỗi khi gây ra sai lầm. Những lời xin lỗi hay cảm ơn đó phải xuất phát từ trái tim và khi đó nó chạm đến trái tim của một hoặc nhiều người khác, đó chính là sự tử tế. Trở lại câu chuyện của cậu học sinh lớp 11 kia, lời xin lỗi tuy không được phát ra trực tiếp từ chính cậu ấy mà chỉ thông qua một dòng tin nhắn nhưng lời xin lỗi ấy có thiện chí, xuất phát từ trái tim, đã chạm đến lòng trắc ẩn của người chủ xe và cậu học sinh không phải đền bù thiệt hại nữa.

Thế đó, sự tử tế đơn giản lắm. Nhưng trong guồng quay của cuộc sống hiện đại mà chúng ta, nhất là giới trẻ đôi khi thờ ơ với những việc đơn giản như thế. Có phải chính chúng ta chưa sống tử tế với chính mình cho nên chưa thể mở lòng để tử tế với mọi người, với xã hội xung quanh. Phải thừa nhận rằng ngày nay ít nhiều người ta cũng ngại tử tế với nhau vì sợ bị lừa, sợ cái tử tế của mình bị lợi dụng và thực tế những câu chuyện như vậy đã từng xảy ra. Nhưng đó chỉ là những con số rất nhỏ, như những vết vẩn đục vương trên mặt hồ. Và rồi những vết vẩn đục ấy sẽ dần theo thời gian lắng dần xuống đáy, trả lại một mặt hồ phẳng lặng và trong suốt.

Bạn Võ Thành Nhân (sinh viên trường Đại học KHXH & NV TP.HCM) chia sẻ: “Việc làm của cậu học sinh ấy đã khiến cho chúng ta tin tưởng rằng: điều tử tế vẫn còn đâu đó trong cuộc sống này. Và mỗi chúng ta có trách nhiệm làm cho những hành động này phải xuất hiện thường xuyên hơn, như một thói quen, chứ không phải ‘ngàn năm có một’ để rồi lên báo tung hô”.

Tôi còn nhớ trong bộ phim tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy có đoạn: “Tử tế, hai chữ là gốc từ chữ Hán. Chữ ‘tử’ là việc nhỏ nhất, chữ ‘tế’ là điều nhỏ nhất. Hai chữ ‘tử tế’ cộng chung lại có nghĩa là cẩn thận từ việc nhỏ nhất. Vì chữ ‘tử tế’ chúng ta hiểu lâu ngày nó sai đi, nó khác đi. Tử tế thật sự không thể có tiền mà mua được, không thể mong ước mà có được, nó phải qua cái học hành, cái rèn luyện, cái giữ gìn, kế thừa mà có. Tử tế là bông hoa thơm, bông hoa đẹp của tình người”.

Đức Phật dạy có hai hạng người đáng quý: Người không bao giờ làm sai; Người làm sai biết sửa. Hạng người thứ nhất là hạng người rất khó kiếm trong cõi Ta-bà này, chỉ có những bậc Thánh đã chứng đắc, vượt ra ngoài mọi mê lầm mới đạt được. Hạng thứ hai vốn là những người thông thường như chúng ta, song họ biết tinh tấn, biết trau dồi trí tuệ sáng suốt, biết nhận thức những sai lầm mình tạo ra hoặc được người khác chỉ cho mình những sai lầm liền sau đó biết hối lỗi làm mọi cách để sửa sai. Trong đời sống hiện đại ngày nay, cậu bé ấy quả là một trong những hạng người tử tế, đáng quý vậy.

 Tấn Khang

a PGTT 3.jpg
a PGTT 2.jpg

______________

* Bạn đã gặp những trường hợp tử tế trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc hằng ngày? Nếu có, mời bạn kể câu chuyện của mình để cùng chia sẻ với Giác Ngộ. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày